Tổng Bí thư cảnh báo việc mắc bẫy công nghệ lạc hậu, giá rẻ
'Mình phải biết đi tắt đón đầu. Thế giới phát triển mà mình không biết người ta đến đâu, cứ theo người ta thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau', Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáng 15/2, thảo luận tại tổ ở kỳ họp Quốc hội bất thường, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ một số quan điểm vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo chương trình kỳ họp, nghị quyết này sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 19/2.
Trở thành bãi rác công nghệ nếu đấu thầu ham rẻ
Theo Tổng Bí thư, nghị quyết của Quốc hội là rất quan trọng, rất gấp. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã ban hành từ cuối 2024, nhưng nếu theo quy trình thông thường, để đi vào được cuộc sống thì phải chờ sửa luật liên quan, có thể kéo dài nhiều năm. Như vậy, hàng loạt tinh thần đột phá của Nghị quyết 57 sẽ không có ý nghĩa gì.
"Ai cũng thấy giá trị, sự cần thiết của khoa học công nghệ (KHCN), nhưng tại sao không phát triển được?", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
![Tổng Bí thư: Chúng ta cứ nghĩ người ta cho mình công nghệ tiên tiến, nhưng thực tế là lạc hậu rồi. Ảnh: Việt Linh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51483677/c2ea117f2231cb6f9220.jpg)
Tổng Bí thư: Chúng ta cứ nghĩ người ta cho mình công nghệ tiên tiến, nhưng thực tế là lạc hậu rồi. Ảnh: Việt Linh.
Theo Tổng Bí thư, kể cả sửa Luật KHCN không cũng chưa đủ thúc đẩy KHCN phát triển. Đấu thầu với lĩnh vực KHCN theo Luật Đấu thầu như hiện nay thì "chỉ có mua đồ rẻ".
"Đấu thầu là để mua đồ rẻ, không ai khuyến khích mua đồ đắt tiền cả, thế thì mình sẽ trở thành bãi rác của KHCN. Thậm chí người ta cho mình những công nghệ lạc hậu", Tổng Bí thư nói.
Thế giới người ta đã đi đến 20G rồi, tốc độ phát triển kinh khủng
Tổng Bí thư Tô Lâm
Dẫn ví dụ thực tế về công nghệ 5G, 6G, Tổng Bí thư cho biết thế giới đã phát triển với tốc độ kinh khủng, đến 20G rồi. Khi vệ tinh tầm thấp bao phủ thì sẽ không còn những công nghệ như 5G nữa.
"Mình đang rất muốn công nghệ 5G, trong khi nếu đấu thầu thì sẽ có tình trạng: Tôi tặng luôn anh. Kết quả là đưa được thiết bị cho người khác dùng để tôi có đất đặt công nghệ 20G của tôi vào; thứ hai là anh chỉ có 5G đã sướng lắm rồi nên anh luôn luôn tụt hậu so với sự phát triển của tôi. Mình trở thành bãi rác vì những chuyện như vậy", Tổng Bí thư nói.
Người đứng đầu Đảng cho rằng chúng ta đi sau, phải biết đi tắt đón đầu trong lựa chọn công nghệ. Thế giới phát triển mà mình không biết người ta đến đâu, cứ theo người ta thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau. Chúng ta cứ nghĩ người ta cho mình công nghệ tiên tiến, nhưng thực tế là lạc hậu rồi.
Ông nhắc lại nếu cứ máy móc theo Luật Đấu thầu, chúng sẽ vấp phải điều này. Thậm chí "người ta cho không và mình mắc bẫy". Tổng Bí thư cảnh báo chúng ta cần tránh bài học của một số nền kinh tế đã không thể phát triển được khi đổ vốn đầu tư vào công nghệ cũ và mắc kẹt.
"Mình lại đi vào vết xe này nữa là mình chết. Mình phải thoát ra như thế nào, đó là vấn đề cần phải gỡ", Tổng Bí thư nói.
Không phải chỉ lo thu ngân sách nhiều
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư cũng nêu một số bất cập trong vấn đề đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công - công, công - tư và cho rằng chúng ta chưa thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, việc vừa qua Chính phủ miễn, giảm thuế và kết quả giúp tăng thu là một kinh nghiệm quản lý rất đáng quan tâm.
"Hôm trước họp Chính phủ, nghe Thủ tướng nói tôi rất xúc động. Chúng ta miễn, giảm thuế khuyến khích người dân doanh nghiệp phát triển, giảm lãi cho vay. Lãi 5-7% thì người ta không sản xuất kinh doanh, xã hội không phát triển được. Hạ lãi vay thì nhiều người tham gia sản xuất kinh doanh, nhiều người vay hơn và ngân hàng thu về được nhiều lợi nhuận hơn", Tổng Bí thư chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học công nghệ là một miền đất hoang vu, mạo hiểm nhưng ai trúng thì sẽ thắng lớn
Tổng Bí thư Tô Lâm
Ông cho rằng, chúng ta là khuyến khích sản xuất kinh doanh, chứ không phải lo thu nhiều. Chính sách này phải được tính toán trong các văn bản pháp luật, khuyến khích doanh nghiệp, ví dụ trường đại học phải kết gắn với doanh nghiệp.
"Nghiên cứu khoa học công nghệ là một miền đất hoang vu, mạo hiểm nhưng ai trúng thì sẽ thắng lớn. Còn thênh thang ai cũng đến được thì dễ quá", Tổng Bí thư nói và đồng ý với quan điểm cần có dư địa thời gian khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng đã nhìn nhận được vấn đề đó.
Ông mong muốn các đại biểu Quốc hội góp ý để sớm thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cần tiếp tục sửa và cần có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, trước hết là Luật KHCN.
Phát biểu tại diễn đàn phát triển công nghệ số hồi giữa tháng 1, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận những thành tựu của ngành công nghiệp công nghệ trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chưa đóng góp nhiều vào chuỗi giá trị.
Theo dữ liệu thống kê, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu về xuất khẩu điện thoại thông minh, linh kiện máy tính, gia công phần mềm, linh kiện điện tử. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được chưa cao khi doanh nghiệp trong nước đóng góp ít vào chuỗi giá trị. "Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là 'ngộ nhận', là 'tự huyễn' hoặc, là 'tự ru mình' không?'", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm “lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì. Trong các mục tiêu được đưa ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc gia tăng năng lực cạnh tranh. Trong đó, chúng ta cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.