Tổng thống Mỹ công bố lộ trình tăng thuế đối ứng

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lộ trình áp dụng thuế quan 'có đi có lại' đối với mọi quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

"Ba tuần tiếp theo có lẽ là thời gian tốt nhất từ trước đến nay, nhưng tuần này là tuần quan trọng nhất. Mỹ sẽ áp dụng thuế quan tương hỗ vào ngày 13/2, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay.

Động thái này sẽ điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của Mỹ theo mức mà những nước khác áp dụng đối với hàng hóa của Washington.

 Tổng thống Mỹ công bố lộ trình tăng thuế đối ứng.

Tổng thống Mỹ công bố lộ trình tăng thuế đối ứng.

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: "Mỹ là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới, tuy nhiên các đối tác thương mại vẫn đóng cửa thị trường với hàng xuất khẩu của chúng tôi. Không có đi có lại là không công bằng và góp phần gây ra thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng của chúng tôi".

Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho hay, thuế quan chưa có hiệu lực ngay lập tức mà sẽ được triển khai trong vài tuần tới, sau khi nhóm kinh tế và thương mại của chính quyền ông Trump hoàn tất việc rà soát các mối quan hệ thương mại song phương.

Mỹ sẽ ưu tiên xử lý những trường hợp “nghiêm trọng nhất”, bao gồm các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và áp thuế cao nhất lên hàng hóa Mỹ. Các biện pháp cũng sẽ đối phó với những rào cản phi thuế quan như quy định khắt khe, thuế giá trị gia tăng (VAT), trợ cấp chính phủ và chính sách tỉ giá hối đoái gây khó khăn cho xuất khẩu Mỹ.

Howard Lutnick, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, cho biết ông dự đoán việc rà soát sẽ hoàn tất vào ngày 1/4. Kể từ ngày 2/4, Tổng thống Trump sẽ quyết định thời điểm ban hành bất kỳ mức thuế quan mới nào được khuyến nghị.

Dù hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, quan chức Nhà Trắng khẳng định đây cũng là đòn bẩy để ép các nước ngồi vào bàn đàm phán. Ông Trump sẵn sàng giảm thuế nếu các nước cũng giảm thuế với Mỹ.

“Tổng thống rất vui lòng hạ thuế nếu các nước khác làm điều tương tự. Nhưng thực tế, thuế cao không phải là vấn đề duy nhất - các rào cản phi thuế quan còn tệ hơn”, quan chức Mỹ nói.

Các mục tiêu chính bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong số các nền kinh tế ở châu Á, Ấn Độ là quốc gia áp dụng mức thuế quan trung bình 9,5% đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ là 3%.

Tương tự, Thái Lan áp dụng mức thuế 6,2% và Trung Quốc áp dụng mức thuế 7,1% đối với sản phẩm của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không áp dụng chính sách thuế đồng loạt mà sẽ có cách tiếp cận tùy chỉnh cho từng quốc gia.

Làn sóng thuế quan mới khiến thị trường toàn cầu lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang, làm gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu từ ngày 12/3; đánh thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc; tạm hoãn 30 ngày việc áp thuế lên hàng hóa từ Canada và Mexico.

Tổng thống Mỹ cũng đang xem xét áp thuế riêng đối với ôtô, chất bán dẫn và dược phẩm, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Các chuyên gia thương mại nhận định việc triển khai thuế đối ứng sẽ là một bài toán khổng lồ, bởi mỗi nước có hàng nghìn mức thuế khác nhau.

Ông Trump có thể viện dẫn nhiều điều luật, bao gồm: Mục 122 Đạo luật Thương mại 1974 - cho phép áp mức thuế tối đa 15% trong 6 tháng; Mục 338 Đạo luật Thuế quan 1930 - cho phép trừng phạt các quốc gia có hành vi phân biệt thương mại với Mỹ; Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) - đã từng được ông Trump sử dụng để áp thuế lên Trung Quốc.

Mặc dù thông thường, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định chính sách thuế quan, nhưng Nhà Trắng đang thúc đẩy kế hoạch này theo hướng cấp tốc.

PV (Theo Reuters)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-thong-my-cong-bo-lo-trinh-tang-thue-doi-ung-d55881.html
Zalo