Châu Âu tìm cách ứng phó sau khi Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine
Những thay đổi bất ngờ trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến châu Âu rơi vào tình thế phải hành động khẩn cấp để đối phó với tình hình ngày càng phức tạp tại Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới dự Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của châu Âu về an ninh khu vực và Ukraine, tại Paris, ngày 17-2. Ảnh: Reuters
Ngày 19-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp mới về Ukraine nhằm nỗ lực phối hợp phản ứng của châu Âu trong bối cảnh Mỹ đang có những thay đổi chính sách gây sốc trong việc giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukrraine. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron đã có bài phát biểu quan trọng trước các nhà lãnh đạo của 19 quốc gia, bao gồm Canada tại cuộc họp ngày 19-2 nhằm tiếp tục kêu gọi một phản ứng chung đến từ các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu trước những động thái xoay trục rõ ràng của Washington sang Moscow. Ông Macron cho rằng Nga gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và cảnh báo về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Theo AFP, tại cuộc họp trên, ông Macron cho biết Pháp và các đồng minh đã nhất trí rằng quyền của Kiev và những lo ngại về an ninh châu Âu cần được tính đến trong bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine, trước khi ông tới Washington. Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngay sau hội nghị ngày 19-2, Tổng thống Pháp cho biết: “Lập trường của Pháp và các đồng minh là rõ ràng và thống nhất. Chúng tôi mong muốn hòa bình lâu dài ở Ukraine”. “Chúng tôi ủng hộ Ukraine và sẽ thực hiện mọi trách nhiệm của mình để đảm bảo hòa bình và an ninh ở châu Âu”, ông Macron phát biểu thêm.
Tổng thống Pháp cũng cho biết rằng các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp đều nhấn mạnh rằng rằng Ukraine cần được tham gia và “các quyền của nước này phải được tôn trọng” trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định: “Tất cả chúng tôi đều tin tưởng vào sự cần thiết phải gia tăng chi tiêu quốc phòng, an ninh cũng như năng lực của châu Âu và từng quốc gia của chúng tôi”. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp được cho là nhằm phản hồi lại yêu cầu của ông Trump việc đề nghị các thành viên châu Âu trong NATO cần tăng đóng góp cho liên minh để tương xứng với cam kết của Mỹ.
Cuộc họp mới ngày 19-2 được lên lịch sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu vừa tiến hành cuộc họp khẩn hôm 17-2, cũng theo lời kêu gọi của Tổng thống Macron, để thống nhất phản ứng chung trước các bước đi gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những động thái trên của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những thay đổi chính sách trong giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukrraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Liên minh châu Âu (EU) sửng sốt khi tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau 3 năm chiến sự tại Ukraine. Động thái này làm dấy lên lo ngại về việc Washington có thể thảo luận về tương lai của Ukraine mà không cần tham vấn châu Âu hay chính Kiev.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải ráo riết phối hợp hành động sau khi chính quyền của Tổng thống Trump tiến hành các bước đi riêng với Nga trong việc tăng cường quan hệ song phương và giải quyết xung đột tại Ukraine thông qua cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Nga hôm 12-2 và cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước tại Saudi Arabia ngày 18-2. Nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu lo ngại sẽ bị "gạt ra ngoài lề" trong tiến trình hòa đàm về xung đột tại Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả đàm phán nào nếu không có sự tham gia và/hoặc chấp nhận của châu Âu cũng như Ukraine.
Trong bối cảnh vấn đề Ukraine cũng như sự ấm lên trong quan hệ Nga - Mỹ được không ít bên quan tâm, Tổng thống Macron và tiếp đó là Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo sẽ có chuyến thăm, hội đàm với Tổng thống Mỹ Doanld Trump trong tuần tới.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tính cấp thiết của tình hình khi tuyên bố trên mạng xã hội X: "An ninh của châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt. Đúng, vấn đề là về Ukraine - nhưng cũng là về chúng ta". Bà kêu gọi các nước thành viên "tăng mạnh" chi tiêu quốc phòng để đối phó với tình hình mới. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc London thể hiện cam kết đối với an ninh châu Âu sau Brexit, đã tuyên bố sẵn sàng "triển khai lực lượng trên bộ ở Ukraine nếu cần thiết".
Ông mô tả đây là "khoảnh khắc nghìn năm có một vì an ninh chung của lục địa". Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người cho rằng việc thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình là "hoàn toàn vội vã" và "không phù hợp" trong khi chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Thủ tướng Scholz thậm chí còn bày tỏ sự "khó chịu" về cuộc tranh luận mà ông cho là "không đúng thời điểm và không đúng chủ đề".
EU tung đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga
Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Quyết định về gói trừng phạt thứ 16 được các Đại sứ đạt được vào ngày 19-2, trước chuyến thăm chung của Đoàn chủ tịch Ủy ban châu Âu tới Kiev nhằm đánh dấu 3 năm xung đột. Trong gói biện pháp mới, EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu nhôm nguyên chất từ Nga, một đề xuất trước đó gặp nhiều phản đối do lo ngại về tác động kinh tế.
Ngoài ra, EU cũng mở rộng danh sách trừng phạt đối với "hạm đội bóng tối" của Nga. Đây hệ thống tàu nghi ngờ tham gia các hoạt động vận chuyển dầu mỏ tác động tới kinh tế của Nga. Hơn 73 tàu bị thêm vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số lên hơn 150 tàu, bị cấm cập bến và sử dụng dịch vụ của EU. Ngoài ra, gói biện pháp còn bao gồm việc loại bỏ 13 ngân hàng Nga khỏi hệ thống Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính (SWIFT) và đình chỉ hoạt động phát sóng của 8 cơ quan truyền thông Nga tại châu Âu.
Dự kiến, các biện pháp này sẽ được chính thức thông qua vào ngày 24-2 tới khi các Ngoại trưởng EU gặp nhau tại Brussels (Bỉ).