Chùa Hương Ấp (Thái Nguyên) - chùa Bảo Phúc (Hà Nội) trong cuộc đời và sự nghiệp Lý Nam Đế

Tư tưởng, giáo lý Phật giáo thời kỳ này đã tạo tiền đề nhập thế giúp dân chống lại ách đô hộ của nhà Lương nói riêng và tiếp tục duy trì truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự chủ có từ trước đó

Tác giả: Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Tôn giáo
& Đặng Vũ Ngọc Mai, SV Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Tóm tắt: Phật giáo kể từ khi truyền nhập vào Giao Châu (Giao Chỉ) đã có sự giao thoa với tín ngưỡng bản địa, hình thành hệ thống Phật Tứ pháp đặc sắc trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đến thời kỳ khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo chống lại ách đô hộ của nhà Lương được người dân hưởng ứng và nhanh chóng giành thắng lợi, nước Vạn Xuân thành lập, chùa Khai Quốc được xây dựng như một minh chứng sống động về vị trí, vai trò của Phật giáo trong việc kiến tạo quốc gia độc lập tự chủ với phương Bắc.

Ở phương diện sử học tôn giáo, có thể thấy, mối quan hệ giữa các ngôi chùa thời kỳ này cũng vô cùng quan trọng, tiêu biểu là chùa Hương Ấp (Thái Nguyên) với chùa Bảo Phúc (Hà Nội) cũng góp phần vào thành tựu chung của Lý Nam Đế trong cuộc khởi nghĩa và xây dựng quốc gia dân tộc.

Ở góc độ Sử học tôn giáo và Tôn giáo học, chúng tôi đề cập đến: 1. Khái quát bối cảnh lịch sử hình thành nhà nước Vạn Xuân và 2. Tình hình Phật giáo ở Giao Châu trước thế kỷ 6 và mối quan hệ giữa chùa Hương Ấp và chùa Linh Bảo để làm rõ phần nào về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Nam Đế.

Từ khóa: Phật giáo, Lý Nam Đế, Hương Ấp, Linh Bảo

1. Khái quát bối cảnh lịch sử hình thành nhà nước Vạn Xuân

Trong bối cảnh ở Trung Quốc, nhà Tấn đánh bại nhà Ngụy, nhà Thục và nhà Ngô vào năm 265 thì vùng đất Giao Châu lệ thuộc vào nhà Tấn. Mặc dù, nhà Tấn đã chia anh em trị nhậm ở các nơi, song họ đều lăm le tranh quyền khiến cho nhà Tấn rơi vào suy yếu. Nhất là khi các nước Tần, Yên, Lương,... nổi dậy chiếm cả vùng Bắc sông Trường Giang. Vì thế, nhà Tấn phải dời về Kiến Nghiệp, sử gọi là nhà Đông Tấn. Năm 420, Lư Du đánh Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam, hình thành cục diện Nam triều có nhà Tông, Tề, Lương, Trần thay nhau cai trị; Bắc triều là các nhà Ngụy, Tề, Chu cai trị ở Trung Quốc.

Năm 479, nhà Tống mất ngôi vào nhà Tề, được 22 năm lại bị nhà Lương thay thế. Lúc này, nhà Lương cử Tiêu Tư sang làm Thứ sử Giao Châu. Từ khi làm Thứ sử Giao Châu, Tiêu Tư đã đặt nền cai trị hà khắc, bóc lột người dân khốc liệt, khiến cho đời sống người dân cực khổ. Trong bối cảnh này, Lý Bí (503 – 548) đã đứng lên kêu gọi người dân chống lại nhà Lương.

Cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân nên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều cánh quân địa phương như Triệu Túc và con trai Triệu Quang Phục đem quân ở Chu Diên về hội quân với Lý Bí, Tinh Thiều và Phạm Tu cũng theo giúp Lý Bí,... Cuối năm 541, Lý Bí phát động khởi nghĩa, Thứ sử Tiêu Tư nhận thấy tình hình nguy cấp nên cử người lo lót nhằm thoát về Quảng Châu. Lý Bí lấy được thành Long Biên.

Đầu năm 542, Lương Vũ Đế sai tướng các châu hợp quân tiến đánh quân Lý Bí. Lý Bí chủ động tiến công trước và ông đã phá tan quân Lương, giành quyền làm chủ Giao Châu. Đến cuối năm 542, nhà Lương đem quân sang, Lý Bí chủ động tập kích khiến cho quân nhà Lương tiếp tục thất bại.

Năm 543, vua Lâm Ấp chiếm quận Nhật Nam rồi đưa quân đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai lão tướng Phạm Tu cầm quân tiến đánh, khiến cho quân Lâm Ấp phải tháo chạy.

