8 nguyên nhân khiến trẻ hư mà cha mẹ ít ngờ tới

Trẻ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ qua hành vi. Khi con có biểu hiện không đúng mực, thay vì trừng phạt, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân để có cách giáo dục phù hợp.

Trẻ muốn được chú ý hoặc đang tìm kiếm sự kết nối: Trẻ em có thể cảm thấy bị bỏ rơi khi bố mẹ nói chuyện điện thoại, đi thăm bạn bè hoặc đi chơi riêng. Chúng truyền đạt cảm giác này bằng cách ném đồ chơi, mè nheo hoặc đánh anh chị em nhằm thu hút sự chú ý. Miễn là không ai bị xúc phạm và tổn thương, việc bỏ qua hành vi tiêu cực và khen ngợi những lựa chọn tích cực của trẻ là cách hiệu quả để quản lý và giảm thiểu các hành vi tìm kiếm sự chú ý. Ảnh: Freepik.

Trẻ bắt chước hành vi sai trái: Trẻ em có xu hướng bắt chước hành vi của những người xung quanh, bao gồm cả bạn bè, người thân và thậm chí là nhân vật trên tivi. Nếu trẻ tiếp xúc với những hành vi tiêu cực như bạo lực, hung hăng, chúng có thể bắt chước và áp dụng vào cuộc sống của mình. Vì vậy, cha mẹ cần hạn chế trẻ tiếp xúc với những hành vi đó, đồng thời cần làm gương bằng cách thể hiện những hành vi tích cực. Ảnh: Freepik.

Trẻ muốn thử thách giới hạn của người khác: Khi bạn đã thiết lập các quy tắc và nói với trẻ những gì chúng không được phép làm, trẻ thường muốn xem liệu cha mẹ có nghiêm túc hay không và tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu chúng vi phạm. Điều này có thể coi là bình thường trong quá trình phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ. Vì vậy, lời khuyên là phụ huynh nên đặt ra giới hạn rõ ràng và đưa ra hậu quả một cách nhất quán. Ảnh: Freepik.

Trẻ muốn thể hiện sự độc lập: Trẻ mầm non và thanh thiếu niên đều có nhu cầu thể hiện bản thân. Trẻ nhỏ thích thử nghiệm kỹ năng mới, trong khi trẻ lớn muốn tự quyết định, đôi khi dẫn đến ương bướng, nổi loạn. Cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách cho trẻ cơ hội đưa ra quyết định phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: Pexels.

Trẻ thiếu kỹ năng xử lý tình huống: Một số hành vi sai của trẻ xuất phát từ việc chưa biết cách giao tiếp hoặc thực hiện nhiệm vụ. Chẳng hạn, trẻ có thể đánh bạn vì không biết cách xin đồ chơi hoặc không dọn phòng vì chưa hiểu cách sắp xếp. Thay vì trừng phạt, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách ứng xử phù hợp, như biết cách xin phép hoặc chia sẻ khi muốn chơi cùng. Ảnh: Pexels.

Trẻ dùng hành vi để bày tỏ nhu cầu: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mới biết đi và mẫu giáo, chưa thể diễn đạt rõ ràng khi đói, mệt hay khó chịu. Thay vào đó, chúng thể hiện qua hành vi. Cha mẹ cần quan sát, lắng nghe để nhận biết và đáp ứng kịp thời những nhu cầu của trẻ. Ảnh: Pexels.

Trẻ muốn thể hiện quyền lực và kiểm soát tình huống: Khi trẻ cảm thấy mình không có quyền kiểm soát tình huống, chúng có thể trở nên ngang bướng, cãi vã để khẳng định quyền lực của mình. Cha mẹ phản ứng tiêu cực với hành vi này có thể dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực giữa phụ huynh và con cái. Vì vậy, bạn có thể xử lý bằng cách đưa ra lựa chọn cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy mình có sự chủ động và tăng khả năng tuân thủ yêu cầu của cha mẹ. Ảnh: Pexels.

Trẻ bắt chước và duy trì hành vi không đúng: Nếu trẻ nhận thấy mè nheo, la hét giúp đạt được điều mong muốn, chúng sẽ lặp lại hành vi này. Việc chiều chuộng có thể giải quyết tình huống tạm thời nhưng về lâu dài, trẻ sẽ hiểu rằng cách cư xử không đúng mực mang lại lợi ích. Cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn trẻ cách thể hiện mong muốn một cách phù hợp. Ảnh: Pexels.

Ngọc Bích

Theo Parents

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/8-nguyen-nhan-khien-tre-hu-ma-cha-me-it-ngo-toi-post1530341.html
Zalo