TP.HCM: Nhiều giải pháp, cơ hội để hỗ trợ lao động mất việc làm

Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đặc biệt khâu kết nối cung cầu. Tạo điều kiện để người cần việc và người cần nhân lực có thể gặp nhau càng sớm càng tốt.

Ngày 10-9, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM thực hiện chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.

Đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động mất việc

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Tấn Thông, công nhân Công ty Mitex bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện, kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động. Theo anh, hiện nay trên địa bàn TP.HCM, các chủ doanh nghiệp phải tự tìm kiếm nguồn lao động phù hợp với doanh nghiệp, còn người lao động cũng tự tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề mình đã học.

“Theo dự báo, tình hình kinh tế sắp tới còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc làm có thể tiếp tục tăng. Với xu thế chuyển đổi công nghệ, TP.HCM có những chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, chuyển đổi nghề như thế nào cho lao động bị mất việc?” - cử tri Thông nêu ý kiến.

Trả lời ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết, các trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM định kỳ có tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm tạo cơ hội cho người lao động tìm việc và các doanh nghiệp tuyển dụng.

Nhà trường kết nối doanh nghiệp mở sàn tuyển dụng để sinh viên tìm kiếm việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Nhà trường kết nối doanh nghiệp mở sàn tuyển dụng để sinh viên tìm kiếm việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Trong tháng 4-2023, Sở đã chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức chuyên đề trong lĩnh vực du lịch, để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm, tuyển dụng lao động có chuyên môn.

Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức thêm nhiều phiên, sàn giao dịch thuộc chuyên đề của từng lĩnh vực để doanh nghiệp, người lao có nhiều cơ hội tìm, tuyển dụng lao động một cách hiệu quả.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc, bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, hiện nay người lao động mất việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật lao động, sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng với những khóa học dưới ba tháng và 1,5 triệu đồng đối với các khóa học từ ba tháng trở lên.

“Người lao động khi làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm việc làm sẽ tư vấn hướng dẫn các yêu cầu, điều kiện để được thụ hưởng các chính sách về đào tạo nghề. Người lao động mất việc bên cạnh các hỗ trợ hàng tháng còn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí” - bà Trang thông tin.

Tăng cường tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm

Cử tri Lê Hà Mỹ Hồng, công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina thắc mắc đối với địa bàn đông công nhân lao động như quận Bình Tân, hiện nay nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động thì quận có giải pháp hỗ trợ cho công nhân lao động cũng như đào tạo nghề như thế nào.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, hiện nay địa bàn quận có dân số đông với hơn 800.000 nghìn người, trong đó có 65% số lượng người trong độ tuổi lao động.

Thời gian qua, quận đã hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh để tạo việc làm mới, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Liên kết tổ chức đào tạo nghề, phối hợp với công đoàn các doanh dạy nghề cho người lao động tại công ty và đề nghị các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động mới tuyển dụng.

Cạnh đó, thường xuyên tổ chức thu thập thông tin cung cầu lao động để cấp thông tin việc làm, giới thiệu người lao động có nhu cầu tìm việc.

Lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm đến những trường hợp lao động nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới ra trường và người lao động có tay nghề bị mất việc.

Đối với người lao động tại các tỉnh bị mất việc, quận phối hợp các trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM và các đơn vị có liên quan tổ chức bàn tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có cắt giảm lao động để hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu việc làm.

“Ngày 21-9, UBND quận Bình Tân sẽ tổ chức sàn giao dịch giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa điểm Nhà văn hóa lao động quận Bình Tân” - bà Dung thông tin.

Quan tâm, kết nối cung cầu

Giáo dục nghề nghiệp là bậc học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. TP.HCM hiện có 376 cơ sở giáo dục đào tạo nghề, hằng năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, bổ sung cho thị trường lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực TP thời gian qua theo khảo sát đã đáp ứng tương đối được yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, lãnh đạo các sở ban ngành TP cần tập trung theo dõi, ghi nhận đầy đủ ý kiến cử tri và tiếp tục đề xuất những hướng giải quyết hiệu quả.

Đầu tiên, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đặc biệt quan tâm mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Tập trung ưu tiên, quan tâm đến các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học…

Bên cạnh đó cần ban hành những chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực sau đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ chi phí cho người học, cho đội ngũ nhà giáo, doanh nghiệp có tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề nghiệp. Quan tâm, đầu tư chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-nhieu-giai-phap-co-hoi-de-ho-tro-lao-dong-mat-viec-lam-post750772.html
Zalo