Năm 544, Lý Bí lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức và đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô tại vùng cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ để hội triều. Ông sắp xếp bộ máy chính quyền thành hai Ban văn, võ. Phong Triệu Túc giữ chức Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu Ban văn; Ban võ là Phạm Tu.

Chân dung Lý Nam Đế và Hoàng hậu - Ảnh: BTMTVN

Chân dung Lý Nam Đế và Hoàng hậu - Ảnh: BTMTVN

Giữa năm 545, Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu và Tư mã Trần Bá Tiên vâng mệnh vua Lương đem quân đánh Vạn Xuân. Vua Lý Nam Đế đem 3 vạn quân đánh, song bị thua trận. Bị quân Lương vây đánh, Lý Nam Đế chạy về thành Gia Ninh. Nhưng đến năm 546, Tư mã Tràn Bá Tiên cũng chiếm được thành này. Lý Nam Đế tiếp tục rút về Tân Xương để củng cố lực lượng.

Sau một khoảng thời gian củng cố lực lượng, Lý Nam Đế đem hai vạn quân đến hồ Điển Triệt khiến cho quân nhà Lương thấy vậy không dám tiến đánh. Nhân cơ hội đêm tối, Tư mã Trần Bá Tiên đem quân tiến đánh. Do không phòng bị, quân của Lý Nam Đế bị thua chạy. Vua Lý Nam Đế trú trong động Khuất Lão, giao cho Triệu Quang Phục chỉ huy và đánh bại quân Tư mã Trần Bá Tiên. Nhưng vào năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi từ năm 543 đến năm 548.

Theo chính sử, như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, tổ tiên của Lý Nam Đế là người Trung Quốc, vì tránh nạn mà sang Giao Châu, đến đời ông đã trở thành dòng họ Lý và chính sử Trung Quốc gọi là "Giao Châu thổ dân". Tuy chính sử không mô tả chi tiết việc Lý Bí khởi nghĩa, song đã cho thấy cuộc khởi nghĩa này có quy mô rộng, liên kết được các hào kiệt, dân chúng ở các châu nhanh chóng giành được thắng lợi mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào của quan quân đô hộ. Bởi bản thân Thứ sử Tiêu Tư khi nghe tin Lý Bí khởi nghĩa đã sợ hãi, vội sai người lo lót để có đường về Quảng Châu. Và theo đó, khi hay tin Thứ sử bỏ trốn, quan lại dưới quyền cũng chạy, một số đầu hàng quân Lý Bí.

Khởi nghĩa thắng lợi năm 542, Lý Bí xưng đế hiệu Lý Nam Đế năm 544, niên hiệu Thiên Đức, quốc hiệu Vạn Xuân. Trải qua 04 đời vua, kéo dài từ năm 544 đến năm 602, từ Lý Nam Đế (544 - 548), Lý Đào Lang Vương (549 - 555), Triệu Việt Vương (549 - 570) và Hậu Lý Nam Đế (571 - 602). Nhìn chung, Tiền Lý Nam Đế được đánh giá cao hơn Hậu Lý Nam Đế, như Ngô Thì Sĩ nhận xét: “Tiền [Lý] Nam Đế là một hào tộc khởi binh, có Tinh Thiều giúp việc mưu mô, có Triệu Túc chủ việc quân ngũ. Châu quận hưởng ứng, hào kiệt đồng tâm, trục xuất được Tiêu Tư, đánh đuổi được Tử Hùng, lại phá được Lâm Ấp ở Cửu Đức. Uy binh vang dội, thế mạnh dần lên, rồi lên ngôi vua, đặt niên hiệu, đặt tên nước là Vạn Xuân, hiệu vua xưng là Nam Việt. Có nơi triều hội, có tướng võ tướng văn, quy mô dựng nước hoàn chỉnh có thể coi được… Từ sau khi Hai Bà Trưng mất(1), tới đây là 490 năm nội thuộc làm châu phụ biên, một khi vùng lên chống chọi với binh hùng tướng mạnh của Tam Ngô, khiến cho người trong nước có chỗ nương nhờ, quốc thống có nơi hệ thuộc. Ở vào thế rất khó khăn, mà lập được công rất kỳ diệu. Bọn giặc Man do đó hết cơ hội quấy rối, quân phương Bắc vì thế nhụt chí xâm lăng. Cho nên Triệu Việt Vương, Hậu Lý [Nam Đế] cũng được nhờ để dựng nước, quân Lâm Ấp cũng không dám dòm ngó ngoài biên. Hơn 60 năm, công lao của ông không thể mai một được, xứng đáng vào hạng người như Đinh Tiên Hoàng…”(2).

