Tổng quan và khái lược về Phật giáo Hàn Quốc

Đạo Phật Hàn Quốc đã mang đến cho nhân dân xứ Kim Chi những triết lý, tư tưởng, quan điểm sống đầy giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân văn, từ bi, trí tuệ.

Mở đề

Đạo Phật ra đời tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch, từ đó ánh sáng đạo Phật từ bi, trí tuệ, hùng lực đã lan tỏa đến các quốc gia Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan, hình thành nên Phật giáo Nam truyền, và từ Kashmir, tây bắc Ấn Độ, đến Việt Nam, Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, hình thành nên Phật giáo Bắc truyền.

Phật giáo Nam truyền tự coi mình là Phật giáo căn bản vì kế thừa tính chính thống của Phật giáo, trong khi Phật giáo Bắc truyền coi sự phát triển tinh thần Phật giáo là lý tưởng của mình và được gọi là Phật giáo Đại thừa.

Đạo Phật Hàn Quốc là một tôn giáo được tiếp nhận từ thời Đông Tấn (동진 시대, 317-420), các triều đại Bắc Nam (남북조 시대, 439-589) Trung Hoa ở thời Tam Quốc (국 시대, 國時代) thế kỷ thứ 4 - 5 sau Tây lịch. Đây là một hệ tư tưởng và cốt lõi của triết lý tinh hoa đạo Phật đã phát triển và hợp với nhân dân Hàn Quốc.

Hơn 1.700 năm qua, Phật giáo Hàn Quốc đã trở thành đạo Phật bản địa và trở thành một hệ tư tưởng Phật giáo đặc trưng Hàn Quốc và phù hợp với người dân Hàn Quốc.

Bản đồ Sơn môn Phật giáo Hàn Quốc Ảnh: st

Bản đồ Sơn môn Phật giáo Hàn Quốc Ảnh: st

Thời kỳ Tam Quốc ở Triều Tiên

Triết lý tinh hoa đạo Phật từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng đã được thông qua Đạo giáo chính của nhà nước thời kỳ Tam Quốc (국 시대). Năm 372, Đạo nhiệm màu và hạnh đức Như Lai đã thấm sâu vào vương triều Cao Câu Ly (고구려, Goguryeo); lần lượt đến vương triều Bách Tế (백제, Baekje) vào năm 384 và cuối cùng đến vương triều Tân La (신라, Silla) năm 527. Tuần tự theo lịch trình tự nhiên, vị trí địa lý của các vương quốc thời Tam Quốc (국 시대).

Trong giai đoạn hợp nhất Silla, Phật giáo Silla đại diện cho Phật giáo thời Tam quốc. Thời này, Phật giáo đã đóng một vai trò nổi bật trong phát triển văn hóa xã hội, kết quả trong việc kiến trúc xây dựng các di tích lịch sử Phật giáo nổi tiếng thế giới như ngôi đại già lam Phật Quốc Tự (불국사,佛國寺) và cổ Am Động Thạch Quất (석굴암, 石窟庵), tọa núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc. Đánh dấu một giai đoạn mới trong sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ đến các quốc gia phương Đông.

Bản đồ Cao Ly Phật thời Tam Quốc. Ảnh: st

Bản đồ Cao Ly Phật thời Tam Quốc. Ảnh: st

Ảnh hưởng của Phật giáo đối với công nghệ in ấn ở Hàn Quốc

Ngoài ra, công nghệ in ấn tại quốc gia này có sớm nhất trên thế giới, Kinh Vô Cấu Tịnh Quang Đại Đà La Ni (무구정광대다라니경, 無垢淨光大陀羅尼經), mộc bản lâu đời nhất trên thế giới, tiếp theo là kiểu khắc kim loại đầu tiên trên thế giới, bộ sách “Bạch Vân Hòa thượng sao lục Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết” (백운화상초록불조직지심체요절, 白雲和尙抄錄佛祖直指心體要節).

