Tối ưu hóa quản lý và phân phối lợi nhuận để tăng hiệu quả vốn nhà nước

Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sáng nay (13/5), một trong các nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm là tối ưu hóa quản lý và phân phối lợi nhuận để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Các đề xuất về huy động vốn linh hoạt, xử lý chi phí đầu tư thất bại, và giữ lại lợi nhuận cho dự án chiến lược không chỉ tăng tính chủ động mà còn đảm bảo nguồn lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Huy động và cho vay vốn để tăng tính chủ động

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giải quyết các bất cập trong quản lý vốn nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn Quảng Ninh cho biết, bà ủng hộ phương án 1 tại khoản 3 Điều 18, cho phép doanh nghiệp quyết định cho các công ty con nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn, với giá trị một lần vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu, và tổng giá trị khoản vay không vượt số vốn góp thực tế. Bà đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định nguồn vốn và lãi suất cho vay, không yêu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh hay xin giấy phép như tổ chức tín dụng, nhằm tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ công ty con với chi phí hợp lý nhờ hệ số tín dụng tốt của công ty mẹ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang cho rằng, quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng tính từ lợi nhuận sau thuế tại khoản 2 Điều 32 là chưa phù hợp, vì đây là chi phí hợp lý theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bà đề xuất đưa các khoản này vào chi phí hợp lý, áp dụng cho người lao động, người đại diện, và kiểm soát viên làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, để đảm bảo nguyên tắc thị trường, tránh gánh nặng ngân sách khi doanh nghiệp lỗ, và chi trả kịp thời, không phụ thuộc quyết toán theo năm.

Đại biểu Nguyễn Công Vân, đoàn Bình Phước, cho biết, khoản 2 Điều 29 về đầu tư vào công ty con cần sử dụng khái niệm “trên 50% vốn chủ sở hữu” hoặc “dưới 50% vốn chủ sở hữu” để rõ ràng. Ông đề xuất bổ sung cơ chế cho phép doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, như công nghệ cao, nhằm tăng nguồn lực phát triển dài hạn, đảm bảo hiệu quả quản lý vốn.

Phân phối lợi nhuận và bảo vệ quyền tài sản

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho biết, quy định phân phối lợi nhuận sau thuế tại Điều 25 là bước tiến, nhưng tiêu chí “mức độ hoàn thành nhiệm vụ quốc gia” tại khoản 2 là chưa rõ ràng, khó thuyết phục. Ông đề xuất bỏ tiêu chí này, ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển trước quỹ khen thưởng, và cho phép doanh nghiệp tiên phong giữ lại toàn bộ lợi nhuận để thực hiện dự án trọng điểm. Ông cũng kiến nghị sử dụng khoản hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và hạ tầng, phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW, để tăng nguồn lực.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp thì cho rằng, cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ tại khoản 4 Điều 25, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách. Ông đề xuất cho phép doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận trong các trường hợp đặc thù, như dự án trọng điểm, để tránh tình trạng nộp ngân sách rồi xin lại vốn, giúp doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện các dự án chiến lược.

Đại biểu Trần Văn Nam, đoàn Bình Dương ủng hộ phương án 1 tại khoản 1 Điều 25, cho phép sử dụng lợi nhuận sau thuế để xử lý chi phí đầu tư thất bại, nhưng đề xuất bổ sung cơ chế giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Ông nhấn mạnh rằng quy định này cần rõ ràng để doanh nghiệp chủ động triển khai, gắn với cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Đại biểu Lê Minh Châu, đoàn Cần Thơ đề nghị bổ sung quy định yêu cầu đánh giá tác động tài chính trước khi chuyển nhượng vốn nhà nước tại Điều 20, với báo cáo thẩm định độc lập, để đảm bảo không gây thất thoát vốn. Ông đề xuất bảo vệ quyền tài sản của bên mua trung thực trong đấu giá công khai, minh bạch, nhằm tăng tính minh bạch và quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/toi-uu-hoa-quan-ly-va-phan-phoi-loi-nhuan-de-tang-hieu-qua-von-nha-nuoc-164087.html
Zalo