2. Tình hình Phật giáo ở Giao Châu trước thế kỷ 6 và mối quan hệ giữa chùa Hương Ấp và chùa Linh Bảo(3)

2.1. Phật giáo ở Giao Châu trước thế kỷ 6

Trong bức tranh chung về Phật giáo Việt Nam trước khi xuất hiện thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) vào thế kỷ 6, Phật giáo ở Việt Nam thường đang có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa bản địa, đặc biệt là với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người dân. Nghĩa là, từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến thời điểm thành lập nước Vạn Xuân, Phật giáo ở Việt Nam thường mang màu sắc "quyền năng" với sự hiện diện của nhiều yếu tố tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Kết quả của sự giao thoa này là sự ra đời hệ thống Tứ pháp

(Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Phật mẫu Man Nương,... Như thế, có thể nói, Phật giáo quyền năng có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Giao Chỉ, họ quan niệm: "Phật nghĩa là giác ngộ, nhanh chóng biến hóa, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, hay lớn hay nhỏ, hay tròn hay vuông, hay già hay trẻ, hay ẩn hay rõ, đạp lửa không cháy, đi dao không đứt, gặp bẩn không dơ, mắc tai không họa, muốn đi thì bay, ngồi thì tỏa sáng..."(4). Quan niệm này của người dân Giao Châu còn cho thấy, ít nhất, đến thế kỷ 3 sau Công nguyên, Phật giáo đã sâu gốc bền rễ ở nước ta, hình thành trung tâm Phật giáo vô cùng quan trọng ở Luy Lâu – Dâu: "Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Ðông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn năm trăm người, kinh dịch mười lăm quyển..."(5). Như thế, ở Luy Lâu, về số chùa và tăng sĩ khá nhiều, kinh đã được dịch đến 15 quyển phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, tu học của tín đồ Phật giáo tại Giao Châu, và đây là trung tâm Phật giáo sớm hơn cả Trung Quốc và sự kiện Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp (137 - 226) mỗi khi ra đường đều có người Hồ đốt hương theo hầu còn minh chứng phần nào mối quan hệ, cũng như vai trò của Phật giáo trong chính quyền.

Chùa Hương Ấp (xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi "chú tiểu" Lý Bí từng tu hành - Ảnh: St

Chùa Hương Ấp (xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi "chú tiểu" Lý Bí từng tu hành - Ảnh: St

Điểm quan trọng là khi Phật giáo truyền đến Giao Châu, sự ảnh hưởng qua lại giữa tư tưởng, triết lý Phật giáo với văn hóa bản địa không có sự xung đột. Nghĩa là, trước khi Phật giáo du nhập, ở Giao Châu đã có nền văn hóa phong phú trên cơ tầng văn minh nông nghiệp, và nền văn hóa này càng phong phú hơn khi giao thoa với Nho giáo, Đạo giáo và nhất là với tư tưởng, triết lý Phật giáo. Trong đó, tiêu biểu là hệ thống Phật Tứ pháp, chùa Tứ pháp vô cùng đặc sắc còn hiện diện trong Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Trong quan niệm của người dân Giao Châu thường xem Phật là nhân vật có uy quyền, siêu nhiên, đồng thời cũng là sự phản ánh quá trình người dân đến với Phật giáo. Song trên phương diện Phật học, trước khi nhà nước Vạn Xuân ra đời vào năm 544, ở Giao Châu đã có nhiều tăng sĩ đến từ Ấn Độ, như Khâu Ðà La và Ma Ha Kỳ Vực,... tăng sĩ đến từ Trung Quốc như Mâu Tử,... và cả những nhà sư người Ấn Độ nhưng sinh trưởng tại Giao Châu. Trong các trước tác của họ để lại, đã cho thấy sự hiện diện của Nho giáo và Đạo giáo, những xung đột, nhất là giữa Phật giáo, Nho giáo và sâu xa hơn, ở Giao Châu lúc này đã hình thành nền tảng Phật học vững chắc, tạo tiền đề cho tư tưởng, văn hóa Giao Châu hướng đến sự độc lập, tự chủ.

Mâu Tử (khoảng 198 - 230) sống ở Thương Ngô, là người học rộng. Song, lúc này ở Thương Ngô loạn lạc, ông đem mẹ lánh về Giao Chỉ. Sau khi cha mẹ mất, ông dốc lòng tu học Phật giáo rồi viết bộ Lý hoặc luận(6) dưới hình thức hỏi đáp. Lý hoặc luận có 37 điều bao gồm 03 nhóm chính: 1. Phật giáo từ điều 1 đến điều 3; 2. Quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo từ điều 4 đến điều 28; và 3. Phê phán Ðạo giáo, từ điều 29 đến điều 37. Nhìn chung, qua nội dung Lý hoặc luận cho thấy Mâu Tử một mặt đề cao giá trị của Phật giáo ở Giao Chỉ và mặt khác là phê phán Nho giáo và Đạo giáo. Ông cho rằng: "Thi Thư chưa phải là lời thánh hiền", "đất Hán chưa hẳn là trung tâm của trời đất",... Song, theo Lê Mạnh Thát cho rằng: "Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thời Mâu Tử, Lý hoặc luận không phải viết để xiển dương Phật giáo, mà là cuộc tổng kết cuộc đấu tranh về văn hóa, giữa văn hóa Việt Nam đối với văn hóa phương Bắc, mà chủ yếu là Phật giáo đối với Nho giáo..."(7), theo chúng tôi đây là nhận định thỏa đáng.

