TP.HCM đứng đầu đầu 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam năm 2024

TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.

Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.

Đáng chú ý, kinh tế thành phố duy trì đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP, đóng góp 68,8% vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp tăng 7,26%, chiếm 18,2% GRDP, nhưng vẫn phục hồi chậm.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP.HCM tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

TP.HCM giữ vị trí dẫn đầu năm 2024 với 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.

TP.HCM giữ vị trí dẫn đầu năm 2024 với 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.

Ở vị trí thứ 2 là Hà Nội với GRDP tăng 6,52% so với năm trước. Quy mô GRDP của Hà Nội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1,43 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023. Trong cơ cấu GRDP của Hà Nội trong năm 2024, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%.

Theo đó, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.

Ở vị trí thứ ba là Bình Dương với GRDP năm 2024 tăng 7,48% so với năm 2023, chủ yếu dựa vào khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,71%, đóng góp 5,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Quy mô GRDP của Bình Dương năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 520.205 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng/năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bình Dương ước tăng 7,6% (năm 2020 tăng 8,02%, năm 2021 tăng 4,5%; 2022 tăng 8,8%, 2023 tăng 4,9%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2023. Lũy kế đến 31/12/2024, toàn tỉnh có 4.399 dự án FDI với tổng vốn 42,5 tỷ USD.

Giữ vững vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng về quy mô kinh tế, năm 2024, Đồng Nai ghi nhận GRDP theo giá hiện hành đạt 493.819 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,41%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 148,94 triệu đồng/người (vượt mục tiêu 148 triệu đồng/người).

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tính tăng 8,15% so cùng kỳ (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,27% của năm 2023). Thu hút FDI đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 27,52% so cùng kỳ.

Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 5 với GRDP năm 2024 ước đạt 288.492 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 11,01% so với năm trước, cao hơn mức bình quân chung cả nước và đứng thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (11,5%-12%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 445.995 tỷ đồng, tương đương 18,36 tỷ USD, giúp Hải Phòng lần đầu tiên lọt vào nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Năm 2024 cũng đánh dấu cột mốc 10 năm liên tiếp thành phố duy trì tăng trưởng hai con số, với sản xuất công nghiệp tăng 15,43%, thu ngân sách Nhà nước đạt 118.255,3 tỷ đồng, vượt 20,86% dự toán Trung ương giao.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-dung-dau-dau-5-dia-phuong-co-quy-mo-kinh-te-lon-nhat-viet-nam-nam-2024-315610.html
Zalo