FLI: Lợi khuẩn đẩy nhanh lão hóa

Theo một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Lão hóa Fritz Lipmann (FLI) ở Jena, Đức, vi khuẩn 'có lợi' trong đường ruột đang đẩy nhanh lão hóa ở con người.

Trụ sở của Viện Nghiên cứu Lão hóa Fritz Lipmann (FLI) ở Jena, Đức. Ảnh: leibniz-fli.d

Trụ sở của Viện Nghiên cứu Lão hóa Fritz Lipmann (FLI) ở Jena, Đức. Ảnh: leibniz-fli.d

Một nghiên cứu mới đang thay đổi hoàn toàn cách hiểu của chúng ta về mối quan hệ với vi khuẩn "có lợi" trong đường ruột. Thay vì là những người bạn tốt như được cho trước đây, chúng có thể đang âm thầm đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người.

Theo Tiến sĩ Dario Valenzano từ Viện Nghiên cứu Lão hóa Fritz Lipmann (FLI) ở Jena, Đức, hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm khoảng 100 nghìn tỷ vi sinh vật - bao gồm vi khuẩn, cổ khuẩn, nấm và virus. Hệ sinh thái này được hình thành từ sớm và tồn tại suốt đời, dù thành phần của nó liên tục thay đổi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sau tuổi 50, hệ vi sinh vật cốt lõi trong đường ruột bắt đầu suy giảm và nhường chỗ cho các loài phụ chiếm ưu thế. Tiến sĩ Lena Best từ Bệnh viện Đại học Schleswig-Holstein ở Kiel, Đức cho biết có ba nhóm vi khuẩn: trung tính, có lợi và cạnh tranh. Trong khi hai nhóm đầu hoạt động hài hòa với cơ thể chủ, nhóm thứ ba chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng chúng.

Khi các vi khuẩn cạnh tranh chiếm ưu thế, chúng có thể xâm nhập qua hàng rào ruột và vào máu, kích hoạt hệ miễn dịch và gây viêm nhiễm toàn thân - một đặc điểm của lão hóa. Tiến sĩ Filipe Cabreiro từ Đại học Cologne, Đức còn đề xuất một ý tưởng gây tranh cãi: việc duy trì hệ vi sinh vật đường ruột thực ra là một gánh nặng lớn làm giảm tuổi thọ của chúng ta.

Tuy nhiên, trong thực tế, sống mà không có hệ vi sinh vật là điều không thể. Con người bị bao vây bởi vi sinh vật, bao gồm nhiều loài nguy hiểm. Theo Tiến sĩ Jacob Wilde từ Đại học Oxford, hệ miễn dịch phải làm việc rất vất vả để kiểm soát hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt là trong việc duy trì hàng rào nhầy bảo vệ.

Để làm chậm quá trình này, các chuyên gia khuyến nghị 4 phương pháp: tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh, duy trì chế độ ăn giàu chất xơ và tương tác với người trẻ tuổi để đa dạng hóa hệ vi sinh.

Trong tương lai, việc cấy ghép vi sinh vật từ người trẻ sang người già có thể là một hướng đi đầy hứa hẹn, dù cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định hiệu quả trên người.

Thanh Tùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/fli-loi-khuan-day-nhanh-lao-hoa/362563.html
Zalo