Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân

Trưởng Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Quỳnh Liên cho biết, quy định trong Điều 9 dự thảo Nghị quyết thể hiện vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên…

Trưởng Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội Nguyễn Quỳnh Liên. (Ảnh: Quang Vinh)

Trưởng Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội Nguyễn Quỳnh Liên. (Ảnh: Quang Vinh)

Trưởng Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội Nguyễn Quỳnh Liên cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, ngày 5/5/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 195/2025/QH15 về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, căn cứ Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Kế hoạch số 60/KH-MTTW-BTT). Tại Kế hoạch đã xác định đối tượng, nội dung, cách thức cũng như thời gian lấy ý kiến.

Về nội dung lấy ý kiến, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này sửa đổi 08 điều, trong đó có 03 điều liên quan đến Mặt trận, là Điều 9, Điều 10 và Điều 84. Quy định trong Điều 9 dự thảo Nghị quyết thể hiện vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam; Điều 9 cũng quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10), khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam và là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.

Để bảo đảm thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tại Điều 9 phù hợp với tổ chức bộ máy của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sau khi sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương vào MTTQ Việt Nam, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mà không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận.

Vì vậy, tại Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định nội dung lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh vào những nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam.

Về đối tượng, thời gian, bà Liên cho biết, khác với đợt lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (năm 2013), lần này MTTQ được giao lấy ý kiến trong hệ thống tổ chức của mình về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xác định đối tượng lấy ý kiến của hệ thống MTTQ là Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thời gian lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận sẽ đến hết ngày 30/5/2025 để phù hợp với thời gian gửi báo cáo tới Chính phủ (qua Bộ Tư pháp). Để đạt được mốc thời gian này, Ban Thường trực đã đề nghị Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận lấy ý kiến trong đoàn viên, hội viên; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến của ủy ban Mặt trận các cấp trên địa bàn, các ủy viên Ủy ban, Hội đồng tư vấn; gửi báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam trước ngày 22/5/2025.

Về cách thức lấy ý kiến, việc lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam được tiến hành với 03 hình thức: Góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Góp ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương các cấp.

Với các hình thức trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức các hoạt động lấy ý kiến với nhiều cách thức đa dạng vì đối tượng lấy ý kiến của Mặt trận rất rộng rãi, bao gồm các tổ chức thành viên, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, Hội đồng tư vấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến rộng rãi, bao quát các đối tượng. Tại Kế hoạch, Ban Thường trực dự kiến tổ chức các Hội nghị như sau:

(1) Hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban Thường trực các thời kỳ; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (trong khoảng thời gian từ ngày 06/5/2025 đến ngày 20/5/2025).

(2) Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên (trong khoảng thời gian từ ngày 06/5/2025 đến ngày 20/5/2025).

(3) Hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực pháp luật (trong khoảng thời gian từ ngày 06/5/2025 đến ngày 20/5/2025).

(4) Hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến của các Hội đồng tư vấn (Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật phối hợp với Ban Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn tổ chức) (trong khoảng thời gian từ ngày 06/5/2025 đến ngày 20/5/2025).

Tại mỗi hội nghị, Ban Thường trực đều chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến riêng để làm cơ sở, chất liệu cho báo cáo tổng hợp của hệ thống Mặt trận.

Song song với đó, Ban Thường trực cũng chỉ đạo tổng hợp kết quả lấy ý kiến từ các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp. Tổ chức nghị trực tiếp/trực tuyến góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo; Chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo gửi Chính phủ.

Xuyên suốt quá trình lấy ý kiến, Ban Thường trực sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến bằng các hình thức phù hợp; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ được đề ra trong Kế hoạch.

Thịnh Đạt

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mat-tran-to-quoc-viet-nam-la-to-chuc-trung-tam-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-post548462.html
Zalo