TP. Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế trong kỷ nguyên vươn mình
TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước - luôn mang khát vọng vươn mình mạnh mẽ ra khu vực và thế giới.
Đầu tàu của nền kinh tế quốc gia
TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,56% dân số cả nước, TP. Hồ Chí Minh đóng góp tới 21,3% GDP và 29,38% tổng thu ngân sách. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò vượt trội của TP. Hồ Chí Minh trong nền kinh tế quốc dân.
Sự phục hồi mạnh mẽ của thành phố không chỉ dừng lại ở tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện qua các con số ấn tượng khác. Trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 457.600 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 457.600 tỷ đồng trong quý I/2025
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như chế biến chế tạo, tài chính, ngân hàng, thương mại và công nghệ thông tin. Thành phố còn sở hữu nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển sản xuất và xuất khẩu, đồng thời mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ và công nghiệp sáng tạo. Thành phố cũng tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và sản xuất thiết bị điện tử.
Khát vọng vươn tầm trong kỷ nguyên mới
TP. Hồ Chí Minh hiện đang đứng trước rất nhiều cơ hội trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ cách thức vận hành của nền kinh tế, với các xu hướng nổi bật như chuyển đổi số, kinh tế số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thành phố cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay của thành phố vẫn là việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính và khoa học kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thị sát Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Cấn Dũng
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, TP. Hồ Chí Minh đang tích cực đổi mới các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ và tài chính. Với những bước đi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện một loạt chiến lược đổi mới để đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Mục tiêu của thành phố không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là xây dựng một đô thị thông minh, nơi các dịch vụ công được tối ưu hóa, giao thông được quản lý hiệu quả và chất lượng sống của người dân được nâng cao.
Thành phố đang tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như cảng biển quốc tế Cần Giờ, hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km và trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm. Những dự án này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định, nếu thu hút đủ nguồn vốn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025, góp phần đưa thành phố trở thành một đô thị đáng sống, với chất lượng dịch vụ và tiện ích ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới.
Một trong những dự án chiến lược quan trọng trong giai đoạn này là việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Dự án này sẽ tạo ra một trung tâm tài chính hiện đại, thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn là đầu mối quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhìn nhận: “TP. Hồ Chí Minh cần mở rộng nhân tố mới để tạo đột phá và phát triển bền vững, như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế tri thức. Đây là những “chân trời mới”, nhất là khi thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đang manh nha hình thành”.
Bên cạnh lĩnh vực tài chính, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung mạnh vào phát triển logistics, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế. Một trong những dự án trọng điểm trong lĩnh vực này là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án này với tổng mức đầu tư lên tới 50.000 tỷ đồng, sẽ tạo ra một cảng biển hiện đại, góp phần nâng cao khả năng kết nối và giảm chi phí vận chuyển, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển cho thành phố.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các dự án phát triển hạ tầng logistics quan trọng khác, như các trung tâm logistics tại Cát Lái, Linh Trung, Long Bình, Tân Kiên và Hiệp Phước. Những dự án này không chỉ giúp thành phố tăng cường khả năng kết nối với hệ thống cảng biển và sân bay mà còn nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế thành phố.
“TP. Hồ Chí Minh đang tràn đầy khát vọng vươn lên những tầm cao mới. Truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Với sự quyết tâm và khát vọng không ngừng nghỉ, TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.