Chính sách tín dụng giúp làng đào lớn nhất Thái Nguyên 'hồi sinh'
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Bão Yagi), người dân Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá (TP. Thái Nguyên) bị thiệt hại nặng nề với 2/3 diện tích bị mất trắng. Hơn 2 tháng sau bão, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân làng trồng đào lớn nhất Thái Nguyên đã bắt tay ngay vào việc cải tạo đất, mua cây giống, khôi phục và chăm sóc những cây còn có thể ra hoa phục vụ dịp Tết này...
Những ngày đầu tháng 12, làng trồng hoa đào Cam Giá chỉ lác đác một vài gia đình đang tiến hành tuốt lá cho cây để kịp ra hoa vào đợt Tết Nguyên đán. Không khí không được nhộn nhịp như những năm trước. Chúng tôi có mặt tại vườn đào của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, ở tổ 7, phường Cam Giá, đúng lúc những chuyến xe đầu tiên chở 500 gốc đào giống được anh đặt từ Bắc Kạn chuyển về.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Kiên cho biết: Trận bão lũ lịch sử vừa qua, gia đình tôi có 800 gốc đào to và mấy nghìn cây đào nhỏ, đào cành và đào huyền đều bị hỏng hết, tổng giá trị thiệt hại lên tới gần 1 tỷ đồng. Được sự giúp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, vừa qua, gia đình tôi đã vay 100 triệu đồng để có vốn đầu tư khôi phục vườn đào. Sau khi nhận được tiền, tôi thuê máy móc vào san gạt, làm đất và mua cây giống…
Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Quyên ở tổ 7 cũng bị thiệt hại lớn sau bão với 5.000 gốc đào lớn nhỏ bị hỏng hoàn toàn, không cứu chữa được. Với 100 triệu đồng vay từ NHCSXH tỉnh, gia đình chị thuê máy móc và nhân công cải tạo lại đất. Đồng thời đặt mua 500 gốc đào cổ thụ từ Lạng Sơn về để khôi phục vườn đào. Không chỉ khôi phục vườn đào, một số hộ còn tìm mua cây đào từ những vùng trồng khác về trồng để Tết năm nay vẫn có đào bán nhằm giữ chân khách hàng quen…
Trên địa bàn phường Cam Giá hiện có trên 270 hộ chuyên trồng hoa đào tại 8 tổ dân phố. Theo thống kê, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 22ha, với số tiền thiệt hại ước khoảng 22 tỷ đồng. Qua công tác rà soát của phường, 84 hộ tại 6 tổ dân phố có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất với tổng số tiền đề nghị là 9 tỷ đồng, nhằm đảm bảo giải quyết việc làm cho trên 190 lao động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Để kịp thời hỗ trợ người dân, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác nhanh chóng rà soát nhu cầu, ưu tiên nguồn vốn, giải ngân kịp thời cho người dân có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt ưu tiên cho 75 hộ trồng hoa đào phường Cam Giá vay 6 tỷ đồng giúp khôi phục làng nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Nguồn vốn cho vay thuộc Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với mức vay từ 50-100 triệu đồng/lao động; lãi suất cho vay 7,92%/năm; thời hạn cho vay từ 5-6 năm. Trước đó, NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 1 tỷ đồng hỗ trợ 12 hộ trồng đào khôi phục sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Cam Giá, cho biết: Mặc dù thiệt hại lớn, nhiều gia đình đã mất trắng tiền tỷ nhưng bà con không nản, quyết tâm khôi phục lại cây đào. Sau khi người dân trồng đào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để khôi phục làng nghề, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đoàn thể kiểm tra, giám sát để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lụt nhưng may mắn là trên địa bàn phường Cam Giá vẫn còn khoảng 10ha trồng đào ở những vị trí đất cao không bị ngập úng. Đối với phần diện tích này, người dân làng đào đang tập trung tuốt lá, chăm bón để cây kịp ra hoa, thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Nghề trồng đào ở Cam Giá có từ năm 1994, cây đào đã trở thành cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, đem lại tổng doanh thu cả Làng nghề trồng hoa đào đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Thiên tai bất khả kháng, sau trận lũ lịch sử, người dân làng nghề trồng đào lớn nhất Thái Nguyên đang nỗ lực, quyết tâm khôi phục lại làng nghề. Trong nỗ lực ấy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ bằng các biện pháp thiết thực của các cấp, ngành để hiện thực hóa mong ước của người dân và để thương hiệu đào Cam Giá tiếp tục phát triển bền vững.