Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn hiện nay có địa chỉ ở đường 23 Tháng 8 (TP Huế).
Trước đây, vua Gia Long chọn Huế làm Kinh đô, đây cũng là nguyên nhân khai sinh trường Quốc Tử Giám thứ 2 của đất nước. Ban đầu trường Quốc Tử Giám có địa chỉ tại đường Văn Thánh (phường Hương Hồ, TP Huế) nay là Văn Võ Miếu.
Vì trường ở hơi xa kinh thành, nên năm 1908, triều đình cho dời về gần bên trái Đại Nội như hiện nay.
Những người được theo học ở trường Quốc Tử Giám bao gồm con em trong Hoàng tộc, con các đại thần trong triều, các thanh niên thông minh tuấn tú trong cả nước, các tú tài, cử nhân đỗ kỳ thi Hương ở các tỉnh.
Di tích này cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993.
Nhiều năm trước, một phần của Quốc Tử Giám triều Nguyễn được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế "mượn" làm trụ sở và nơi trưng bày, lưu trữ hơn 32.000 hiện vật.
Khoảng 14h ngày 17/8/2022, tại dãy trưng bày hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế xảy ra hỏa hoạn. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế thời điểm đó, qua kiểm kê, tại danh mục tư liệu hiện vật được trưng bày tại dãy nhà có 180 hiện vật có tên trong danh mục. Vụ hỏa hoạn không làm các hiện vật bị ảnh hưởng, tuy nhiên làm sập khoảng 1/4 mái nhà của dãy trưng bày.
Ngày 1/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai di chuyển hơn 32.000 hiện vật về địa điểm mới tại số 268 Điện Biên Phủ để bàn giao Di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay đơn vị hoàn tất việc di dời 32.000 hiện vật về tại địa điểm mới.
"Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để bàn giao lại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý, việc này dự kiến sẽ sớm hoàn thành. Hiện nay dự án tu bổ, tôn tạo di tích cũng được phía Trung tâm triển xây dựng", ông Lộc thông tin.
Video: Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ ra sao sau khi hàng nghìn hiện vật dời đi?
Hoàng Dũng