Đàm phán Nga - Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ song phương
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao Nga và Mỹ ở Saudi Arabia đánh dấu sự dịch chuyển mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương sau nhiều năm leo thang căng thẳng và đối đầu ngoại giao.
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Mỹ sau nhiều năm đã diễn ra tại Saudi Arabia hôm 18-2. Đã có những tín hiệu tích cực sau cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Nga kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine vào tháng 2-2022 với việc hai bên đồng ý về 4 nguyên tắc, bao gồm khôi phục chức năng của các phái đoàn ngoại giao tại Washington và Moscow, chỉ định các nhóm cấp cao giúp đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine một cách bền vững và có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên tham gia, khởi động thảo luận về hợp tác địa chính trị và kinh tế sau xung đột ở Ukraine và tiếp tục tham gia tích cực vào tiến trình đối thoại này để đảm bảo sự tiến triển hiệu quả.
Ngày 19-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, tuyên bố cuộc đàm phán Nga - Mỹ ở thủ đô Riyadh là "khúc dạo đầu" cho nỗ lực đầy hứa hẹn nhằm khôi phục quan hệ song phương cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu. Người đứng đầu Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga Fyodor Lukyanov nhận định: "Mỹ đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận vốn không hề thay đổi trong suốt thời hậu Chiến tranh Lạnh”. Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhận định cuộc đàm phán tại Riyadh là "bước tiến rất, rất quan trọng", hướng tới việc đạt được giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp nhau trực tiếp sớm nhất trong tháng này. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov cho biết các nhà ngoại giao hai bên sẽ bắt đầu làm việc theo thỏa thuận đạt được tại Riyadh.
Đánh giá về kết quả này, ông Bradley Bowman, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Quân sự và Quyền lực chính trị tại Quỹ bảo vệ dân chủ (Mỹ) khẳng định đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy chính sách trước đây của Mỹ nhằm cô lập Nga đã kết thúc và “quan hệ Mỹ - Nga bước vào chu kỳ mới”. Cột mốc tiếp theo của chu kỳ này chính là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước cuối tháng 2 này như những gì ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng tuyên bố ngay sau đàm phán ở Saudi Arabia.
Ông Bowman nhận định thỏa thuận giữa hai bên về việc xem xét khả năng hợp tác kinh tế và địa chính trị hậu xung đột ở Ukraine là lời mời gọi hướng tới hòa bình bằng những lợi ích tiềm năng. Chi tiết về khả năng hợp tác này phần nào hé lộ khi thành viên của phái đoàn Nga - ông Kirill Dmitriev – đề cập với báo giới về sự cần thiết thành lập dự án chung về năng lượng ở Bắc Cực và các khu vực khác.
Ông Nigel Gould-Davies, nghiên cứu viên cao cấp về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London (Anh), nhận định tiến trình đàm phán này ngay từ đầu dường như đang tạo lợi thế cho Nga. Nói cách khác, đây được xem là tín hiệu tích cực đối với Nga khi vai trò được nâng cao trên bàn đàm phán, qua đó phần nào phá vỡ thế bế tắc sau hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây trong đó có Mỹ.
Một điểm đáng chú ý nữa là việc việc lập các nhóm đàm phán cấp cao để tìm giải pháp kết thúc xung đột ở Ukraine, cho thấy sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của chính quyền Trump so với người tiền nhiệm, tìm kiếm giải pháp thương lượng thay cho sức ép quân sự và kinh tế. Việc Cố vấn an ninh quốc gia Waltz nhấn mạnh đến chủ đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho thấy các cuộc thảo luận sẽ không chỉ xoay quanh lệnh ngừng giao tranh mà còn đề cập đến tương lai địa chính trị của Ukraine.