Khương Tăng Hội (? - 280) người gốc Khương Cư. Thân phụ ông là thương nhân đến Giao Chỉ sinh sống, làm ăn và sinh Khương Tăng Hội ở đây. Năm 10 tuổi, cha mẹ qua đời, ông xuất gia tu học, thông hiểu Tam tạng (kinh – luật – luận) và kinh điển Nho giáo,... Vì thế, vào năm 247, ông đến Kiến Nghiệp, nước Ngô. Trong khoảng 33 năm ở Kiến Nghiệp, ông dựng chùa Kiến Sơ, giảng pháp, quy y Ngũ giới cho vua Tôn Hạo, dịch thuật, chú giải nhiều kinh điển đến năm 280 thì viên tịch. Trước tác của ông bao gồm "14 bộ hợp thành 29 quyển"(8), tiêu biểu như Lục độ tập kinh, Ðạo phẩm, Tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú, Pháp kính kinh chú,... Về cơ bản, nội dung những tác phẩm này phản ánh về: "Phật giáo Việt Nam vào thời Khương Tăng Hội đã xây dựng thành công một cơ cấu giáo dục khá hoàn chỉnh và đa dạng, bao gồm toàn bộ tất cả các ngành tri thức có mặt ở thời đó, mà không đóng khung vào một giới hạn chật hẹp nào. Người ta không chỉ học ba tạng kinh điển, sáu kinh của Nho giáo, mà còn học tới cả khoa sấm vỹ thiên văn, thậm chí cả khoa ứng đối, và đặc biệt truyền thống dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục ấy, vì vậy, có thể nói là đại diện cho nền giáo dục Việt Nam thế kỷ thứ II và thứ III đối lập lại với nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang tồn tại song song cùng nó. Nhờ thế, qua lịch sử đã đào tạo ra những thiên tài đáp ứng được yêu cầu của đất nước, và được tiếp nối cho đến ngày nay"(9).

Đạo Thanh (khoảng năm 220 - 300), là người uyên thâm Phật học, chắp bút bản dịch Pháp Hoa tam muội kinh của Chi Cương Lương Tiếp(10) từ tiếng Phạn sang chữ Hán, lưu hành tại nước ta khoảng sau năm 258. Sư Ðạo Thanh cộng tác với Chi Cương Lương Tiếp trong việc phiên dịch kinh điển chứng tỏ ông là người có trình độ Phật học uyên thâm, thông thạo Phạn văn và Hán văn,... Kinh Pháp hoa tam muội lưu thông ở Giao Châu cho thấy pháp tu Tam muội khá phổ biến. Pháp tu này y cứ kinh Pháp hoa và kinh Quán Phổ Hiền, lấy 21 ngày làm một giai đoạn tu, kinh hành hoặc ngồi tư duy quán thực tướng trung đạo. Nói cách khác, pháp tu Tam muội là phương pháp sám hối nhằm diệt trừ tội chướng, vì thế một ngày đêm chia thành 06 thời(11) tu tập Ngũ hối(12). Pháp tu Tam muội còn được chia làm ba phương pháp là: 1. Thân khai già, nghĩa là đi, ngồi, không nên đứng và nằm; 2. Khẩu thuyết mặc, nghĩa là miệng tụng kinh điển để không xen lẫn các việc khác và 3. Ý chỉ quán bao gồm Hữu hành tướng(13) và Vô tướng hành(14). Theo Pháp hoa tam muội sám nghi và Ma ha chỉ quán của Thiên Thai Trí Khải cho biết, bất cứ ai muốn thấy sắc thân của chư Phật và Bồ tát Phổ Hiền thì phải diệt trừ hết tội chướng để ngay trong đời được quả vị Bồ tát. Muốn thế, tín đồ Phật giáo cần phải tinh tấn tu Pháp hoa tam muội(15). Điều này cho thấy, song song với nền Phật giáo quyền năng thì ở Giao Châu dần dần định hình phát triển nền Phật học và nền Phật học này thậm chí còn cung cấp nhiều cao tăng cho Trung Quốc trong việc giảng dạy Phật pháp, tiêu biểu như:

Sư Huệ Thắng (khoảng năm 502 - 519), thiền với một vị tăng tên là Ðạt Ma Ðề Bà (Dharmadeva) và tu tại chùa núi Tiên Châu. Ông chuyên trì kinh Pháp Hoa và được mọi người kính trọng. Danh tiếng vang xa, quan đô hộ Lưu Hội nghe danh đến mời sang chùa U Thê, Trung Quốc. Song ông không hợp tác, thường tỏ ra như người ngu, không hưởng những đãi ngộ, vì thế, vào năm 487, ông bị đưa đến tịnh xá Diên Hiền ở Chung Sơn rồi viên tịch năm 70 tuổi. Mặc dù ông không giảng Phật pháp nhưng đức hạnh, nhân cách của ông ảnh hưởng tới tín đồ Phật giáo Trung Quốc, nên Sử Phật giáo Trung Quốc mới dành những lời trân trọng, cảm khái: "Từ nhỏ tới già, lòng Thắng trinh bạch thẳng ngay"(16).

