TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI HỘI NGHỊ ĐỐI NGOẠI TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Sáng 14/12, tại Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trên toàn quốc có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương; các Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; các nguyên lãnh đạo: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại, Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam…

Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác đối ngoại nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, nhất là trong 35 năm Đổi mới; đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tác động, cơ hội và thách thức đối với công tác đối ngoại cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Hội nghị nhằm quán triệt sâu sắc, toàn diện đường lối, chủ trương, quan điểm về đối ngoại của Đại hội XIII, nhất là những nội dung mới, thể hiện sự phát triển về tư duy đối ngoại của Đảng ta trong quá trình phát triển mới của đất nước, tạo nhận thức thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự đồng lòng của người Việt Nam ở nước ngoài và tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bảo đảm nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới

Báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong 5 - 10 năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, với nhiều biến động to lớn, khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Các thách thức có thể gay gắt hơn, song Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội mới. Trong hoàn cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ Đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Đưa ra ý kiến tham luận tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, bước sang một giai đoạn phát triển mới, Hà Nội đứng trước môi trường hợp tác quốc tế với không ít thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội. Đại dịch COVID-19 tuy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng đang dần được kiểm soát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng phục hồi, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Do đó, công tác đối ngoại địa phương hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi đổi mới tư duy, phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tăng trưởng bền vững.

Phát huy đường lối Đổi mới và những quan điểm trong công tác đối ngoại của Đảng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương với những nội dung cơ bản. Cụ thể: đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào việc hội nhập quốc tế. Đối ngoại thủ đô được triển khai trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị; trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân. Tiếp tục củng cố, mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với thủ đô của các nước và thành phố ở các địa phương của các quốc gia, trong đó tập trung đẩy mạnh quan hệ đối ngoại láng giềng các nước trong khu vực. Ưu tiên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận, cam kết xác lập với các đối tác song phương, tìm kiếm mở rộng hợp tác một cách có chọn lọc.

Đồng thời, thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của thủ đô. Tham gia các diễn đàn cơ chế liên đô thị quốc tế là nhu cầu cần thiết đối với Hà Nội. Hoạt động đa phương tích cực hiệu quả của Hà Nội sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đẩy mạnh đối ngoại kinh tế, từ đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch, phát triển đô thị, môi trường, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… phục vụ kinh tế phát triển bền vững, coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài, phục vụ xây dựng Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại.

Xây dựng, phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XII gần đây, nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Nổi bật là: Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc Đổi mới. Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của toàn thể anh chị em đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu lên một số nội dung lớn liên quan đến công tác đối ngoại. Theo đó, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại; cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương; cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Dẫn chiếu hình ảnh cây tre Việt Nam, mềm mại, nhưng rất kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm về “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc và trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”./.

Hồ Hương- Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=61257
Zalo