TP HCM với nỗ lực xanh - sạch - đẹp

TP HCM đang nỗ lực tìm những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề xả rác bừa bãi, hướng tới thành phố xanh - sạch - đẹp

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho biết thời gian qua, thành phố triển khai hiệu quả "Cuộc vận động người dân

TP HCM không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" (Chỉ thị 19/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy).

Chuyển biến tích cực

Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19/2018, ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng đã được nâng lên rõ rệt, mang lại hiệu quả tích cực và có sức lan tỏa, tác động lớn đến xã hội thể hiện qua sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong việc chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố.

Theo đó, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố nhìn chung có cải thiện; nhiều mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành, đa dạng về hình thức, từng bước phát huy hiệu quả và ngày càng được nhân rộng; nhiều "điểm đen" về rác thải, các phản ánh của người dân đã được địa phương tập trung xử lý và giải quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại hành vi thiếu ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như đổ bỏ rác thải không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố (đơn vị giám sát của Sở TN-MT) trong tháng 11-2024 ghi nhận còn 71 điểm ô nhiễm, tồn đọng rác thải trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện (giảm 12 điểm so với tháng 10-2024). Trong đó, 67 điểm đã được dọn dẹp vệ sinh nhưng tái phát sinh rác thải, 3 điểm mới phát sinh và 1 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh.

Việc thay thế phương tiện vận chuyển rác sẽ xóa đi hình ảnh nhếch nhác, thiếu vệ sinh

Việc thay thế phương tiện vận chuyển rác sẽ xóa đi hình ảnh nhếch nhác, thiếu vệ sinh

Theo Sở TN-MT, để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những điểm tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, thường xuyên rà soát, kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải ở các tuyến kênh rạch và các khu vực công cộng (công viên, vỉa hè, lòng đường, vòng xoay, gầm cầu, khu vực mặt tiền hộ gia đình, hộ kinh doanh); duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới.

Tăng cường ứng dụng các thiết bị công nghệ trong việc giám sát, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý đối với các hành vi cố tình vi phạm, đổ bỏ chất thải không đúng quy định. Tăng cường công tác đối thoại, tiếp nhận phản biện xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, từng bước xây dựng, hình thành thói quen giữ vệ sinh nơi công cộng của người dân thành phố. Cụ thể, bỏ rác đúng nơi quy định, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; ưu tiên sử dụng các vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường; sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần khi mua sắm…

Bảo đảm mỹ quan đô thị đầu xuân

Thực hiện công tác vệ sinh công cộng phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, UBND TP HCM cho phép toàn ngành vệ sinh làm việc cả ngày lẫn đêm và các phương tiện chuyên dụng được lưu thông trong thời gian cao điểm từ ngày 26-1 đến hết ngày 2-2-2025 (tức từ ngày 27 tháng chạp đến hết mùng 5 Tết) để tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng trên toàn địa bàn thành phố; đặc biệt là đường hoa Nguyễn Huệ và các nơi tổ chức lễ hội pháo hoa vào ngày 29 Tết (nếu có).

Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi và an toàn nhất để đội ngũ công nhân vệ sinh an tâm làm việc. Đồng thời, yêu cầu các phương tiện chuyên dụng phải bảo đảm chất lượng vệ sinh, không để phát sinh tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động thu gom, vận chuyển.

Theo UBND TP HCM, các đơn vị trong ngành vệ sinh được nghỉ các ngày 29 và 30-1 (mùng 1 và mùng 2 Tết). Tuy nhiên, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải chủ trì, phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện việc bố trí đủ số lượng nhân sự, phương tiện chuyên dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để duy trì việc quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các tuyến đường chính trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị trong những ngày đầu xuân. Đồng thời, cho phép xe xúc hoạt động tại một số điểm tập trung chất thải rắn sinh hoạt đổ thành đống lớn trên các tuyến đường của thành phố. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động quyết định việc sử dụng xe xúc để phục vụ nhiệm vụ duy trì chất lượng vệ sinh đô thị trên các tuyến đường trong dịp Tết Nguyên đán.

Xử lý 770/814 điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm

Thực hiện Chỉ thị 19/2018, cơ quan chức năng tiếp nhận và giải quyết 41.208/41.208 ý kiến phản ánh người dân liên quan lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị; nhắc nhở 15.501 trường hợp liên quan vệ sinh nơi công cộng, ô nhiễm môi trường; xử phạt vi phạm hành chính đối với 17.737 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền hơn 30,4 tỉ đồng. Thành phố đã rà soát, ghi nhận và xử lý 770/814 điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường (đạt tỉ lệ 94,5%), trong đó đã chuyển hóa 508 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao...

Kỳ vọng chuyển biến trong năm 2025

Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết nhiều nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp thành phố văn minh, thân thiện với môi trường hơn, như thúc đẩy chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn; phân loại rác tại nguồn; ban hành giá thu gom, vận chuyển...

Cụ thể, trong năm 2025, UBND các quận - huyện và TP Thủ Đức rà soát khối lượng thực phẩm tại địa phương và thực hiện phân loại làm 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ở một số đối tượng phát sinh khối lượng lớn chất thải. Thành phố sẽ từng bước đánh giá hiệu quả thực hiện, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng ra các nhóm đối tượng còn lại.

Sở TN-MT sẽ hoàn chỉnh dự thảo quy định giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình UBND TP HCM xem xét, ban hành theo thời hạn trước ngày 31-12. Hiện người dân vẫn đóng tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển theo mức giá cụ thể do UBND cấp huyện ban hành, áp dụng tại địa phương cho đến khi UBND TP HCM ban hành giá cụ thể áp dụng chung cho toàn thành phố.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-voi-no-luc-xanh-sach-dep-19624122021090112.htm
Zalo