Ở thế kỷ thứ 4, Tục cao tăng truyện(17) cho biết, Đạo Thiền người Giao Chỉ, xuất gia từ nhỏ, uyên thâm Phật học, giữ gìn giới luật nghiêm cẩn. Ông có khả năng kỳ lạ, như chuyện ghi rằng, tại chùa núi Tiên Châu có nhiều cọp dữ hại người, nhưng từ khi ông đến ở thì nạn ấy không còn. Ông giảng Phật pháp ở Kim Lăng, Trung Quốc, nhất là thiền và luật, thu hút rất đông tín đồ Phật giáo về thọ giáo và "họ đều là tiêu lĩnh của bốn bể, người tài trong đời và tay giỏi trong đạo"(18). Năm 483, ông đến chùa Vân Cư tại Chung Sơn hướng dẫn tăng chúng. Cuối đời, ông ẩn trong núi rừng cho đến khi mất ở tuổi 70, năm 527.

Bên phải chùa Hương Ấp có ngôi nhà nhỏ 3 gian, thờ tượng Pháp tổ thiền sư đã có công nuôi dạy Lý Bí - Ảnh: St

Bên phải chùa Hương Ấp có ngôi nhà nhỏ 3 gian, thờ tượng Pháp tổ thiền sư đã có công nuôi dạy Lý Bí - Ảnh: St

Có thể nói, Huệ Thắng và Đạo Thiền là hai nhân vật Phật giáo Việt Nam tiêu biểu sống vào cuối thế kỷ thứ 5 đầu thế kỷ thứ 6. Hai vị là kết quả của một nền giáo dục Phật giáo Giao Châu đã hình thành trước đó mấy thế kỷ. Từ một nền Phật giáo quyền năng đến một nền Phật giáo mang tính Phật học cao, độc lập với Phật giáo Trung Quốc, mở ra khả năng tự chủ trong giáo dục đào tạo tăng tài, ý thức về xây dựng nền văn hóa và nền độc lập cho dân tộc.

Trước khi nhà nước Vạn Xuân ra đời, chúng ta cần lưu ý đến sự kiện “06 lá thư”(19) có niên đại 435 - 455 ghi về trao đổi giữa hai vị Tăng Việt Nam là Ðạo Cao, Pháp Minh với Lý Miễu. 06 lá thư này là một trong những phát hiện quan trọng của GS. Lê Mạnh Thát từ thư tịch Trung Quốc(20). Đây là tư liệu giá trị cho biết thêm về tư tưởng dân tộc, Phật giáo giai đoạn tiền Vạn Xuân. Trong đó, ở Giao Châu lúc này vẫn có sự đấu tranh tư tưởng xoay quanh vấn đề tại sao nói Phật linh nghiệm, đức Phật không thị hiện ra giữa đời cho người phật tử chứng kiến?(21). Nhưng quan trọng hơn, qua 06 lá thư này cho thấy sự khác biệt giữa Phật giáo Giao Châu và Phật giáo Trung Quốc, đồng thời phản ánh Phật giáo quyền năng không còn như trước, và tư tưởng mới dần định hình.

Đến trước thời kỳ thành lập nhà nước Vạn Xuân, về mặt tôn giáo, Phật giáo quyền năng dần thay thế bằng nền Phật giáo mang tính Phật học. Nền Phật giáo này tạo tiền đề về mặt lý luận và thực tiễn cho sự phát triển tư tưởng, văn hóa Giao Châu theo hướng tự chủ, độc lập; đồng thời Giao Châu tiếp tục là nơi lựa chọn tu học của nhiều tăng sĩ và do đó, tư tưởng, triết lý, giáo lý hay nghi lễ Phật giáo vẫn có ảnh hưởng lớn, vun bồi đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lúc bấy giờ.