Trong trang cuối của cuốn sách “Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết”có phần giải thích về thời gian và địa điểm phát hành cuốn sách là tháng 07 năm Đinh Tỵ (1377) tại Tổ đình Hưng Đức (흥덕사, 興德寺) ở khu vực lân cận Cheongju, thành phố thủ phủ tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. Cuối cùng điều này cho biết thời gian và địa điểm mà cuốn sách lần đầu tiên được phát hành trên thế giới theo kiểu khắc kim loại, chứng tỏ sự phát triển tiên tiến của nền văn hóa.

Sự phát hiện của bộ sách “Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết” đã thay đổi lịch sử thế giới, vì trước đây công nhận một thợ kim hoàn, một thợ kim hoàn, nhà phát minh, người in ấn và nhà xuất bản người Đức Johannes Gutenberg (1406-1468) đã giới thiệu in ấn đến châu Âu với công nghệ in ép lần đầu tiên phát minh kiểu khắc kim loại trên thế giới và chế tác bản khắc kim loại đầu tiên từ những năm 1452-1455. Nhưng dựa vào sự phát hiện trên, thế giới đã xác nhận cách đó 78 năm, một cuốn sách được phát hành theo kiểu khắc kim loại tại Tổ đình Hưng Đức (흥덕사) ở khu vực lân cận thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc.

Bộ sách “Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết” là giáo trình tiêu biểu để giảng dạy cho tăng, ni các chốn thiền môn tự viện Phật giáo Bắc truyền. Tập cuối của bộ sách được thư viện quốc gia Pháp tại Paris bảo tồn nguyên bản. Vậy tại sao thư viện quốc gia Pháp lại bảo quản cuốn sách của Koryeo?

Vào cuối thế kỷ thứ 19, thời kỳ Triều Tiên (조선), công sứ Pháp tại Hàn Quốc, nhà ngoại giao và nhà sưu tầm nghệ thuật người Pháp, Victor Collin de Plancy (1853-1922) đã thu thập các loại cổ thư của Hàn Quốc, bộ sách “Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết” là một trong số những cổ thư này.

Sau khi về Pháp, ông Plancy đã bán đấu giá các đồ vật của mình vào năm 1911 (Tân Hợi). Nhà sưu tầm cổ thư, một trong những thợ kim hoàn châu Âu xuất sắc nhất vào đầu thế kỷ 20, Henri Vever (1854-1942) đã mua bộ sách “Phật Tổ Trực Chỉ Tâm Thể Yếu Tiết” và sau khi ông từ giã trần gian (chết), bộ sách này được quyên góp cho Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France - thư viện quan trọng nhất, đồng thời là cơ quan giữ chức năng lưu chiểu xuất bản phẩm của Pháp) vào năm 1950 (Canh Dần) theo di chúc của ông.

Năm 1972 (Nhâm Tý), cơ quan các cấp về sách tại Paris bao gồm thư viện quốc gia Pháp đã tổ chức triển lãm để kỷ niệm ngày sách thế giới. Thư viện quốc gia Pháp đã tuyển dụng tiến sĩ Park Byung-Sun (박병선, 朴炳善) được Trường Đại học Sorbonne (Sorbonne Université) một trường đại học công lập ở Paris, Pháp phong Tiến sĩ, là nhà nghiên cứu đặc biệt và ông Park đã chuẩn bị tổ chức triển lãm. Trong quá trình đó, ông Park đã phát hiện “Sao Lục Phật Tổ Trực Chỉ Tâm thể” ở nơi dành cho sách Trung Quốc.

Bộ sách đã được UNESCO ghi vào danh sách Ký ức thế giới (Memory of the World Register) vào tháng 09 năm 2001, trong một nỗ lực nhằm bảo tồn di sản mang tính chất tư liệu của nó thành một di sản chung của nhân loại.

Kinh sách là một phác thảo các giáo lý Phật giáo cần thiết cho sự phát triển tâm linh, cũng như các phương pháp tu tập, bao gồm văn hóa nghệ thuật âm nhạc, điêu khắc, văn bản, thuật ngữ và phương pháp thực hành thiền định.

