Tổng thống Argentina 'từ đỉnh cao xuống vực sâu' vì bê bối tiền ảo

Tổng thống Argentina Javier Milei đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có kể từ khi nhậm chức, với những cáo buộc liên quan đến sự sụp đổ nhanh chóng của một loại tiền ảo mang tên $LIBRA.

Bê bối trên, được các đối thủ chính trị của Tổng thống Milei mô tả là "vụ lừa đảo siêu cấp lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tiền ảo", khiến hàng nghìn nhà đầu tư thiệt hại nặng nề, đồng thời làm dấy lên những lời kêu gọi luận tội mạnh mẽ từ phe đối lập với nhà lãnh đạo Argentina.

Sự việc bắt đầu vào tối 14/2, khi Tổng thống Milei sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội X để quảng bá $LIBRA, loại tiền ảo gắn liền với Dự án Libertad - một sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc sử dụng tiền ảo và công nghệ blockchain.

Trong bài đăng, ông Milei mô tả dự án như một công cụ tài chính sáng tạo, hứa hẹn mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và những người thiếu vốn. Sự ủng hộ từ một nhân vật lớn như tổng thống Argentina ngay lập tức tạo sức hút lớn, khiến giá trị của đồng $LIBRA tăng vọt từ mức khởi điểm khoảng 0,22 USD lên hơn 5 USD chỉ trong vài phút sau khi ra mắt.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn ngủi này nhanh chóng biến thành thảm họa khi ông Milei đột ngột xóa bài đăng trên. Chỉ sau đó khoảng 1 giờ, giá trị của $LIBRA bắt đầu lao dốc không phanh, giảm khoảng 70% và hiện chỉ còn dao động quanh mức 0,30 USD, theo dữ liệu từ trang web theo dõi giá trị tiền ảo CoinMarketCap.com.

Rắc rối với tiền ảo khiến Tổng thống Argentina Javier Milei đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có kể từ khi nhậm chức. Ảnh: Shutterstock

Rắc rối với tiền ảo khiến Tổng thống Argentina Javier Milei đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có kể từ khi nhậm chức. Ảnh: Shutterstock

Giới phân tích nghi ngờ đây có thể là một vụ "rút thảm" – hình thức gian lận phổ biến trong lĩnh vực tiền ảo. Hình thức này xảy ra khi những người tạo ra hoặc quảng bá một loại tiền điện tử nào đó xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, sau đó lợi dụng sự tin tưởng đó để rút tiền hoặc tài sản thật, biến loại tiền ảo trở nên vô giá trị.

Theo công ty phân tích LookOnChain, 8 ví kỹ thuật số liên quan đến giao dịch tiền $LIBRA ban đầu đã rút đi tổng cộng 107 triệu USD, trong khi hàng chục nhà giao dịch cá nhân khác đã mất trắng từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD.

Gian lận hay nạn nhân?

Sự sụp đổ của $LIBRA khiến Tổng thống Milei trở thành tâm điểm chỉ trích. Phe đối lập, bao gồm đảng Popular Unity và các tổ chức như Observatorio del Derecho a la Ciudad, cáo buộc nhà lãnh đạo Argentina tham gia vào một "mối quan hệ bất hợp pháp" và chịu trách nhiệm trực tiếp cho mức thiệt hại lên đến hơn 4 tỷ USD, ảnh hưởng đến hơn 40.000 người.

Luật sư Jonatan Baldiviezo, người đệ đơn kiện hình sự với tổng thống Argentina ngày 16/2, khẳng định hành động của ông Milei có vai trò "quan trọng" trong vụ gian lận này. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước nhấn mạnh ông Milei đã sử dụng ảnh hưởng của mình để quảng bá một dự án đầy rủi ro, dù biết rõ hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

Đáp lại, văn phòng của Tổng thống Milei nhấn mạnh ông không tham gia vào việc phát triển hoặc quản lý $LIBRA. Họ giải thích rằng việc quảng bá dự án chỉ là một phần trong thói quen của nhà lãnh đạo này, khi ông thường xuyên hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh tư nhân, bao gồm cả KIP Protocol – công ty đứng sau $LIBRA – nhằm thúc đẩy thị trường tự do và tạo thêm việc làm.

Bản thân Tổng thống Milei, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh tin tức TN tối 17/2, khẳng định ông hành động với thiện chí, chỉ nhằm lan truyền thông tin chứ không trực tiếp hưởng lợi từ dự án. Dù vậy, ông cũng thừa nhận có thể đã sai lầm khi quá lạc quan về công nghệ, gọi vụ việc là "một cái tát vào mặt" và cam kết sẽ cải thiện các "bộ lọc thông tin" để tránh những tình huống tương tự trong tương lai.

Những lời biện minh này không làm dịu đi làn sóng chỉ trích. Trang web bán $LIBRA, vivalalibertadproject.com, sử dụng khẩu hiệu "Tự do muôn năm!" của Tổng thống Milei, khiến nhiều người tin rằng nhà lãnh đạo 54 tuổi ít nhất cũng có vai trò gián tiếp trong việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư đối với loại tiền ảo này.

Thậm chí, Hayden Davis, một trong những nhà phát triển của dự án, đã công khai chỉ trích ông Milei, khi cho rằng sự rút lui đột ngột và xóa bài đăng của tổng thống Argentina đã gây ra "làn sóng bán tháo hoảng loạn," làm trầm trọng thêm sự sụp đổ của đồng tiền.

Uy tín lung lay, chứng khoán "lao dốc"

Ngày 17/2, Thẩm phán Liên bang Argentina Maria Servini đã được chỉ định để điều tra mối quan hệ của Tổng thống Milei với $LIBRA. Một số chính trị gia đối lập còn cảnh báo ông Milei có thể đối mặt với phiên tòa luận tội nếu có những chứng cứ cho thấy vị tổng thống này có hành vi bất hợp pháp. Song giới phân tích cho rằng, khả năng này là rất thấp, do phe đối lập chưa thể đạt số ghế cần thiết để chiếm thế đa số trong Quốc hội Argentina.

Dù vậy, các chuyên gia như Marcelo García từ công ty tư vấn toàn cầu Horizon Engage cảnh báo sự việc có thể làm hoen ố uy tín của Tổng thống Milei, khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngờ về năng lực chính trị và khả năng thực hiện những chương trình cải cách của ông.

Không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của Tổng thống Milei, vụ bê bối $LIBRA mà còn tác động đến thị trường tài chính ở Argentina. S&P Merval, chỉ số chứng khoán chính của nước này, giảm hơn 5% tại phiên giao dịch sáng 17/2, trong khi đồng peso mất 2% giá trị so với USD trên thị trường trao đổi song song.

Dù phần lớn người mua $LIBRA đến từ Mỹ và châu Á, theo Phòng Công nghệ tài chính Argentina, tác động tâm lý tại Argentina vẫn rất lớn. Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và ổn định của thị trường tài chính trong nước, nhất là khi Argentina vẫn chưa thoát khỏi hàng thập kỷ lạm phát phi mã.

Javier Milei, người từng được ca ngợi vì những nỗ lực cải cách kinh tế và mối quan hệ gần gũi với những nhân vật quyền lực như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay tỷ phú Elon Musk, giờ đây phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình.

Với cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay, cách Tổng thống Milei xử lý khủng hoảng này sẽ quyết định không chỉ vị thế chính trị mà còn là niềm tin của người dân Argentina vào khả năng lãnh đạo của ông trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tong-thong-argentina-tu-dinh-cao-xuong-vuc-sau-vi-be-boi-tien-ao.html
Zalo