Hành trình tới Đại thắng mùa Xuân 1975
Trưa ngày 30/4, lá cờ quân giải phóng đã kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân Việt Nam đã đánh thắng từng bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ từ 'Chiến tranh đặc biệt', 'Chiến tranh cục bộ' đến 'Việt Nam hóa chiến tranh', thực hiện sách lược giành thắng lợi từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thu giang sơn về một mối, đất nước vẹn tròn thống nhất.

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). Ảnh: Tư liệu
Đây là một hành trình lịch sử của dân tộc ta, để có ngày 30/4 đại thắng mùa xuân, chúng ta đã đi qua bao dấu mốc lịch sử để từ đó tạo ra những bước ngoặt lớn lao của cách mạng Việt Nam. Đó là ngày 3/2/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19/8 Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Trở lại với quá khứ truyền thống dân tộc, chúng ta đấu tranh anh dũng gian lao, quật cường kháng chiến, các trang sử hào hùng của cha ông xưa đã từng có những trận thắng lớn. Đó là: Trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông, trận Chi Lăng (1427) chống quân giặc Minh, trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh. Còn đó âm vang câu thơ trào dâng khí thế, khí phách: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu” trong thơ tướng quân Trần Quang Khải. Và chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân toàn thắng đã được nhà thơ Tố Hữu viết với nhịp điệu dồn dập hào sảng, náo nức trào dâng: “Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ Ngụy cuống cuồng rủ rượi một màu tang cờ trắng”. Và đỉnh cao là ngày 30/4 khi xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, húc đổ thành trì chính quyền của giặc thì cảm xúc dạt dào của nhà thơ ngân vang: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Vâng, thưa Bác, cách đây 64 năm từ Bến Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước; hôm nay chúng con đã trở về với chiến dịch mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh! Thành phố sau giải phóng mang tên Bác: TP Hồ Chí Minh! Và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” vẫn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng” (Phạm Tuyên). Lời của Bác đã tiên đoán từ 6 năm về trước trong bài thơ chúc tết năm 1969 trở thành hiện thực: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để: “Nam Bắc sum họp xuân nào vui hơn”.
Giở lại những trang tư liệu lịch sử, chúng ta đi đến ngày thống nhất đất nước đã trải qua bao bước ngoặt. Sau ngày hiệp đinh Gơnevơ được ký kết tháng 7/1954, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp thực hiện ý đồ áp đặt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, mở ra một phương thức đấu tranh mới, cách mạng miền Nam từ chỗ chỉ tiến hành đấu tranh chính trị giữ gìn, bảo toàn lực lượng là chính, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang. Giai đoạn 1961 - 1972 dưới ánh sáng đường lối chiến tranh Nhân dân, quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nhạy bén nắm bắt tình thế thuận lợi khi quân Sài Gòn suy yếu, Mỹ bế tắc chiến lược, chúng ta mở cuộc tổng tiến công chiến lược 1972 trên các chiến trường miền Nam. Và cùng với việc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ ở miền Bắc cuối tháng 12/1972, chúng ta đã đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định buộc đế quốc Mỹ xuống thang chấp nhận ký kết Hiệp định Paris. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1975 được tạo bởi ba đòn chiến lược đến đầu tháng 4/1975 ta giành chiến thắng ở các chiến dịch Tây Nguyên, Huế-Trị Thiên, Đà Nẵng. Từ chỗ hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm rồi rút ngắn giải phóng trong năm 1975 và cuối cùng tháng 4/1975.
50 năm đã trôi qua nhưng âm vang của đại thắng mùa xuân lịch sử còn vang vọng đến hôm nay, đặc biệt là trong thơ - trang sử ký của tâm hồn. Đường tới TP Sài Gòn mang tên Bác Hồ kính yêu là một cuộc hành trình dài qua biết bao hy sinh gian khổ, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi đến đồng bằng, từ đồng bằng vào thành phố. Một hành trình qua những giới hạn ngặt nghèo cả một số phận dân tộc và của mỗi con người. Nhà thơ Hữu Thỉnh có trường ca “Đường tới thành phố” nổi tiếng, lần đầu ông đặt tên là “Hành trình qua dây thép gai” - một cuộc hành trình với bao giới hạn gang tấc hy sinh. Chiến tranh không chỉ là phân chia giới tuyến của sự hy sinh đối diện trực tiếp ngoài mặt trận dễ nhận thấy mà còn chiến tranh ngay cả trong số phận của mỗi con người, của những ranh giới mỏng manh mà vượt qua đó còn khó hơn nhiều trong sự thầm lặng hy sinh vô danh. Nhà thơ Hữu Thỉnh viết về một người vợ ở hậu phương chờ chồng: "Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”, đến một người vợ trong vùng địch tạm chiến: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Nhà thơ Thanh Thảo cũng khá nổi tiếng với trường ca “Những người đi tới biển” là một hành trình từ hậu phương vào mặt trận, từ Trường Sơn xuống bưng biền kênh rạch Nam Bộ. Những người lính mà: “Những năm/ Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách/ Những năm/ Một chiếc áo có thể sống lâu hơn cuộc đời”. Hành trình từ cá thể người lính đến tình yêu lớn lao Tổ quốc thật thiêng liêng, giản dị mà không giản đơn qua bao trăn trở mới có thể: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi ai mà không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em” trong thơ Thanh Thảo. Còn Tổ quốc trong thơ Hữu Thỉnh qua góc nhìn tiếp cận của người lính với sự khắc nghiệt của chiến tranh thì: “Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một góc sim thôi, dù chỉ góc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc”. Với người lính, Tổ quốc gần trong gang tấc từ ngọn cỏ, góc sim thân thiết biết bao.
Trong một cuộc hội thảo văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng qua 50 năm tại Nhà xuất bản Quân đội mới đây, một nhà văn đã phát biểu rất hay: “Hôm nay chúng ta đi từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ mất vài tiếng đồng hồ bay. Nhưng các thế hệ chúng ta đã đi qua mấy chục năm khói lửa chiến trường, bao hy sinh oanh liệt mới đến đích cuối cùng là ngày 30/4”. Những trang sử vẻ vang của dân tộc đã chứng minh hùng hồn những thời khắc cam go ác liệt thì tinh thần, ý chí, niềm tự hào càng phát huy cao độ. Đó là bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” vang lên khi chống giặc Tống năm 1075 hay các bô lão cùng thét vang hai chữ “Sát Thát” (đánh giặc Nguyên) của Hội nghị Diên Hồng. Đó là lúc toàn dân đồng loạt vùng lên xé tan gông xiềng nô lệ “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và Bác Hồ trong cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là hào khí của cuộc tổng chiến công mùa xuân 1975 theo lời hịch mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh của quân đội ta: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam! Quyết chiến! toàn thắng!”. Tinh thần chiến thắng 30/4 luôn tỏa sáng trong thời đại ngày nay đúng như Đại hội Đảng toàn quốc (2/1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sự dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất. Một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn có tính thời đại sâu sắc”.