Trong giai đoạn thống nhất Silla, các thiền phái Phật giáo được truyền từ Trung Quốc và dẫn đến sự phát triển của Thiền tông, qua đó thêm một chiều hướng mới cho triết học và cuối cùng cung cấp một nền tảng tâm lý cho thời hậu Silla, triều đại Goryeo (918-1392).

Bản đồ Thiền phái Tào khê Hàn Quốc.Ảnh: st

Bản đồ Thiền phái Tào khê Hàn Quốc.Ảnh: st

Phật giáo ở Triều đại Goryeo

Triều đại Goryeo, Phật giáo giữ vai trò là nguồn cảm hứng chủ đạo cho sáng tác nghệ thuật và nghiên cứu chuyên môn học thuật sâu.

Một trong những thành tựu to lớn nhất của nền văn hóa Phật giáo dưới triều đại Goryeo là nghệ thuật chạm khắc “Bát Vạn Đại Tạng Kinh” (팔만 대장경, 八萬大藏經) còn gọi là “Cao Ly Đại Tạng Kinh” (고려 대장경, 高麗大藏經). Đây là bộ kinh Phật được thực hiện vào đầu thế kỷ 13 trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh với người Mông Cổ.

Bộ kinh này bao gồm hơn 80.000 mộc bản. Tam Tạng kinh là một công trình quốc gia được tạo nên không chỉ bởi công sức của chính quyền mà còn toàn thể dân chúng, là sự kết tinh của một nền văn hóa dân tộc bắt nguồn từ đức tin Phật giáo.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai xảy ra vào năm 1232 (năm Tân Mão) với sự đóng góp to lớn của Hoa Sơn Quân (화산군, 花山君) Lý Long Tường (이용상, 李龍祥, 1174- ?), một Hoàng thân nhà Lý Việt Nam sang Cao Ly (고려) tỵ nạn vào năm 1226 (năm Bính Tuất 1226). Những di tích như Thụ hàng môn, bia kỷ tích còn lại đến ngày nay đã ghi rõ công trạng đó và đã được giới sử học hai nước xác nhận.

Trong thời gian chống quân Nguyên Mông, lợi dụng tâm lý sự biến của quân Mông Cổ, triều đình Cao Ly (Goryeo) đã rút ra đảo Ganghwa, một hòn đảo ở vùng biển phía Tây Nam bán đảo. Để thu phục lòng dân và hy vọng nhờ sức mạnh của đức tin Phật giáo đẩy lùi được quân Mông Cổ, triều đình Goryeo đã cho khắc lại bộ “Cao Ly Đại Tạng Kinh”.

Công việc này được hoàn thành sau 16 năm và có lẽ chỉ mang tính chất cổ xúy về tinh thần chống giặc ngoại xâm. Dẫu sao, hàng nghìn bản khắc gỗ kinh Phật hiện còn lưu giữ tại Tổ đình Pháp Bảo Hải Ấn Tự (해인사, 海印寺), gần Daegu là một trong những di sản văn hóa rất đáng tự hào của dân tộc Hàn. Bản kinh Phật này hiện nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tới cuối triều đại Goryeo, sự chiếm hữu đất xây dựng cơ sở tự viện Phật giáo gia tăng hàng năm, việc miễn thuế và các nghi lễ quốc gia được tổ chức trên diện rộng đã trở thành gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước. Hơn nữa, những vụ việc những vị tăng sĩ đã đánh mất bổn phận của người Thích tử xuất gia, đắm mê danh lợi, cùng với sự dính líu của họ đến những cuộc tranh giành quyền lực chính trị, tiền tệ hay những vụ bê bối khác đã diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng, dẫn đến sự lên án của dân chúng. Do đó, trước sự biến đổi của triều đại, Phật giáo đã phải chịu đựng những tổn thất nặng nề. Sau đó, Phật giáo đã lâm vào một thời kỳ đàn áp chính trị của Triều Tiên Vương triều (조선왕조, 朝鮮王朝, 1392-1897).