2.2. Mối quan hệ giữa chùa Hương Ấp và chùa Linh Bảo

Trước khi đề cập đến chùa Hương Ấp và chùa Bảo Phúc, ở đây chúng tôi thấy cần nhắc đến ngôi chùa Trấn Quốc. Thiền Uyển tập anh ngữ lục đã cho biết Thiền sư Vân Phong ( ? – 957) nhắc đến ngôi chùa vốn có tên là Khai Quốc tự - chùa Khai Quốc. Trong bia Trấn Quốc tự bi ký do Trạng Nguyên khoa Đinh Sửu (1637) Nguyễn Xuân Chính soạn cho biết thêm nhiều chi tiết như, chùa Khai Quốc được dựng thời vua Lý Nam Đế ở bãi sông Nhị Hà. Năm 1615, thời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619), người dân phường An Hoa lo sợ đê vỡ, chùa đổ nên di dời chùa vào bán đảo Kim Ngư ở Hồ Tây. Thời vua Lê chúa Trịnh đổi tên chùa Trấn Quốc. Như vậy, có thể nói ngôi chùa Khai Quốc được Lý Nam Đế cho xây dựng ở "trung tâm trời đất", "nơi hội tụ trọng yếu của bốn phương",... như một sự xác nhận chủ quyền độc lập với phương Bắc.

Về ngôi chùa Hương Ấp và Linh Bảo, theo Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền(22), Lý Bí mồ côi cha khi tròn 5 tuổi, lúc ông 7 tuổi thì mẹ cũng qua đời, vì thế ông phải đến ở gia đình chú ruột. Lúc này, trong ấp có Thiền sư Pháp Tổ đang tu tại chùa Linh Bảo thấy Lý Bí tuy tuổi còn nhỏ nhưng lại thông minh hơn người nên nói với gia đình người chú xin nhận làm con nuôi. Từ đó, ông theo Thiền sư Pháp Tổ tu học Phật pháp. Theo nghiên cứu, hiện nay ở thông Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên còn có một ngôi chùa mang tên Hương Ấp tự - chùa Hương Ấp và ngôi chùa này chính là nơi Thiền sư Pháp Tổ và Lý Bí tu hành. Bản thần tích cho biết vua Lý Nam Đế tu tập chùa Hương Ấp khoảng 4 năm thì theo thầy về Linh Bảo tự - chùa Giang Xá, nay thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Và theo người dân làng Giang Xá cho biết, từ rất lâu rồi, họ vẫn coi chùa Hương Ấp là chốn tổ - nơi Thiền sư Pháp Tổ từng tu tập trước khi về chùa Giang Xá trụ trì, nhưng trước đây, hoàn toàn không biết chính xác ngôi chùa này ở đâu, chỉ biết rằng, chùa Hương Ấp là nơi Lý Nam Đế "thế phát đầu Phật".

Trong một nghiên cứu về quê hương Lý Bí cho biết, quê hương Lý Bí(23) chính là Giã Năng, thuộc quận Vũ Bình, vùng bắc ngã ba sông Công và sông Cầu, nay là huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chùa Hương Ấp ngày nay ở phía Tây núi Chùa, hướng ra ngòi Gạo, núi Cao Vương và cánh đồng Cháy; phía Nam là núi Ấp và phía Bắc dưới chân núi là giếng chùa, núi Sen; phía Đông là khu dân cư thôn Cổ Pháp. Nhìn chung, theo khảo sát của tác giả bài nghiên cứu cho biết, trải qua nhiều thăng trầm, dấu tích xưa không còn. Mô hình kiến trúc dạng chữ Đinh, kỹ thuật xây dựng đơn giản, đơn sơ(24).

Linh Bảo tự - tức chùa Giang Xá thuộc thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay. Tương truyền chùa được xây dựng từ những năm đầu Công nguyên phía Tây làng. Đến đầu thế kỷ 6, người dân mời được Thiền sư Pháp Tổ về lập đàn cúng 21 ngày đêm. Thiền sư nhận lời và đem theo đệ tử Lý Bí về chùa. Người dân thấy thiền sư và học trò đức độ liền mời ở lại trụ trì chùa Linh Bảo. Từ đó, hai thầy trò sớm hôm chăm lo đời sống tinh thần của người dân, đồng thời Thiền sư Pháp Tổ hướng dẫn Lý Bí tu học Phật pháp, trau dồi kinh nghiệm thế học,...

Chùa Bảo Phúc, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - Ảnh: St

Chùa Bảo Phúc, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - Ảnh: St

Tuy nhiên, vào thế kỷ 7, người dân Giang Xá đã chuyển ngôi chùa ra khỏi làng và đổi tên là Bảo Phúc tự, đến thời Trần được trùng tu quy mô lớn hơn và đến thời Lê, nhất là vào thời Nguyễn thì tu bổ nhỏ theo kiểu chữ Đinh. Năm 1993, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Theo bản ngọc phả cho biết: Ở chùa Linh Bảo, Lý Bí được Thiền sư Pháp Tổ dạy bảo rất nghiêm. Vốn thông minh chính trực, không lâu sau ông đã tinh thông Phật học lại giỏi võ nghệ và văn chương,... Lũ trẻ trong làng cũng thường đến chùa nhờ ông chỉ dạy việc học.

