Những người góp phần làm nên đại thắng

Những ngày này, cả dân tộc đang sống trong bầu không khí hào hùng, bừng bừng khí thế hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa cùng niềm vui chung đó, chúng tôi tìm gặp những người lính năm xưa đã trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, để nghe họ kể về Sài Gòn những ngày tháng Tư rực lửa.

Giữ “mạch máu” thông tin giữa lửa đạn

Buổi sáng một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Phạm Văn Vỹ (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) đúng lúc ông Vỹ và hai người đồng đội cũ cùng thuộc Sư đoàn 341, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 là ông Nguyễn Tiến Dũng (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) và ông Nguyễn Cảnh Vinh (phường Vĩnh Hải) đang cùng nhau trò chuyện. Không khí cuộc gặp mặt giữa ba người lính già thật ấm áp và xúc động, với những kỷ niệm thời chiến, những trận đánh ác liệt, những khó khăn gian khổ đã cùng nhau trải qua… Những câu chuyện được họ kể lại với giọng điệu trầm hùng, xen lẫn tiếng cười và cả những giọt nước mắt, và trên hết là niềm tự hào của những ngày tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử!

Ông Vỹ, ông Dũng, ông Vinh (từ phải qua) chuyện trò ôn lại kỷ niệm những ngày sát cánh chiến đấu năm xưa.

Ông Vỹ, ông Dũng, ông Vinh (từ phải qua) chuyện trò ôn lại kỷ niệm những ngày sát cánh chiến đấu năm xưa.

Ông Vỹ kể: “Năm 1975, tôi là lính thông tin của Đại đội 18 Thông tin, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các đơn vị, từ sở chỉ huy đến các mũi tiến công. Thời điểm đó, thông tin liên lạc là yếu tố sống còn. Nếu thông tin bị gián đoạn, các đơn vị sẽ mất phương hướng, không phối hợp được với nhau, dẫn đến thất bại…”. Đầu tháng 2-1975, từ Lệ Thủy, Quảng Bình, đơn vị ông Vỹ nhận lệnh xuất quân vào chiến trường miền Nam, với khẩu hiệu hành quân “Đi sâu, đi lâu, đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn”. Sau hơn 1 tháng, đơn vị hành quân đến núi Bà Đen, rồi vòng xuống Định Quán (Đồng Nai) và đóng quân trong rừng tre tại đây, bắt đầu chuẩn bị đánh trận đầu tiên tại Xuân Lộc (lúc đó gọi là đánh giải phóng thị xã Long Khánh). Đêm 8-4-1975, đơn vị ông áp sát thị xã Long Khánh để chuẩn bị nổ súng tấn công vào sáng 9-4-1975. Tổ của ông Vỹ được giao nhiệm vụ đi lên hướng Cửa Mở để đón một tiểu đoàn của đơn vị bạn vào đánh phối hợp. “Khi tổ chúng tôi vừa lên đến Cửa Mở, chưa kịp đào hầm thì đột nhiên gặp địch nổ súng. Từ trong thị xã, địch bắn pháo, cối ào ào ra. Rất may ở khu vực đó có vườn chuối của dân rất rộng lớn nên chúng tôi đã kịp chạy vào ẩn nấp an toàn. Khoảng 10 phút sau, pháo quân ta bắt đầu cấp tập nã vào thị xã, lúc đó địch mới dứt tiếng súng, co vào trận địa. Đến tờ mờ sáng, được lệnh xung phong, bộ đội ta hào khí ào ào xông vào trận địa. Địch có hỏa lực rất mạnh, lại có công sự vững chắc, thông thạo địa hình, chúng dựa vào các bức tường, ngách hào để phản kích quyết liệt nên quân ta phải giằng co với địch từng con phố. Phía trên đầu mình thì trực thăng, máy bay trinh sát L19, VO10 xả đạn 12,7 ly và thả lựu đạn xuống, ác liệt lắm. Song với khí thế tấn công táo bạo, thần tốc, chỉ tầm đến trưa, quân ta đã tiến vào chiếm được dinh tỉnh trưởng, giải phóng xong thị xã Long Khánh”.

Những ngày tiếp sau đó, các trung đoàn của Sư đoàn 341 tiếp tục đánh chiếm các căn cứ Núi Thị, Dầu Dây, Suối Tre, rồi thị xã Xuân Lộc, sân bay Tân Sơn Nhất, Chi khu Trảng Bom, Hố Nai, sân bay Biên Hòa… Trong đó, các trận đánh liên tục trong 12 đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Xuân Lộc là ác liệt nhất. “Sau này, khi tổng kết lịch sử, toàn Sư đoàn 341 của chúng tôi có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại đây, hiện đang nằm lại ở Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Lộc. Vì thế, trong chuyến về lại chiến trường xưa lần này, việc đầu tiên chúng tôi làm là đến thắp hương viếng anh linh các đồng đội”, ông Vỹ nói, giọng nghẹn lại. Trên khóe mắt của ba người cựu binh già ngấn lệ!