Phật giáo ở Thời đại Triều Tiên Vương triều

Trải qua 5 thế kỷ (500 năm) Triều Tiên Vương triều là kỷ nguyên đen tối đối với Phật giáo. Khổng giáo có cơ hội thượng phong như một thế lực mới, đàn áp Phật giáo một cách có hệ thống. Dưới chính sách đàn áp liên tục, các cơ sở tự viện Phật giáo tại các trung tâm đô thị đều bị trục xuất về núi rừng, chư tăng bị đối xử khắc nghiệt. Tuy nhiên, việc trục xuất này có giá trị đối với Phật giáo ở hai khía cạnh: cơ sở tự viện Phật giáo đã trở thành trung tâm cho sự phát triển của xã hội trong việc thực hành thiền định và Phật giáo đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với người dân.

Có thể nhìn thấy từ viễn cảnh của Nho giáo, Phật giáo cùng với Saman giáo, tôn giáo dân tộc là của Triều Tiên và người Triều Tiên, và những tôn giáo truyền thống khác chỉ được chú ý đến ở những khía cạnh thông tục như cõi âm hay thỏa mãn dục vọng cá nhân; vấn đề này không những không hữu ích mà còn có hại đến xã hội.

Phật giáo Hàn Quốc vào đầu thế kỷ 20

Trong nửa đầu thế kỷ 20, Phật giáo Hàn Quốc nhất thiết phải chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nhật Bản trong thời Nhật Bản đô hộ (1910-1945). Chỉ sau khi giải phóng đất nước vào năm 1945, Phật giáo Hàn Quốc với truyền thống thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc nổi bật nhất trong việc duy trì và phát triển tinh thần đạo pháp dân tộc, hộ quốc an dân.

Năm 1915, các vị Trưởng của 30 Trụ sở đã tổ chức một cuộc họp đến thống nhất công việc truyền bá Phật pháp và giáo dục Phật giáo, thiết lập các quy chế và thành lập “30 Văn phòng Trụ sở Liên Hợp” (삼십본산연합사무소, 三十本山聯合事務所) tại Giác Hoàng Tự (각황사), Susong-dong, Jongno-gu, Seoul. Chủ tịch được tín nhiệm bầu chọn trong số các vị Trưởng của 30 Trụ sở chính và phụ trách các công việc chung. Điều này được thực hiện để khắc phục tình trạng thiếu mối quan hệ hữu cơ, có quan hệ mật thiết với nhau do 30 Trụ sở chính được thành lập như các giáo khu (교구) và dưới sự kiểm soát của Chủ tịch. Tuy nhiên, không thể giám sát tất cả các cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước và kiểm soát tất cả đoàn thể Phật giáo, tứ chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ Nam và cư sĩ Nữ.

Đầu thế kỷ 20, Phật giáo Won (원불교) một tông phái Phật giáo mới ra đời tại Hàn Quốc do Đại tông sư Đạo hiệu Thiểu Thái San tục danh Phác Trọng Bân (1891-1943) sáng lập vào năm 1916. Trong số các truyền thống tôn giáo ở Hàn Quốc, tiếp cận Phật giáo gần nhất là Phật giáo Won. Phật giáo Won là một tông phái mới xuất phát từ Phật giáo bản địa Hàn Quốc.

Phật giáo Won kế thừa từ những nguồn giáo lý đạo Phật, tập trung vào việc xây dựng cộng đồng Phật giáo tăng gia sản xuất, và hòa nhập với phong trào nông dân, công nhân và những người lao động phổ thông. Cho đến nay, rất nhiều cơ sở giáo dục và tổ chức xã hội nổi tiếng tại Hàn Quốc do Phật giáo Won thành lập và quản lý, Phật giáo Won đã phát triển thành một tổ chức thành thục, có tầm ảnh hưởng ở Hàn Quốc và từng bước lan tỏa ra ngoại quốc.