Ngoài ra, ở đình Giang Xá hiện nay thờ phụng Lý Nam Đế còn có đôi câu đối cho biết đôi chút về Thiền sư Pháp Tổ và Lý Nam Đế:

九 德 如 江 舍 住 禪

萬 春 啟 太 平 昇 帝

Cửu Đức như Giang Xá trụ Thiền

Vạn Xuân khải thái bình thăng đế

Tạm dịch là:

Từ đất Cửu Đức đến tu đạo Thiền ở làng Giang Xá

Lập nước Vạn Xuân mở đời thái bình lên ngôi hoàng đế.

Như vậy, về cơ bản, nếu như chùa Hương Ấp được xem là chùa Tổ, nơi tu học, ươm mầm nhân cách một vị phật tử, một vị vua,... thì chùa Linh Bảo được xem là nơi phát triển tài năng. Bởi ở chùa Linh Bảo, Lý Bí không chỉ được thầy cho thọ Cụ túc giới mà còn dạy bảo giáo lý Phật giáo và nhiều "kỹ năng" thế tục.

Ở một phương diện khác, ngoài trung tâm Phật giáo Luy Lâu thì với ngôi chùa Hương Ấp và Linh Bảo còn cho thấy, Phật giáo có sự mở rộng địa bàn và sự qua lại giao lưu giữa các tín đồ Phật giáo ở Giao Châu và sự mến mộ của người dân đối với các nhà sư trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân về tín ngưỡng.

Điểm quan trọng, chính môi trường Phật giáo đã nuôi dưỡng, hun đúc ý chí độc lập dân tộc, tự chủ tự cường,... Ngọc phả cho biết, Lý Bí ở chùa Linh Bảo hơn 10 năm, khoảng 25 tuổi, với tài đức của mình đã chiêu mộ được hơn 3.000 người ở Lưu Xá, Giang Xá, Giã Năng, Chu Diên,... Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo rất lớn đối với người dân trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

3. Đôi lời tạm kết

Cho đến thế kỷ 6, đạo Phật thâm nhập sâu rộng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Giao Châu. Từ nền Phật giáo quyền năng trong quan niệm của người dân và nền Phật giáo mang tính Phật học cao trong cộng đồng tín đồ Phật giáo. Cả hai nền Phật giáo này cùng tồn tại trong cộng đồng xã hội. Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo đều tồn tại trong xã hội Giao Châu, trong đó, Phật giáo có vị trí, vai trò quan trọng hơn.

Khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo nổ ra năm 542 chống lại ách đô hộ nhà Lương nhanh chóng thành công. Lý Bí xưng hiệu Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân và dựng chùa Khai Quốc cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này dễ hiểu, bởi Lý Bí là học trò của Thiền sư Pháp Tổ, được học Phật từ nhỏ và cũng giống như trường hợp vua Lý Công Uẩn là học trò Thiền sư Vạn Hạnh sau này.

Ở đình Giang Xá thờ vua Lý Nam Đế còn lưu giữ bản ngọc phả cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo trong chính quyền nhà nước Vạn Xuân như Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đều là tín đồ Phật giáo,... Điều này phản ánh hay mở ra một thời kỳ mà tín đồ Phật giáo tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời cũng là cách mà Phật giáo Việt Nam tạo ra hoàn cảnh tu tập mới, nhằm hướng đến một xã hội phát triển hài hòa.

Thiền sư Pháp Tổ với học trò Lý Bí đã tạo mối liên kết truyền thống giữa hai ngôi chùa Hương Ấp và Liên Bảo, kết nối xứ Bắc với xứ Đoài trong lịch sử Phật giáo. Đồng thời, mối liên hệ giữa hai ngôi chùa này còn cho thấy Phật giáo ở thế kỷ 6 đã mở rộng khắp miền Bắc thông qua các tín đồ, tạo mối liên kết người dân ở các vùng miền khác nhau và qua đó, khi tiến hành khởi nghĩa, Lý Bí nhanh chóng có được sự ủng hộ của người dân.

Nhìn chung, tư tưởng, giáo lý Phật giáo thời kỳ này đã tạo tiền đề nhập thế giúp dân chống lại ách đô hộ của nhà Lương nói riêng và tiếp tục duy trì truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự chủ có từ trước đó. Nói cách khác, sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân là kết quả của một quá trình vận động và đấu tranh của dân tộc suốt hơn nửa thiên niên kỷ. Trong quá trình này, tư tưởng, văn hóa Phật giáo đóng vai trò quan trọng thể hiện qua hành động của các tín đồ Phật giáo như phần nào chúng tôi đã đề cập ở trên.

