Tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là góp phần làm giàu giá trị văn hóa Việt Nam

Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa đặc sắc

Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau. Ở đây, tiếp cận ở góc độ văn hóa với ý nghĩa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử, được cộng đồng xã hội tự nguyện lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua các chuỗi sự kiện trong đời sống hằng ngày. Khi giá trị văn hóa định hình trở thành yếu tố cơ bản sẽ quy định các chuẩn mực, triết lý sống và định hướng hành vi của con người.

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dễ nhận ra những nét giá trị văn hóa đặc sắc có tính chất truyền thống của người Việt. Đó là văn hóa giữ nước với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, toàn dân đánh giặc; đó là hào khí Đông A ngút trời với lời thề “Sát Thát” để bảo vệ non sông; đó là tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ)... Lòng yêu nước hòa quyện với lòng thương yêu đồng bào, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng cam cộng khổ vượt mọi khó khăn, khoan dung, độ lượng, sống nhân ái, yêu thương, lá lành đùm lá rách... đã tạo nên nét đẹp của con người và văn hóa Việt Nam.

Chiến sĩ Trung đoàn 228 (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân) cổ vũ, hưởng ứng Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ảnh: PHÚ SƠN

Chiến sĩ Trung đoàn 228 (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân) cổ vũ, hưởng ứng Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ảnh: PHÚ SƠN

Soi chiếu vào hoạt động quân sự, các giá trị văn hóa của dân tộc luôn lấp lánh, được tiếp nối hình thành nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa quân sự. Ngay từ khi mới thành lập, những đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã hô vang 10 lời thề danh dự. Những lời thề vang vọng giữa núi rừng từ thuở sơ khai nhưng là kết tinh những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam, đó là: Lòng trung thành, đức hy sinh, tinh thần chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, ham học hỏi, cầu tiến bộ, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, gắn bó, đoàn kết quân dân...

Lá cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1964), Bác Hồ đã khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời dạy của Bác đối với bộ đội “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân” hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, trở thành giá trị cốt lõi có sự gắn kết giữa đặc trưng văn hóa quân sự với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu cao quý mà nhân dân trao tặng riêng cho cán bộ, chiến sĩ của QĐND Việt Nam. Đây là một hiện tượng rất độc đáo, riêng có trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Việt Nam, gắn hình ảnh bộ đội với vị lãnh tụ của dân tộc, vừa gần gũi, thân thiết, vừa thiêng liêng, cao quý. Lãnh tụ Hồ Chí Minh được nhân dân ta và bạn bè trên thế giới yêu mến, kính trọng. Người là biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân gọi Bộ đội Cụ Hồ là chọn một nhân cách lớn để trao tặng danh xưng, danh hiệu cho cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ chỉ riêng những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Đó là đội quân chiến đấu cùng với nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên giành chính quyền, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đội quân đó đã làm tốt chức năng đội quân công tác, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân. Ví như trong đợt giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra, bộ đội đi đầu trong phòng, chống bão, lũ. Những chiến sĩ không quản vất vả, hiểm nguy dầm mình trong mưa lạnh, bùn lầy để tìm kiếm, cứu nạn người dân. Khi chia tay, bà con lưu luyến dành những lời biết ơn sâu sắc đối với bộ đội. Đó còn là đội quân lao động sản xuất, gắn kinh tế với quốc phòng, bảo đảm nguồn lực tự chủ để xây dựng Quân đội vững mạnh, đóng góp vào nền kinh tế của đất nước. Các đoàn kinh tế-quốc phòng tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, góp phần giữ vững địa bàn chiến lược, giữ vững "thế trận lòng dân" ở vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Tất cả nhiệm vụ đó bộ đội đều hoàn thành xuất sắc, để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân. Điều đáng quý hơn là dù được dân tin, dân mến muôn phần nhưng bộ đội ta vẫn luôn khiêm tốn, giản dị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, cốt cách của người quân nhân cách mạng, tôn trọng pháp luật, giữ gìn kỷ luật tự giác, nghiêm minh.

Tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là cần thiết, xứng đáng

Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp nên từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của QĐND Việt Nam.

Quá trình hình thành danh xưng Bộ đội Cụ Hồ luôn gắn với những giá trị cụ thể như những phẩm chất đặc trưng tiêu biểu của người quân nhân cách mạng kết tinh những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam.

Tôi rất đồng tình, ủng hộ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn hóa về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cụ thể: GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại”; nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng: “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Bộ đội Cụ Hồ-một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay”. GS, TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất: “Cần có cách làm bài bản, khoa học để tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ”...

Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ luôn nhận được sự kính trọng, tin yêu, quý mến của nhân dân. Các cơ quan chức năng khi nhắc đến danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ luôn dành tình cảm trân quý đặc biệt. Chính sự ủng hộ của xã hội là điều kiện thuận lợi để đề nghị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Cùng với việc quan tâm đề nghị danh hiệu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì việc chăm lo giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu cũng hết sức quan trọng. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ rất cao quý nhưng không phải là một giá trị nhất thành bất biến mà phải tiếp tục bồi đắp bền bỉ, lâu dài, để danh hiệu đã đẹp càng đẹp hơn nữa, đã sáng càng sáng hơn nữa.

Muốn giữ vững danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trước hết là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

Mỗi quân nhân luôn nhận thức được niềm vinh dự, tự hào khi được nhân dân tin yêu trao tặng danh hiệu cao quý và càng phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân, để “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu, quý trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/ton-vinh-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-la-gop-phan-lam-giau-gia-tri-van-hoa-viet-nam-806595
Zalo