Khi sự can thiệp và kiểm soát gắt gao của Chính quyền Đế quốc thực dân Nhật Bản đối với cộng đồng Phật giáo Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng, chư tôn đức tăng già Phật giáo chủ trì và tổ chức một Hội nghị Tăng già Phật giáo toàn quốc, cho biết rằng một đạo Phật phải chịu sự chỉ đạo của cơ quan hành chính đúng đắn.

Tượng Phật Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đồng mạ vàng, Báu vật quốc gia số 83, được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ thứ 7 của triều đại Silla. Chiều cao là 90,8cm. Thuộc sở hữu của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: st

Xuất bản Tạp chí Phật giáo

Dưới ảnh hưởng của nền văn hóa mới, tạp chí Phật giáo đầu tiên được cộng đồng Hàn Quốc ngưỡng mộ và vào tháng 12 năm 1910 đã chính thức xuất bản “Tạp chí Viên Tông” (원종, 圓宗). Tuy nhiên, “Tạp chí Viên Tông” là cơ quan ngôn luận (기관지, 機關誌) của Tổng vụ Viện trưởng Phật giáo và nó chỉ được xuất bản trong hai số.

Đầu tiên Tạp chí Phật giáo Hàn Quốc chính thức với tư cách là Tạp chí toàn diện về văn hóa Phật giáo Hàn Quốc và tổ chức văn hóa có thể kể đến tạp chí “Nguyệt báo Phật giáo Triều Tiên“ (조선불교월보, 朝鮮佛敎月報), xuất bản vào tháng 2 năm 1912. tạp chí “Nguyệt báo Phật giáo Triều Tiên“ (biên tập và xuất bản: (권상로, 權相老) và được xuất bản trong số 19 vào tháng 8 năm 1913.

Vào tháng 11 năm 1913, thành lập tờ “Báo Hải Đông Phật” (해동불보, 海東佛報) (chủ biên và nhà xuất bản: Park Han-yeong (박한영, 朴漢永) được xuất bản và kết thúc ở số 8 vào tháng 6 năm 1914. Vào tháng 3 năm 1915, đã thành lập tờ “Nguyệt báo Hội Chấn Hưng Phật giáo” (불교진흥회월보, 佛敎振興會月報), (Chủ biên và Nhà xuất bản: Lee Neung-hwa (이능화, 李能和) được xuất bản và kết thúc vào tháng 12 cùng năm với số thứ 9.

Vào tháng 4 năm 1916, thành lập tờ “Thế giới Phật giáo Triều Tiên” (조선불교계, 朝鮮佛敎界) (Biên tập và Nhà xuất bản: Lee Neung -hwa) được xuất bản nhưng chỉ xuất bản 3 số và kết thúc vào tháng 6 cùng năm, và vào tháng 3 năm 1917, tờ “Tạp chí Phật giáo Triều Tiên” (조선불교총보, 朝鮮佛敎叢報), (chủ biên và nhà xuất bản: Lee Neung-hwa được xuất bản và kết thúc ở số thứ 21 vào tháng 5 năm 1920.

Vào tháng 7 năm 1924, tờ “Phật giáo” (불교, 佛敎) chủ biên và nhà xuất bản: Kwon Sang-ro được xuất bản và tiếp tục trong 10 năm trước khi bị ngừng phát hành với số thứ 107 vào tháng 6 năm 1933 và một lần nữa vào tháng 3 năm 1937. tờ “Phật giáo” (불교, 佛敎) được tái xuất bản lại và tên khác là “Phật giáo Mới” (불교신, 佛敎新), tiếp tục cho đến Ngày Giải phóng Hàn Quốc (15/8.1945).