Tác giả: Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Tôn giáo
& Đặng Vũ Ngọc Mai, SV Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tập 1
2. Ðại Chính tân tu Ðại tạng kinh, 2102.
3. Đinh Văn Nhật (1989), "Đi tìm quê hương gốc Lý Bí", Nghiên cứu Lịch sử, số 1
4. Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền, lưu tại đình Giang Xá, thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội
5. Ngô Thì Sĩ (1997): Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội
7. Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh
8. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TPHCM
9. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế

CHÚ THÍCH:
(1) Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Từ năm 40 giành quyền độc lập, tự chủ, đến năm 43 thì bị Mã Viện đàn áp.
(2) Ngô Thì Sĩ (1997): Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr111.
(3) Sau này mới gọi là chùa Bảo Phúc. Trong Ngọc phả gọi là chùa Linh Bảo
(4) Ðiều 2 của Lý hoặc luận. Xem Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, tr 443.
(5) Xem Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TPHCM, tr203-204
(6) Xem Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh ấn hành.
(7) Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh ấn hành, tr293
(8) Theo Phí Trường Phòng, Lịch đại tam bảo ký, soạn năm 597 (Khai Hoàng thứ 17, đời Tùy). Dẫn lại theo Lê Mạnh Thát, Sđd, tr119. Về danh mục các tác phẩm do ngài Khương Tăng Hội dịch, chú giải hoặc trước tác có sự sai khác về số lượng, nhưng cơ bản vẫn không có gì sai khác mấy, chủ yếu là do khác quan điểm phân loại.
(9) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr321.
(10) Theo học giả Lê Mạnh Thát thì Chi Cương Lương Tiếp tiếng Phạn là Kalyànàsiva, khác với Chi Cương Lương Lâu sống ở Quảng Châu khoảng 266 mà nhiều người đã đồng hóa. Xem Lịch sử Phật giáo Việt Nam, sđd, mục Chi Cương Lương Tiếp, tr279- 283.
(11) Sáng sớm, giữa trưa, chiều tối, canh 1, canh 3, canh 5
(12) Sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng và phát nguyện
(13) Y cứ vào phẩm Khuyến phát, dùng tán tâm trì tụng kinh Pháp hoa, không nhập thiền định, bất luận là ngồi, đứng hay đi đều phải nhất tâm tụng niệm kinh Pháp hoa, ngày đêm 6 thời sám hối tội chướng của 6 căn.
(14) Y cứ vào phẩm An lạc hành, nhập thiền định sâu xa, quán chiếu 6 căn để thấu suốt thực tướng Trung đạo của 3 đế (Không, Giả, Trung).
(15)
(16) Huệ Hạo trong Cao tăng truyện, về tiểu sử Huệ Thắng.
(17) Một tác phẩm lịch sử quan trọng của Phật giáo Trung Quốc, do nhà viết sử Phật giáo Trung Quốc là Ðạo Tuyên soạn vào đời Ðường.
(18) Tục cao tăng truyện.
(19) Đó là 6 bức thư tranh luận về đạo Phật được Tăng Hựu (445-518) ghi lại, cụ thể:
1. Thư gửi hai vị Pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh để gạn hỏi về việc không thấy hình thể Phật (Dữ Đạo Cao, Pháp Minh nhị sư nạn Phật bất kiến hình thư)
2. Trả lời ngài Lý Miễu làm quan ở Giao Châu gạn hỏi về việc không thấy hình thể Phật (Đáp Lý Giao Châu Miễu nạn Phật bất kiến hình thư)
3. Thư gửi Pháp sư Đạo Cao – I (Dữ Đạo Cao Pháp sư thư I)
4. Bức thư thứ hai trả lời ngài Lý Miễu làm quan ở Giao Châu (Trùng đáp Lý Giao Châu thư ). 5 Thư gửi Pháp sư Đạo Cao – II (Dữ Đạo Cao Pháp sư thư II)
6.Thư trả lời ngài Lý Miễu làm quan ở Giao Châu (Đáp Lý Giao Châu thư)
(20) Thuộc Minh hoằng tập do Tăng Hựu (445-519) kết tập, trong Ðại Chính tân tu Ðại tạng kinh, 2102.
(21) Nạn Phật bất kiến hình sự (Thắc mắc về việc tại sao không thấy hình Phật thị hiện giữa đời).
(22) Hiện lưu giữ ở đình Giang Xá
(23) Đinh Văn Nhật (1989), "Đi tìm quê hương gốc Lý Bí", Nghiên cứu Lịch sử, số 1, tr80,81
(24) Ngày 2/11/2023, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công dự án tu bổ chùa Hương Ấp (Vạn Xuân Tự) có quy mô 54 ha với tổng mức đầu tư trên 89 tỷ đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, để tỏ lòng tri ân sâu sắc với vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam - Lý Nam Đế.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-huong-ap-thai-nguyen-chua-bao-phuc-ha-noi-trong-cuoc-doi-va-su-nghiep-ly-nam-de.html
Zalo