TP.HCM: Người dân đi tiêm vaccine ngừa bệnh cúm mùa tăng cao

Sau khi nữ diễn viên Từ Hy Viên tử vong do liên quan đến bệnh cúm mùa và ca bệnh cúm có xu hướng tăng, số người đi tiêm vaccine cũng tăng theo.

Chị TNM (37 tuổi, ngụ quận 1) cùng 2 con gái đến phòng tiêm chủng của Viện Pasteur TP.HCM để tiêm vaccine ngừa bệnh cúm.

Chị M cho biết do nghe thông tin mắc cúm sẽ có nguy cơ biến chứng nặng, nên để an tâm chị đưa các con đi tiêm cùng.

Chủ động tiêm vaccine phòng ngừa cúm

“Trước đây tôi chỉ nghĩ mắc cảm cúm thì bình thường nên chủ quan không tiêm ngừa. Gần đây mới biết bệnh cúm nếu không phòng ngừa cũng nguy hiểm, lây lan nhanh" - chị M nói.

Anh NMT (46 tuổi, ngụ TP.HCM) đưa con trai 2 tuổi đến Bệnh nhi Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiêm vaccine ngừa cúm. Anh cho biết bé đã được tiêm cúm lúc 9 tháng tuổi nhưng chưa tiêm nhắc lại.

 Cần tiêm vaccine ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cần tiêm vaccine ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Gần đây thời tiết lạnh, lại nghe đang có dịch bệnh cúm mùa nên tôi đưa con đi tiêm nhắc cho yên tâm. Bác sĩ cũng tư vấn cho vợ chồng tôi cách chăm sóc để tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh về hô hấp cho con” - anh T nói.

Bà H (60 tuổi, ngụ TP.HCM) đến trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu để tiêm vaccine ngừa cúm. Bà cho biết có đọc thông tin từ báo chí về dịch bệnh cúm mùa nên lo lắng.

“Tôi đã lớn tuổi, hệ hô hấp yếu nên đến đây tiêm vaccine ngừa cúm cho yên tâm” - bà H nói.

Số người đi tiêm vaccine cúm tăng cao

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi tháng tiêm khoảng 200 liều vaccine cúm. Tuần qua (3-2 đến 9-2), bệnh viện tiêm khoảng 60 liều.

 Nhiều người đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vaccine ngừa bệnh cúm mùa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhiều người đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vaccine ngừa bệnh cúm mùa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết sau thời gian nghỉ Tết, tại phòng Tiêm chủng của Viện, số người đến tiêm vaccine cúm tăng gần gấp đôi so với trước Tết

“Nguyên nhân có lẽ là do sau khi có các thông tin về diễn biến cũng như số lượng mắc bệnh cúm mùa gia tăng ở miền Bắc, đặc biệt thông tin về ca tử vong do nhiễm cúm tại Đài Loan cũng làm người dân quan tâm và đi tiêm chủng nhiều hơn” - bác sĩ Ngọc nói.

Theo bác sĩ Ngọc, bệnh cúm mùa có thể gây nhiều biến chứng, nhẹ như viêm tai giữa, nặng hơn là viêm phổi, nhiễm trùng huyết … thậm chí có thể gây tử vong.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây sinh non hoặc sảy thai. Người có bệnh tim mạch nếu bị cúm sẽ tăng nguy cơ đột quỵ cũng như nhồi máu cơ tim.

Những người có nguy cơ cao mắc cúm và biến chứng do cúm nên được tiêm phòng là nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, suy thận mạn tính…); người trên 65 tuổi.

Ghi nhận từ Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, đầu năm 2025, số lượt người dân đến tiêm chủng tăng 5% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua.

 Nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua. Ảnh: NVCC

Nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Lê Thanh Khôi, Trưởng hội đồng Y khoa, hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, cho biết thông thường, cúm diễn biến biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày.

Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết...

Chưa phát hiện bất thường trong điều trị cúm

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình một số quốc gia trên thế giới đang bùng phát dịch bệnh cúm mùa và ca bệnh cũng có xu hướng tăng ở một số tỉnh phía Bắc, ngành y tế TP đang giám sát chặt tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, một trong số đó ca phải đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP.HCM ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024, trong đó 11 ca bệnh nặng, không có trường hợp tử vong.

Hiện có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết bệnh cúm thường chia làm 2 loại, một là cúm mùa do các siêu vi gây nên, hai là cúm do gia cầm (như H5N1).

Trong đó, cúm gia cầm nguy hiểm hơn, cần phải cách ly tuyệt đối, có kiểm soát chặt. Còn đối với bệnh cúm mùa, chỉ cần dự phòng bằng cách giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang.

“Trẻ em thường mắc bệnh cúm mùa vào mùa thu - đông hoặc đông - xuân. Virus cúm mùa là ở ngoài không khí, nếu trẻ đi chơi ở khu vực nào đó có người cảm, ho, sổ mũi vẫn có thể phát tán virus cúm, trẻ hít cũng có thể bị lây bệnh” - bác sĩ Qui nói.

Theo đó, dấu hiệu mắc bệnh cúm mùa ở trẻ để không bị nhầm lẫn với các bệnh khác là sốt 2-3 ngày, kèm ho sổ mũi. Sau đó, nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục, ho nhiều hơn, thở mệt hơn, phụ huynh cần thận trọng vì lúc này cúm đã bắt đầu có biến chứng viêm phổi, phải đưa trẻ đi khám ngay để kiểm tra, đánh giá tình trạng và điều trị kịp thời.

“Nếu điều trị chậm trễ, biến chứng viêm phổi nặng sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác dẫn đến tổn thương não, nguy cơ cao tử vong. Để phòng ngừa cúm, trẻ cần tiêm ngừa cúm từ 6 tháng tuổi” - bác sĩ Qui lưu ý.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm mùa

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.

Thực hiện nghiêm quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại các cơ sở y tế. Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Trong đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện các hoạt động giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn TP. Tăng cường thông tin, truyền thông để người dân chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Đề nghị phòng y tế triển khai đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus, cúm về trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Sở Y tế TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-nguoi-dan-di-tiem-vaccine-ngua-benh-cum-mua-tang-cao-post833425.html
Zalo