Cuộc dịch chuyển vì mưu sinh - Kỳ 2: Đối tác đôi bên

Sự thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không kịp tiến độ sản xuất, còn những dịch vụ ăn theo công nhân lại vật lộn để duy trì hoạt động. Đây là bài toán khó không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ cộng đồng tại các khu công nghiệp.

 Nhà thuê tạm qua tháng.

Nhà thuê tạm qua tháng.

Tìm công nhân cho… phòng trọ

Trước đây, thay vì công nhân chủ động tìm việc, nay doanh nghiệp đi tìm công nhân. Chuỗi giá trị nhà máy - phòng trọ - công nhân, nay đang thiếu công nhân nên nhà máy đỏ mắt tìm trên mọi nền tảng tìm kiếm lao động, chủ phòng trọ sốt ruột vì không người ở, phòng trọ nhanh xuống cấp. Chị Lê Thị Đào, sống cạnh Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) chia sẻ, những ngày gần đây, không chỉ các nhà máy lao đao vì thiếu công nhân, mà cả những người kinh doanh dịch vụ ăn theo công nhân cũng rơi vào tình trạng khó khăn. “Không có công nhân, hàng tạp hóa cũng ế, nhà trọ cũng ế. Tôi kinh doanh cả hai thứ đó nên cũng chán chẳng kém gì họ khi mất việc”, chị Đào nói.

Trong nỗ lực giúp các nhà máy tuyển lại lao động, chị Đào đã chủ động gọi về quê những công nhân từng làm việc ở đây. Dù nhà máy đưa ra nhiều ưu đãi như bố trí chỗ ở, ứng trước sinh hoạt phí, thậm chí có xe đưa đón, nhưng phần lớn đều từ chối. “Họ bảo ngại lên lại Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh. Sau đợt sa thải năm ngoái, nhiều người đã tìm cách ổn định cuộc sống ở quê”, chị Đào cho biết thêm.

Không chỉ riêng Bình Dương, tại TP Hồ Chí Minh, các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, giày da, điện tử, thương mại dịch vụ, hay lưu trú ăn uống cũng đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng. Khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm đến 60% tại nhiều doanh nghiệp, nhưng việc thu hút lại những lao động này hiện rất khó khăn.

Điều này không chỉ gây áp lực lên doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dịch vụ phụ thuộc vào công nhân, từ quán ăn, nhà trọ, đến các cửa hàng tạp hóa. Nhiều chủ nhà trọ phải giảm giá thuê để giữ chân khách, trong khi các quán ăn ven khu công nghiệp vắng bóng khách hàng thường xuyên.

Lý giải nguyên nhân, chị Đào cho rằng, nhiều công nhân đã mất niềm tin vào sự ổn định của công việc tại các khu công nghiệp. Sau đợt sa thải hàng loạt, họ quay về quê làm các công việc tự do như bán hàng, làm nông hoặc lao động thời vụ, tuy thu nhập không cao nhưng ổn định hơn.

 Chợ tạm của công nhân.

Chợ tạm của công nhân.

Vì đâu nên nỗi?

“Lúc công ty cần, họ tuyển rầm rộ. Nhưng khi gặp khó khăn, mình bị sa thải mà không có sự hỗ trợ lâu dài. Giờ tôi làm ở quê, thu nhập không cao nhưng ổn định hơn”, chị Nguyễn Thị Bé Em, công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) cho biết.

Chị Nguyễn Thị Bé Em mất việc trên TP Hồ Chí Minh, về quê, chị được tuyển dụng vào công ty may mặc gần nhà, làm được 6 tháng thì công ty cũ có gọi điện cho chị. Chị Bé Em cho hay: “Lương ở đây không bằng trên Sài Gòn nhưng bù lại được ở gần nhà ba má, tối tranh thủ chạy qua, sáng ghé lại thăm hỏi. An tâm mọi bề”.

Anh Lê Văn Hậu, 32 tuổi, người từng là công nhân giao hàng tại TP Hồ Chí Minh, giờ đây đã trở về quê nhà ở Đồng Tháp sau một năm thất nghiệp. “Hồi trước, nghĩ làm việc ở thành phố là bình thường. Lên đó, giao hàng mệt nhưng tiền kiếm được đều. Nhưng rồi, dịch bệnh xong lại tới đợt công ty cắt giảm người, tôi bỗng dưng mất việc. Từ đó, tôi chẳng còn dám nghĩ lên thành phố nữa”, anh Hậu kể.

