TP. Hồ Chí Minh: Mặt bằng các tuyến phố trung tâm 'ế' người thuê
Nhiều mặt bằng đẹp tại các tuyến phố trung tâm mua sắm sầm uất ở các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh bị trả hàng loạt, vắng người thuê.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất tại các quận trung tâm đang chứng kiến tình trạng trả mặt bằng diễn ra ồ ạt.
Hình ảnh các cửa hàng đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà" hay "sang nhượng" trở nên phổ biến trên các con phố từng rất đông đúc và nhộn nhịp.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực trung tâm quận 1, nơi có các tuyến phố như Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi. Đây từng là những con phố "vàng", các nhà kinh doanh từng tranh đua nhau để có mặt bằng tại đây, nhưng hiện nay, rất nhiều mặt bằng đang bị bỏ trống, vắng người thuê.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở quận 1 mà còn lan rộng ra các quận khác như quận 3, quận 5, quận 10 và quận Phú Nhuận, nơi gần với trung tâm.
Theo một số chủ cửa hàng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể đến từ nhiều yếu tố như sự gia tăng quá mạnh về giá thuê mặt bằng, lượng khách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt với các chuỗi cửa hàng lớn và cũng như việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân.
Chị Mai Anh, chủ một cửa hàng thời trang tại đường Nguyễn Trãi, quận 1, cho biết: "Tiền thuê mặt bằng của chúng tôi tăng khoảng 20-25% mỗi năm, nhưng doanh thu chỉ tăng khoảng 5-10%. Như vậy, chi phí thuê mặt bằng đã chiếm tới 40-50% doanh thu của chúng tôi. Rất khó để duy trì hoạt động kinh doanh trong điều kiện như thế".
Không chỉ các cửa hàng nhỏ lẻ, ngay cả các chuỗi cửa hàng lớn cũng phải thu hẹp quy mô hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh.
Anh Phúc Bảo, chủ nhà hàng tại quận Phú Nhuận, chia sẻ: "Tôi đã phải trả mặt bằng và chuyển sang địa điểm khác vì không thể tiếp tục trả tiền thuê cao như trước. Nhiều khách hàng quen của tôi cũng rất tiếc khi nhà hàng phải đóng cửa. Doanh thu của nhà hàng giảm sút nghiêm trọng do lượng khách hàng giảm và chi phí thuê quá cao. Tôi không thể duy trì hoạt động trong điều kiện kinh tế hiện tại".
Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cho thuê mặt bằng cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng này. Ông Tấn Trường, chủ nhà cho thuê mặt bằng tại quận 4, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, và mặt bằng trống trải nhiều tháng liền. Điều nay đã làm giảm số lượng khách hàng thuê mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng đến thu nhập của tôi từ việc cho thuê. Tôi mong rằng kinh tế sớm phục hồi, các doanh nghiệp làm ăn tốt trở lại".
Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng hàng loạt tại nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất ở TP. Hồ Chí Minh là một vấn đề đáng lo ngại, phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự chung tay của chính phủ, các tổ chức tài chính, chủ nhà cho thuê và bản thân các doanh nghiệp.
Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính, điều chỉnh giá thuê, khuyến khích phát triển kinh doanh trực tuyến và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp các khu phố kinh doanh phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tình trạng này được cải thiện thành phố cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm thuế, phí, gia hạn thời gian nộp thuế. Ngoài ra, các chủ nhà cần xem xét điều chỉnh mức giá thuê phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh bán hàng, tập trung vào bán hàng trực tuyến để giảm chi phí mặt bằng.