Tổng thống Trump tuyên bố tăng doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ
Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ tăng doanh số bán vũ khí quân sự cho Ấn Độ bắt đầu ngay từ năm 2025.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung ở Washington ngày 13/12/2025. Ảnh: ANI/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51474283/af89669757d9be87e7c8.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung ở Washington ngày 13/12/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
"Chúng tôi sẽ tăng doanh số bán vũ khí quân sự cho Ấn Độ lên nhiều tỷ USD. Chúng tôi cũng đang mở đường để cuối cùng cung cấp cho Ấn Độ máy bay chiến đấu tàng hình F-35", Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Tuy ông Trump không đưa ra mốc thời gian cụ thể, nhưng các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài, đặc biệt là công nghệ tiên tiến như máy bay tàng hình F-35, thường được cho là sẽ mất nhiều năm để thực hiện.
Lockheed Martin, công ty sản xuất máy bay phản lực F-35, chưa đưa ra bình luận liên quan đến tham vọng bán máy bay chiến đấu này cho Ấn Độ của ông Trump. Lockheed đang sản xuất 3 mẫu máy bay chiến đấu mới cho quân đội Mỹ và các đồng minh bao gồm Anh, Australia, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ.
Việc bán vũ khí quân sự cho nước ngoài như máy bay F-35 được coi là thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ, trong đó Lầu Năm Góc đóng vai trò trung gian giữa nhà thầu quốc phòng và chính phủ nước ngoài.
Kể từ năm 2008, Ấn Độ đã đồng ý mua hơn 20 tỷ USD sản phẩm quốc phòng của Mỹ. Năm ngoái, Ấn Độ đã đồng ý mua 31 thiết bay không người lái (UAV) MQ-9B SeaGuardian và SkyGuardian sau quá trình cân nhắc kéo dài hơn 6 năm. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, New Delhi dự kiến sẽ chi hơn 200 tỷ USD trong thập kỷ tới để hiện đại hóa quân đội.
Nga trong nhiều thập kỷ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Máy bay chiến đấu của Nga cũng được xác định là một phần quan trọng trong lực lượng quân đội của Ấn Độ. Tuy vậy cuộc chiến ở Ukraine đã khiến khả năng xuất khẩu của Moskva trong những năm gần đây đã bị ảnh hưởng đáng kể. Chính điều này đã phần nào khiến New Delhi phải tìm kiếm các hợp đồng mới về hướng về phía Tây.
Bên cạnh hợp tác về vấn đề quốc phòng, một chủ đề khác cũng nóng không kém trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ chính là về thuế quan, thương mại. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Trump cũng cho biết hai nước đã đạt được một thỏa thuận bao gồm việc Ấn Độ nhập khẩu thêm dầu và khí đốt của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại giữa hai nước.
"Bất cứ mức phí nào mà Ấn Độ tính, chúng tôi đều tính. Vì vậy, thành thật mà nói, chúng tôi không còn quan tâm nhiều đến mức phí mà họ tính nữa", ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo chung khi ông đứng cạnh Thủ tướng Modi.
Theo ước tính, Mỹ thâm hụt thương mại khoảng 50 tỷ USD với Ấn Độ, trong khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 190,1 tỷ USD vào năm 2023.
Thời gian qua, Ấn Độ đã tìm cách xích lại gần hơn, cải thiện mối quan hệ với Washington và phương Tây nói chung, vốn đã trở nên lạnh nhạt sau một số động thái “gần gũi” với Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine hiện nay.
Trong những phát biểu gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Modi thường dành những từ “có cánh” để ca ngợi vị chủ nhân của Nhà Trắng và ông cũng cho biết quyết tâm “Làm cho Ấn Độ vĩ đại trở lại” - một cách chơi chữ dựa trên khẩu hiệu và phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump. Thủ tướng Modi được cho là đang tìm cách tránh áp thuế bổ sung đối với Mỹ trước những đòn áp thuế bổ sung trên diện rộng của ông Trump đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Trước chuyến thăm đến Mỹ của Thủ tướng Modi, New Delhi đã thể hiện thiện chí mua thêm dầu của Mỹ và giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ. Điều đó bao gồm mức thuế giảm đối với một số xe máy Harley-Davidson từ 50% xuống 40%. Ngoài ra vào năm 2023, Ấn Độ đã bãi bỏ mức thuế trả đũa đối với hạnh nhân, táo, đậu gà, đậu lăng và quả óc chó của Mỹ.