Có giáo viên tiểu học bằng đại học vẫn hưởng lương trung cấp, thầy cô 'tâm tư'
Kịp thời thực hiện bổ nhiệm CDNN cho GV tự học nâng chuẩn là cách động viên, khuyến khích GV tự học, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Người viết nhận được chia sẻ của một giáo viên như sau: “Tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành Tiểu học, trúng tuyển viên chức năm 2015, hưởng lương hạng IV, theo hệ trung cấp.
Đến năm 2020, sau khi biết mình không đạt chuẩn, tôi đã tự bỏ tiền túi để học đại học. Vừa đi dạy vừa học, bao nhiêu vất vả không kể hết, vượt qua khó khăn, để có bằng đại học đạt chuẩn theo quy định, được hưởng lương đại học mong cải thiện cuộc sống.
Tháng 8 năm 2023 địa phương đã thực hiện việc xếp lương giáo viên theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, tôi tiếp tục phải hưởng lương trung cấp như trước vì chưa đạt chuẩn đào tạo.
Đến năm tháng 11 năm 2023, tôi có bằng đại học ngành Sư phạm Tiểu học. Tôi đã nộp bằng cho nhà trường, liên hệ phòng giáo dục để đề nghị được hưởng lương theo bằng đại học mình đã có, nhưng đều được trả lời là chờ cấp trên hướng dẫn, sẽ thông báo làm hồ sơ xét thăng hạng, từ hạng IV lên hạng III, hưởng lương theo bằng đại học.
Thế nhưng, từ đó đến nay, tôi mỏi mòn trông ngóng nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học đúng với chuẩn trình độ đào tạo đại học.
Không chỉ mình tôi, nhiều giáo viên khác cũng cùng cảnh ngộ, chúng tôi đã tự bỏ tiền túi nâng chuẩn, đạt chuẩn rồi vẫn mòn mỏi chờ được xếp lương đúng trình độ đại học”.
Tự nâng chuẩn nhưng vẫn chưa được xếp lương đúng trình độ đào tạo
Theo tìm hiểu của người viết, thời điểm năm 2015, yêu cầu chuẩn đào tạo giáo viên tiểu học là Trung cấp Sư phạm; thực hiện quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Vì vậy, giáo viên tiểu học mới ra trường trúng tuyển viên chức đều xếp hạng IV - Mã số V.07.03.09. Theo đó, một trong tiêu chuẩn đào tạo của giáo viên hạng IV là: "Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên...". Vì vậy, giáo viên có bằng cao đẳng nhưng vẫn hưởng lương trung cấp.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đã nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên.
Theo đó, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Những giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo vẫn được sử dụng, nhưng có lộ trình học nâng chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.
Quy định xét thăng hạng cho đối tượng giáo viên tự nâng chuẩn đào tạo như thế nào?
Việc xếp lương giáo viên trước đây theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; sau đó thực hiện theo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 20/3/2021.
Hiện nay thực hiện theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Khoản 8 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ghi rõ: Trường hợp giáo viên tiểu học chưa đáp ứng điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ghi rõ: Trường hợp giáo viên trung học cơ sở chưa đáp ứng điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều này có thể hiểu, nếu giáo viên chưa đáp ứng điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hay trung học cơ sở vì chỉ vì lý do chưa đạt chuẩn đào tạo khi đã bổ sung bằng đại học thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hay trung học cơ sở tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Hay nói cách khác, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn đào tạo, bổ sung bằng đại học thời gian nào thì được hưởng lương đại học theo thời gian đó, không phải thi hay xét hạng chức danh nghề nghiệp.
Thực tế, hiện nay có rất nhiều giáo viên đã tự bỏ tiền túi bồi dưỡng nâng chuẩn nhưng vẫn hưởng lương trung cấp ở tiểu học, lương cao đẳng ở trung học cơ sở.
Cũng có địa phương đã cho những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo làm hồ sơ xét thăng hạng từ tháng 12/2023 nhưng đến nay giáo viên vẫn chưa được hưởng lương đúng trình độ đào tạo.
Vì vậy, thầy cô hy vọng địa phương sớm thực hiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hay trung học cơ sở cho các thầy cô đã nâng chuẩn đào tạo.
Việc kịp thời thực hiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hay trung học cơ sở phù hợp với chuẩn đào tạo của thầy cô cũng là cách động viên, khuyến khích giáo viên tự học, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.