Ngoài ra, các tờ báo như các tờ báo “Chày Kim Cương” (금강저, 金剛杵) do hội sinh viên Hàn Quốc du học tại Tokyo xuất bản năm 1914, “Thứu San Bảo Lâm” (취산보림, 鷲山寶林), do Tổ đình Phật bảo Thông Độ tự (통도사, 通度寺) xuất bản năm 1920 và Chi nhánh Tổ đình Phật bảo Thông Độ tự của Hiệp hội Thanh niên Phật tử Triều Tiên ấn hành. Tờ báo “Triều Âm” (조음, 潮音) của Hiệp hội Thanh niên Phật tử Triều Tiên ấn bản, tờ báo “Phật Nhật” (불일, 佛日) do Hiệp hội Phật giáo Triều Tiên xuất bản vào tháng 7 năm 1924, tờ báo “Hoang Dã” (황야, 荒野) do Hiệp hội Sinh viên Phật giáo Bắc Kinh xuất bản năm 1924, tờ (Thời báo "Phật giáo” (불교시보, 佛敎時報) xuất bản năm 1935 và “Tạp chí Nhất Quang” (일광지, 一光誌) do Hội cựu Sinh viên Trường Đào tạo Phật giáo xuất bản.

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh trong cuộc Thế chiến thứ 2. Nhờ đó mà Hàn Quốc đã thoát khỏi ách thống trị 35 năm của thực dân Nhật và giành lại độc lập dân tộc. Sau đó, một phong trào trả lại sự độc đáo của Phật giáo Hàn Quốc đã phát triển, từ những thập niên 1954-1962, dưới ngọn cờ thanh tịnh hóa, hòa hợp hóa đoàn thể Phật giáo, Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, một tông phái thống nhất, được phát động vào ngày 12 tháng 4 năm 1962, với 25 giáo khu (교구, 敎區), hệ thống trụ sở chính của Thiền phái Tào Khê đã được triển khai.

Tuy nhiên, cuối cùng một số các vị trưởng lão Đại tông sư đã hợp tác, Thiền phái Thái Cổ, Phật giáo Hàn Quốc, và Thiền phái Tào Khê đã đoàn kết các thành viên của Thiền phái và đảm nhận ba thách thức lớn của đạo Phật mà Phật giáo Hàn Quốc phải đối mặt (giáo dục đào tạo môn đồ, công việc truyền giáo và khó khăn trong xuất bản) đã tăng tốc.

Hiện trạng Phật giáo Hàn Quốc

Theo thống kê năm 2008 “Tổng quan về Phật giáo Hàn Quốc”, có hơn 30 tông phái Phật giáo Hàn Quốc hiện đại đã đăng ký. Số lượng cơ sở tự viện Phật giáo và tu sĩ của mỗi tông phái được trình bày trong bản đính kèm. Trong số đó, Thiền phái Tào Khê, Thiền phái Thái Cổ, Thiền phái Thiên Thai và tông phái Phật giáo Won là tiêu biểu nhất.

Các Tông phái Phật giáo Hàn Quốc

Thiền phái Tào Khê, Thiền phái Thái Cổ, Thiền phái Thiên Thai, tông phái Phật giáo Won, tông phái Pháp Hoa, tông phái Chân Giác, tông phái Tổng Hòa, tông phái Nhất Thừa, tông phái Quán Âm, tông phái Pháp Tướng, Tông phái Nguyên Hiểu, tông phái Phổ Môn, tông phái Pháp Vương, tông phái Long Hoa, tông phái Chân Ngôn, tông phái Viên Dung, tông phái Đại Giác, tông phái Niệm Phật, tông phái Tổng Chỉ, tông phái Nhất Hoa, tông phái Tào Khê Phật giáo Quốc tế, tông phái Pháp Luân, tông phái Đại Thừa Như Lai, tông phái Di Đà, tông phái Bản Nguyện, tông phái Tam Luận, tông phái Tào Động, tông phái Niết Bàn, tông phái Đại Thừa, tông phái Di Lặc, tông phái Hợp Kế. . . Tất cả đều theo tông chỉ Phật giáo Đại thừa.

