Bản sắc Việt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2024
Tối 11/11, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2024 chính thức bế mạc sau 5 ngày tổ chức (từ ngày 7/11 – 11/11). Với chủ đề: 'Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh', Liên hoan phim khẳng định uy tín và trở thành biểu tượng cho tinh thần sáng tạo, hội nhập của điện ảnh Việt Nam và 51 nền điện ảnh trên thế giới.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, lần thứ 7 tổ chức, Liên hoan phim được đánh giá có quy mô và hình thức tổ chức ngày một chuyên nghiệp, bài bản với nhiều chương trình phim, nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII đã in dấu ấn đậm nét với các nghệ sĩ điện ảnh quốc tế và Việt Nam, tạo nên bầu không khí nghệ thuật nồng nhiệt dành cho khán giả Thủ đô và khát vọng sáng tạo với nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam và quốc tế.
Năm nay, Liên hoan phim thu hút 117 bộ phim đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự. Loạt phim “ăn khách” được trình chiếu tại 3 cụm rạp Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, BHD, CGV (với 87 buổi chiếu).
Các hoạt động chuyên môn sâu như hai cuộc Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức”, Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”, Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua những thước phim điện ảnh”.
Điểm mới lạ của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024 lần đầu tiên đưa hình thức chiếu phim “mù” hay còn gọi là “Bộ phim bí ẩn”, không tiết lộ nội dung thông tin cho khán giả trước khi vào rạp. Hình thức chiếu phim “mù” đã quen thuộc đối với các liên hoan phim quốc tế lớn, tại Việt Nam, lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024. Đây là nỗ lực của ngành điện ảnh Việt đáp ứng xu hướng toàn cầu, mang đến trải nghiệm thưởng thức mới mẻ, độc lạ cho khán giả.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024, “Chợ Dự án” nhận được số lượng đăng ký kỷ lục gần 70 dự án đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Ban giám khảo lựa chọn 8 dự án phim xuất sắc đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự vòng thuyết trình và trao giải thưởng chính thức.
Hoạt động triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua những thước phim điện ảnh” giới thiệu khoảng 200 hình ảnh trong phim của những nhà làm phim trong nước và quốc tế ghi lại những hình ảnh về các di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.
Thống kê có hơn 600 lượt khán giả đến xem triển lãm, hoạt động Chợ dự án sản xuất phim, các buổi giao lưu nghệ sĩ đoàn làm phim với khán giả trước hoặc sau chiếu phim tại các rạp mang đến không khí sôi nổi, đa sắc màu, thu hút đông đảo công chúng khán giả Hà Nội và du khách quốc tế.
Xuyên suốt 5 ngày diễn ra các chuỗi hoạt động, Liên hoan phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức trang trọng, đảm đảm bảo sự kiện diễn ra an toàn, chuyên nghiệp, truyền cảm hứng.
Đặc biệt là ý tưởng kịch bản Lễ khai mạc và bế mạc sự kiện lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội. Hình ảnh chủ đạo tại buổi lễ toát lên tinh thần Á Đông sâu sắc, vừa đậm chất truyền thống Việt Nam, vừa mang nét thẩm mỹ, thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội.
Dấu ấn từ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024 đã góp phần vào việc giao lưu, học hỏi giữa các nhà làm phim của Việt Nam và quốc tế, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch thủ đô Hà Nội và Việt Nam.
Hạng mục giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII)
1. Phim dài xuất sắc nhất: Bộ phim “Hard Shell” (Vỏ bọc) của Iran;
2. Phim ngắn xuất sắc nhất: Bộ phim “A Bird Flew” (Khi chú chim cất cánh) của Colombia;
3. Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Đạo diễn Majid-Reza Mostafavi, bộ phim “Hard Shell” (Vỏ bọc) của Iran;
4. Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất: Diễn viên Payman Maadi, bộ phim “Hard Shell” (Vỏ bọc) của Iran;
5. Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất: Diễn viên Tiina Tauraite, bộ phim “8 Views of Lake Biwa” (Tám cảnh hồ Biwa) của Estonia;
6. Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài: Bộ phim “8 Views of Lake Biwa” (Tám cảnh hồ Biwa) của Estonia;
7. Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất: Đạo diễn Nasim Forough, bộ phim “Typesetter” (Thợ xếp chữ) của Iran;
8. Diễn viên trẻ triển vọng (từ 18 đến 35 tuổi): Diễn viên Ngọc Xuân, bộ phim “Once Upon a Love story” (Ngày xưa có một chuyện tình) của Việt Nam;
9. Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: Bộ phim “The Rubber Tappers” (Những người gỡ mủ cao su) của Campuchia;
10. Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet) cho phim dài: Bộ phim “Liar” (Kẻ nói dối) của Liên bang Nga.