Vững chắc “lá chắn” phòng không

Với người cựu lính phòng không Ngô Mậu Chiến (phường Phước Long, TP. Nha Trang), những ngày này, ký ức của ngày tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lại ùa về. Đợt này, ông Chiến vinh dự là 1 trong 5 cựu chiến binh tiêu biểu của tỉnh được mời vào TP. Hồ Chí Minh tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các sinh viên nghe cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài kể chuyện chiến đấu năm xưa.

Các sinh viên nghe cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài kể chuyện chiến đấu năm xưa.

Năm 1975, ông Chiến là Trung đội bậc trưởng, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 172, Sư đoàn 77 Phòng không miền Đông Nam Bộ. 50 năm trước, sau khi được lệnh đánh phối hợp với đơn vị Q16 Đặc công đánh chiếm được căn cứ núi Bà Đen, đơn vị của ông xây dựng trận địa phòng không chốt chặn tại đây và bắn rơi 4 máy bay địch. Sau đó, đơn vị ông tiếp tục được lệnh hành quân sáp nhập cùng với Mặt trận 232 đánh từ đồng bằng sông Cửu Long đánh lên lần lượt giải phóng Tân An, Đức Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất… Riêng trong các ngày 25, 27 và 28-4-1975, đơn vị ông Chiến đã liên tiếp tiêu diệt thêm 1 máy bay trinh sát OV10, 2 máy bay A37 của địch.

Trưa 30-4-1975, khi đơn vị đang đóng quân ở Đức Hòa làm nhiệm vụ bảo vệ, thu dọn, giải quyết chiến trường ở khu vực Tiểu khu Đức Hòa, ông Chiến chứng kiến một người đàn ông tay bồng con, tay áp máy radio vào tai rồi nhảy lên reo to: “Ô. Ô. Sài Gòn được giải phóng rồi”. “Lúc đó đúng 11 giờ 30. Nhìn thấy vậy tôi ngớ người ra, lòng dạ hết sức vui sướng nhưng chưa dám nhảy lên ăn mừng, vì đây chưa phải là tin phổ biến của thủ trưởng cấp trên. Thế nhưng, người dân thì cứ hò reo lên ngày một ào ạt. Tôi liền liên lạc lên chỉ huy trung đoàn hỏi và được biết đây là tin chính thức, quân ta đã giải phóng Sài Gòn. Thế rồi tôi vỡ òa vui sướng, nổ phát súng chỉ thiên và hô lên: “Đây là tin chính thức cấp trên phổ biến, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã đầu hàng”, rồi sau đó là một loạt tiếng súng chỉ thiên vang lên của bộ đội mừng chiến thắng, trong niềm vui sướng khôn xiết. Không khí trong thời khắc đó, đến giờ tôi mãi không quên”, ông Chiến nhớ lại.

Cuộc gặp gỡ giữa quá khứ và tương lai

Một ngày cuối tháng Tư, Hội Sinh viên và Đoàn trường Đại học Nha Trang tổ chức đoàn đến thăm, nghe các cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn TP. Nha Trang kể chuyện chiến đấu. Buổi gặp gỡ là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do nhà trường tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài (phường Vĩnh Hòa), các sinh viên được ông kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất về những ngày tháng chiến đấu tại Sài Gòn, về những đồng đội đã ngã xuống, về niềm vui vỡ òa khi chiến thắng. Ông cũng không quên nhắn nhủ các bạn sinh viên phải luôn cố gắng học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sinh viên Vũ Hoàng Bảo Trân - Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Nha Trang chia sẻ: “Chúng em vô cùng xúc động khi được trực tiếp nghe những câu chuyện chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh của các bác cựu chiến binh. Những ký ức này giúp chúng em hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do mà chúng ta đang được hưởng. Chúng em sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện thật tốt, làm hành trang góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Những câu chuyện của ông Vỹ, ông Tài, ông Vinh, ông Dũng, ông Chiến… chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Mỗi người lính, mỗi đơn vị đều có những đóng góp riêng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng cuối cùng. Những ký ức này không chỉ là những trang sử hào hùng, mà còn là bài học quý giá cho thế hệ trẻ. Đó là bài học về lòng yêu nước, về tinh thần đoàn kết, về ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những người lính năm xưa, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng vẫn luôn cháy bỏng trong tim. Họ là những nhân chứng lịch sử, là những người thầy đáng kính của thế hệ trẻ. Những câu chuyện của họ sẽ mãi mãi được lưu truyền, nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do!

THẾ ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202504/nhung-nguoi-gop-phan-lam-nen-dai-thang-54f1a05/
Zalo