Thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ phủ bóng đen lên Phố Wall

Số liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ trong tháng 12 là tín hiệu mới nhất trong chuỗi dữ liệu cho thấy sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ. Nghịch lý thay, điều đó lại khiến thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo do nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) nhanh chóng giảm lãi suất trong năm nay.

Nhân viên giao dịch theo dõi diễn biến thị trường ở Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 10-1. Ảnh: NYSE

Nhân viên giao dịch theo dõi diễn biến thị trường ở Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 10-1. Ảnh: NYSE

Thị trường việc làm vẫn tích cực có thể khiến Fed dừng giảm lãi suất

Theo báo cáo công bố hôm 10-1 của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng trước, số việc làm phi nông nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 256.000, vượt xa mức tăng 155.000 theo dự báo của các nhà kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động Mỹ lùi về 4,1% so với mức 4,2% trong tháng 11.

Sự kiên cường của thị trường lao động thể hiện qua mức sa thải thấp trong lịch sử đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ bằng cách hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng đang được trả các mức lương cao hơn. Thu nhập trung bình theo giờ của người lao động tăng 0,3% trong tháng trước sau khi tăng 0,4% vào tháng 11.

Báo cáo trên khép lại một năm mà việc làm ở Mỹ tăng trưởng hàng tháng dù không nhất quán và đôi khi đặt ra câu hỏi về việc liệu suy thoái có đang rình rập nền kinh tế hay không. Tuy nhiên, hai tháng cuối cùng của năm 2024 cho thấy, thị trường lao động Mỹ vẫn hoạt động tích cực.

Số liệu việc làm mạnh mẽ đồng nghĩa với việc lạm phát khó có thể sớm lùi về mục tiêu 2% của Fed, càng củng cố khả năng cơ quan này thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025.

“Đây là một báo cáo nóng bỏng. Bạn có lẽ nghĩ rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell chắc hẳn đã thở phào nhẹ nhõm vì công việc của ông vừa trở nên dễ dàng hơn một chút. Tuy nhiên, lạm phát đã đứng im trong nhiều tháng nên Fed không có động lực nào để giảm thêm lãi suất. Giờ đây, số liệu việc làm mạnh mẽ càng khiến Fed thấy rằng không cần giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế”, Dan North, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực Bắc Mỹ của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Allianz Trade nói.

Sau đợt tăng lãi suất mạnh của Fed vào năm 2022 và 2023, thị trường lao động không còn quá thắt chặt nhưng vẫn mạnh mẽ so với bất kỳ thước đo nào trong lịch sử, theo đánh giá của Sevin Yeltekin, nhà kinh tế vĩ mô và là hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Simon thuộc Đại học Rochester ở New York.

Nền kinh tế Mỹ cũng đang mở rộng ở mức cao hơn nhiều so với mức 1,8% mà các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng không gây lạm phát.

Số liệu việc làm tích cực là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại là tin xấu đối với nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vì nhà đầu tư lo ngại Fed có thể không giảm lãi suất nhanh chóng thậm chí đảo ngược nới lỏng tiền tệ.

Lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ kìm hãm nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kết quả là nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Chốt phiên giao dịch hôm 10-1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 696,75 điểm, tương đương 1,63%. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,54% và 1,63%.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lùi về 4,1% trong tháng cuối năm 2024. Ảnh: CNBC

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lùi về 4,1% trong tháng cuối năm 2024. Ảnh: CNBC

Nỗi thất vọng bao trùm Phố Wall

Với nền kinh tế bùng nổ, Fed đang trong lộ trình hạ lãi suất và ông Donald Trump, người ủng hộ chính sách thân thiện với kinh doanh chuẩn bị bước vào Nhà Trắng, nhà đầu tư và chuyên gia tài chính ở Phố Wall nhìn chung tràn trề lạc quan trước khi sang năm mới.

Tuy nhiên, năm 2025 đã trôi qua 10 ngày và các hy vọng về đà tăng giá ở khắp các thị trường đã tan biến. Làn sóng bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần phản ánh nhà đầu tư không còn hy vọng Fed sớm nới lỏng tiền tệ thêm nữa.

Hành động bán tháo cổ phiếu hôm thứ Sáu là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, tin tức kinh tế tốt không hẳn là điều may mắn cho thị trường chứng khoán. Nếu Fed không giảm thêm lãi suất do nền kinh tế còn mạnh thì sẽ đe dọa các chiến lược đầu tư nhạy cảm với lãi suất cũng như các công ty nợ nần nhiều trên khắp nước Mỹ.

Số liệu việc tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp giảm gây đau đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào đặt hy vọng lạc quan cho năm 2025 nhờ các biện pháp kích thích nhiều hơn từ Fed.

“Vài tuần qua có thể là bản xem trước hoàn hảo về toàn bộ diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ của cả năm sẽ như thế nào. Thị trường sẽ đầy biến động và hỗn loạn vì chúng ta có sự kết hợp của rủi ro Fed tạm dừng giảm lãi suất, mức định giá cao của tất cả các tài sản và sự không chắc chắn về chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ dưới thời kỳ cầm quyền của ông Donald Trump”, Priya Misra, giám đốc danh mục đầu của JP Morgan Asset Management bình luận.

Kết thúc tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm gần 2%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ khi Chủ tịch Fed Powell làm rung chuyển thị trường vào tháng trước khi báo hiệu rằng bóng ma lạm phát vẫn chưa bị chế ngự.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục đà tăng gần như không bị gián đoạn kể từ ngày đó, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm vượt qua 5% trong thời gian ngắn.

“Có quá nhiều sự lạc quan (vào cuối năm ngoái) dựa trên suy nghĩ đồng thuận rằng, Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất”, Max Wasserman, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Miramar Capital nói.

Trong năm ngoái, bằng chứng rõ ràng về sự hạ nhiệt lạm phát ở Mỹ đã đẩy giá cổ phiếu lên và kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Thế nhưng, trong những ngày đầu của tháng Giêng, các hạng mục tài sản đều có xu hướng giảm giá do nhà đầu tư lo ngại lạm phát trổi dậy.

Tổng lợi nhuận kết hợp của cổ phiếu và trái phiếu chính phủ ở Mỹ, được đo bằng các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lớn nhất thế giới theo dõi S&P 500 và trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài đã âm trong 5 tuần liên tiếp. Đây là khoảng thời gian âm dài nhất kể từ tháng 9-2023. Chỉ số S&P 500 đang có khởi đầu năm tệ nhất kể từ năm 2022.

Nhà quản lý tài sản Bill Harnisch là một số ít người thấy trước điều này. Quỹ phòng hộ Peconic Partners trị giá 1,9 tỉ đô la của ông đang giảm đòn bẩy, bán khống cổ phiếu liên quan đến nhà ở và hạn chế tiếp xúc cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn vì lo ngại dù nền kinh tế yếu hay mạnh cũng đều tạo ra mối nguy hiểm cho những người đầu cơ giá lên.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một thị trường rất rủi ro”, Harnisch và bày tỏ lo ngại rằng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh có thể khiến Fed phải tăng lãi suất trở lại.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-lao-dong-manh-me-cua-my-phu-bong-den-len-pho-wall/
Zalo