Trong hơn 30 tông phái Phật giáo Hàn Quóc, nổi bật và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là Thiền phái Tào Khê do Quốc sư Thái Cổ Phổ Ngu (태고보우, 太古普愚, 1301-1382) sáng lập. Riêng Thiền phái Tào Khê có khoảng gần 1700 cơ sở tự viện Phật giáo với chi nhánh ở khắp trong và ngoài nước, và có khoảng gần 20 nghìn vị tăng ni, khoảng gần bảy triệu phật tử.

Với truyền thống hơn 1700 năm, hiện nay đạo Phật Hàn Quốc đã thúc đẩy các công tác giáo dục xã hội, tham gia và đáp ứng các nhu cầu quần chúng. Hầu hết các cơ sở tự viện Phật giáo đều có xây dựng trường mầm non mẫu giáo và tiểu học. Các vị tăng sĩ Phật giáo Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục phổ cập. Hiện tại hệ thống giáo dục Phật giáo xứ Kim Chi có rất nhiều trường, Sơ, Trung, Cao đẳng, Đại học trên toàn quốc. Trường Đại học Phật giáo Dongguk - Đại học đẳng cấp quốc tế, được thành lập năm 1906, là một trong số ít trường Phật giáo trên thế giới, đã mở thêm chi nhánh ở Seoul và Kyongju, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo những thế hệ, tăng ni, Phật tử kế thừa trụ cột cho tổ chức Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp. Đặc biệt, có rất nhiều chương trình, thuyết giảng, tu học đáp ứng cho nhu cầu của nhiều giới, nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Thông tin truyền thông Phật giáo Hàn Quốc

Đài Phát thanh Truyền hình Phật giáo (Buddhist Broadcasting System- BBS불교방송- 佛敎放送 - BBS), bắt đầu khởi sự vận hành cho các trạm phát sóng và thành lập từ năm 1990, dưới sự bảo trợ của các Doanh nhân Phật tử Hàn Quốc. Đài Phát thanh Truyền hình Phật giáo (Buddhis Broadcasting System) (BBS) chính thức khai trương vào ngày 01/02/1990 và lắp đạt các trạm phủ sóng khắp nơi vào tháng 12/2008.

Đài Phát thanh Truyền hình Phật giáo (Buddhis Broadcasting System) (BBS) đã trải qua nhiều thăng trầm, và Ngày 01/02/1995: Trạm Phát thanh Truyền hình Phật giáo (Buddhis Broadcasting System) (BBS) được lắp đặt tại Busan, phát sóng hệ VHF 89.9MHz.

Thống kê dân số theo đạo Phật Hàn Quốc

Hiện tại khi dân số theo tôn giáo đang rõ ràng đã giảm sút thì dân số yêu mến đạo Phật đang tăng nhẹ. Điều đáng quan tâm cho thất xu hướng khác với Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, vốn tiếp tục suy thoái, vẫn đang dậm chân tại chỗ. Những người không theo tôn giáo nhưng niềm tin, yêu mến của họ là "đạo Phật". Đặc biệt, đánh giá của những người không theo tôn giáo về Phật giáo tích cực hơn ở mọi lứa tuổi và khoảng 2/3 số người được phỏng vấn ở độ tuổi 20 và 30 đánh giá đạo Phật là "tích cực bởi giáo lý từ bi, trí tuệ, hùng lực dễ tiếp cận một cách thân thiện".

Những kết quả này đã được tiết lộ trong "Khảo sát nhận thức về Tôn giáo (người) và thuế của tín đồ tôn giáo năm 2024" do Embrain Trend Monitor (CEO Choi In-soo), một công ty nghiên cứu thị trường thực hiện, nhắm mục tiêu vào 1.000 đàn ông và phụ nữ trưởng thành từ 19 đến 59 tuổi trên toàn quốc.

Theo khảo sát, tỷ lệ Phật giáo đồ giảm dần từ 25,2% năm 2016 xuống 24,3% vào năm 2022, nhưng đã tăng nhẹ lên 30,6% trong khảo sát thống kê năm nay. So với cuộc điều tra năm 2022, dân số theo đạo giảm từ 50,1% xuống 49,3% đối với người theo đạo Tin Lành và từ 22,1% xuống 18,7% đối với người theo Thiên Chúa giáo, trong khi đó đạo Phật lại tăng từ 24,7% lên 30,6%.