Lần đầu tiên lên TP Hồ Chí Minh, anh Hậu từng xem đây là cơ hội thay đổi cuộc sống. Anh làm đủ mọi việc, từ bốc hàng ở chợ đầu mối, sửa điện trong các khu dân cư, đến chạy giao hàng cho các sàn thương mại điện tử. Nhưng công việc ở thành phố luôn biến động. Khi cần lao động, công ty hối thúc tuyển người, nhưng khi gặp khó khăn, họ cắt giảm. “Không chỉ tôi mà mấy anh em làm chung giờ cũng ngại quay lại. Chúng tôi sợ bị bỏ rơi khi không còn giá trị”, anh Hậu thở dài.

Không riêng gì anh Hậu, chị Võ Thị Lan và chồng Huỳnh Văn Được - chuyên sửa chữa nhà cửa ở Tiền Giang là lao động tự do, cũng có tâm trạng tương tự. “Trước kia, cứ ai gọi lên sửa nhà là tôi đi. Nhưng rồi nhiều lần làm xong, họ không thanh toán đúng hạn”, chị Lan nói.

Các công việc lao động phổ thông vốn được ví như những mao mạch vận hành nhịp sống đô thị: từ giao hàng, khuân vác, sửa chữa, đến buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng giờ đây, với nhiều người lao động, giấc mơ thành phố không còn sức hấp dẫn. Họ nhận ra rằng cuộc sống ở quê dù thu nhập thấp hơn nhưng ổn định hơn.

Câu chuyện của anh Hậu và chị Lan và nhiều người khác, cho thấy những thay đổi trong tâm lý người lao động hiện nay. Thành phố từng là biểu tượng của cơ hội, nay lại trở thành nơi đầy bất ổn trong mắt nhiều người. Điều này không chỉ khiến các ngành nghề lao động phổ thông gặp khó khăn trong việc tuyển dụng mà còn đặt ra bài toán lớn cho sự phát triển bền vững của các đô thị.

Cuộc chơi đã đổi chiều

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh từng là điểm đến lý tưởng của lao động nhập cư nhờ cơ hội việc làm dồi dào và mức thu nhập nhỉnh hơn so với tỉnh thành khác. Tuy nhiên, thực trạng giảm sút người nhập cư trong hai năm gần đây đã đặt ra những vấn đề đáng lo ngại không chỉ cho thành phố mà cả các doanh nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

Theo tính toán thống kê của thành phố, số người nhập cư đến TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh trong năm 2022 và 2023. Tỷ lệ phát triển dân số cơ học lần đầu tiên thấp hơn tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên. Nếu như giai đoạn 2015-2021, trung bình mỗi năm thành phố đón nhận 170 nghìn đến 180 nghìn người nhập cư, thì năm 2023 con số này chỉ còn 65 nghìn người.

Nhiều lao động chia sẻ rằng, họ không còn tha thiết lên thành phố làm việc vì đã trải qua trong các đợt cắt giảm lao động. Môi trường làm việc không bền vững, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại đô thị lớn, cùng với việc không còn niềm tin vào sự ổn định lâu dài đã khiến nhiều lao động lựa chọn ở lại quê nhà.

Sự thiếu hụt lao động khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong các ngành cần nhiều nhân công như dệt may, giày da, điện tử gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô hoặc có kế hoạch di chuyển nhà máy về các tỉnh.

Lao động nhập cư không chỉ cung cấp nguồn nhân lực mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Sự sụt giảm dân số nhập cư sẽ làm giảm động lực phát triển của thành phố, khiến các đô thị lớn sẽ trở nên kém năng động.

Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp và chính quyền cần có các chính sách thiết thực, TS Phạm Mỹ Vân, giảng viên Xã hội học, TP Hồ Chí Minh cho hay: “Cần xây dựng môi trường làm việc bền vững, bảo đảm các chính sách lao động ổn định, tránh cắt giảm đột ngột, và hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Cải thiện đời sống công nhân, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giáo dục và y tế cho lao động nhập cư… là cách thu hút lao động”.

Thành phố cần nhận ra rằng lao động nhập cư chính là động lực quan trọng để duy trì sự phát triển. Việc cải thiện điều kiện làm việc và xây dựng niềm tin lâu dài sẽ giúp TP Hồ Chí Minh khôi phục vị thế là “miền đất hứa” cho người lao động.

Anh Hậu chia sẻ thêm: “Ở quê, tôi nuôi vịt, làm thêm ruộng vườn, tuy cực nhưng chắc ăn. Thành phố giờ đông đúc, chi phí sống đắt đỏ mà rủi ro cao. Hết công việc, mình chỉ là người dư thừa”.

(Còn nữa)

Theo DUYÊN DUYỀN, CẨM CHÂU (NDO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cuoc-dich-chuyen-vi-muu-sinh-ky-2-doi-tac-doi-ben-post307408.html
Zalo