Thông tin mới nhất về Ngân hàng SCB
Ngân hàng SCB tiếp tục thu hẹp mạng lưới, đóng cửa thêm 3 phòng giao dịch cận Tết Nguyên đán. Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa gần 150 phòng giao dịch trên cả nước. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân...
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) mới đây thông báo chấm dứt hoạt động 3 phòng giao dịch tại TPHCM, Khánh Hòa và Vũng Tàu.
Cụ thể, nhà băng này sẽ chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Phước Hải - chi nhánh Khánh Hòa (Khánh Hòa) và phòng giao dịch Gia Phú - chi nhánh Bình Tây (TP HCM) từ ngày 11/1. Ngoài ra, SCB cũng thông báo chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bà Rịa - chi nhánh Vũng Tàu từ ngày 9/1.
SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng sẽ được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Trong tháng 12/2024, SCB đã chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TP HCM bao gồm: phòng giao dịch Bảy Hiền - chi nhánh Thống Nhất, phòng giao dịch Nguyễn Thông - chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, phòng giao dịch Thị Nghè - chi nhánh Tân Định, phòng giao dịch Hiệp Thành - chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch An Hội - chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch Lũy Bán Tích - chi nhánh Thống Nhất.
Trước đó, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024, SCB đã đóng cửa 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, SCB đã chấm dứt hoạt động gần 150 phòng giao dịch trên cả nước.
SCB được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt từ ngày 15/10/2022. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
SCB là cái tên thứ 5 được thêm vào danh sách các ngân hàng yếu kém, sau Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Trong tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chuyển giao CBBank và OceanBank về Vietcombank và MB.
Nghị quyết của Chính phủ tháng 11/2024 nêu rõ yêu cầu ngành ngân hàng cần sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với SCB, không để chậm trễ hơn nữa. Đáng chú ý, Chính phủ còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Từ đầu năm 2024, trong báo cáo gửi tới cuộc họp Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Với các ngân hàng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý.
Riêng với SCB, từ báo cáo và đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý SCB.
Theo đó, hướng xử lý được đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.
Báo cáo cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 1/2025, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tình hình SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra.
Phương án tái cơ cấu SCB cũng đang được xây dựng một cách tích cực.