Trong số những người không theo tôn giáo, tỷ lệ đạo Phật được nhắc đến là “Đạo Phật là tôn giáo họ yêu mến nhất và sẵn sàng quy y” cũng tăng 3,5% từ 58,5% lên 62% so với năm 2022. Mặc dù đây không phải là một sự thay đổi lớn, nhưng có sự khác biệt rõ ràng so với Thiên Chúa giáo giảm từ 53,3% xuống 41,6% và đạo Tin lành vẫn trì trệ 0,4% từ 12,0% xuống 12,4%.

Theo một cuộc khảo sát gần đây về nhận thức về các xu hướng trong cộng đồng Phật giáo Hàn Quốc, 61,2% số người được phỏng vấn đánh giá đạo Phật là "tích cực bởi nó cho phép tiếp cận Phật giáo một cách thân thiện". Phản hồi này đặc biệt cao so với 61,2% ở những người ở độ tuổi 20 và 70,8% ở những người ở độ tuổi 30, cho thấy sự khác biệt so với những người ở độ tuổi 40 và 50 vẫn ở mức 50%. Mức độ yêu mến cao đối với đạo Phật trong thế hệ trẻ năm 2030 đang làm dấy lên kỳ vọng rằng, các chính sách truyền giáo khác nhau hướng đến thế hệ trẻ đang dần trở nên hiệu quả.

Lịch sử Phật giáo Hàn Quốc gắn liền với những sự thịnh suy, Thăng trầm của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa xứ Kim Chi. Đạo Pháp và Dân tộc trong văn hóa Hàn Quốc đã hòa quyện thành một thể thống nhất. Đạo Phật hài hòa mật thiết với lịch sử dân tộc, cùng chung tay góp sức sứ mệnh đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc cho bách tính trăm họ. Cho thấy những cống hiến quan trọng của đạo Phật với sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc, đạo Phật vì lợi ích của dân tộc, cho muôn dân.

Trong hoàn cảnh hiện đại xã hội cùng với nhiều luồng văn hóa, tư tưởng hội nhập và tôn giáo mới xuất hiện, chứng tỏ được đạo Phật đại hùng, đại lực ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, hài hòa và thể hiện tinh thần tôn trọng, bình đẳng với các tôn giáo bạn. Phật giáo tùy duyên hài hòa vào đời sống xã hội, nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị tinh túy từ bi, trí tuệ, phương tiện thiện xảo. Thông qua kinh nghiệm thực tế, Phật giáo luôn khẳng định cương vị trong lòng dân tộc, tiếp tục duy trì, phát huy giá trị cốt lõi tinh hoa và trở thành điểm tựa cần thiết không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện tại và trong tương lai.

Kết luận

Trải bao thăng trầm, thịnh suy gắn liền với vận nước, đạo Phật và các tôn giáo nói chung với vai trò không nhỏ trong việc định hướng phát triển đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa xã hội của nhân loại. Trong bối cảnh xã hội đương đại, con người ngày càng tìm đến niềm tin tâm linh với mục đích tìm điểm tựa về mặt tinh thần. Đạo Phật ngày thêm khẳng định cương vị trong đời sống xã hội với những tư tưởng văn hóa giáo dục đầy triết lý, đạo đức nhân văn.

Đạo Phật Hàn Quốc đã mang đến cho nhân dân xứ Kim Chi những triết lý, tư tưởng, quan điểm sống đầy giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân văn, từ bi, trí tuệ. Đạo Phật Hàn Quốc cùng hòa quyện và hòa nhịp điệu với văn hóa bản địa Hàn quốc để thể hiện những sắc thái riêng biệt.

Tác giả: Thích Vân Phong

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tong-quan-va-khai-luoc-ve-phat-giao-han-quoc.html
Zalo