Có thể xuất hiện các cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán trong tháng 5
Trong báo cáo chiến lược tháng 5, Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng 2-3 tháng tới là thời điểm sẽ xuất hiện các diễn biến vĩ mô quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt về kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là kết quả thỏa thuận thương mại Việt Nam – Mỹ.
Đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ rất quan trọng
Theo ABS, tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất thu hẹp trong tháng 4, sản lượng và đơn hàng mới đều sụt giảm, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp cho thấy sự lo ngại về triển vọng ngành sản xuất trong tương lai. Thương mại hàng hóa có dấu hiệu chững lại và FDI quay đầu sụt giảm, phần nào phản ánh tác động của các biện pháp thuế đối ứng của Mỹ.
Đầu tư công được đẩy mạnh, chính sách kích cầu du lịch phát huy hiệu quả cùng với bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giữ vững đà tăng trưởng hai chữ số là điểm sáng của nền kinh tế.

Hiện trạng này lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc đàm phán thương mại Việt Nam – Mỹ vì thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ thương mại cân bằng như giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa Mỹ về 0%, tăng cường mua hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại (LNG, máy bay, hàng hóa công nghệ cao…) siết chặt quản lý nguồn gốc xuất xứ với hàng hóa xuất khẩu, ngăn chặn gian lận thương mại… Tuy vậy, việc đàm phán dự báo sẽ khó khăn và kéo dài, do Việt Nam là một trong các nước có thặng dư thương mại với Mỹ cao nhất.
Trên thị trường tài chính, lợi suất TPCP (trái phiếu chính phủ) Mỹ tăng cao sau khi có tin thuế đối ứng khiến vấn đề điều hành tỷ giá VND/USD càng thêm khó khăn khi lãi suất tại Mỹ cao hơn lãi suất tương ứng tại Việt Nam, ảnh hưởng dòng chảy của dòng vốn quốc tế từ Việt Nam quay trở lại Mỹ.

Ngoài ra, việc Việt Nam phải tăng cường mua vào USD nhằm đáp ứng cho nhu cầu tương lai tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cải thiện cân bằng thương mại với nước này cũng gây thêm sức ép lên tỷ giá.
Giá vàng cũng tăng mạnh vì ngoài yếu tố giá vàng thế giới tăng, còn được cộng hưởng với tỷ giá VND/USD tăng. Những điều này bất lợi cho dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh khó khăn này, Việt Nam có nhiều chính sách huy động và củng cố nội lực, thông qua các chính sách đầu tư công, nới lỏng tín dụng, cải cách thể chế, ưu tiên tập trung phát triển khoa học công nghệ (Nghị quyết 57), ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, phí…), tiêu dùng (tiếp tục giảm thuế VAT), mở rộng an sinh xã hội…
Yếu tố được coi là tích cực là Fed mới đây đã thực hiện việc đấu thầu trực tiếp mua vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm với hơn 14 tỷ USD, khiến thị trường kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm chấm dứt việc Thu hẹp tiền tệ (QT). Nếu hành động này diễn ra ổn định trong thời gian 3-6 tháng tiếp theo, có thể coi đây là điểm đảo chiều chính sách của Fed.
Ngoài ra, thời điểm Fed được dự báo sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất là trong kỳ hợp tháng 6 hoặc tháng 7 tới (và sau đó sẽ là 2 lần cắt giảm nữa trong tháng 10 và tháng 12/2025), giúp giảm nhẹ áp lực về tỷ giá, tiền tệ cho kinh tế thế giới.
Như vậy, có thể thấy thời gian 2-3 tháng tới là thời điểm sẽ xuất hiện các diễn biến vĩ mô quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt về kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là kết quả thỏa thuận thương mại Việt Nam – Mỹ. Theo đó, có thể xuất hiện các cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán, nơi thường phản ứng trước các thông tin kinh tế đưa ra.
Về mặt định giá, với sự hồi phục trong tháng 4 và đầu tháng 5, P/E của VN-Index cho 4 quý gần nhất đã tăng từ mức 10,86x tại ngày 9/4 lên 12,12 tại ngày 9/5, thấp hơn mức trung bình 3 năm ở mức 13,13x.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 10,89x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (15,06x) và VNSML (13,41x). Các mức P/E này đều thấp hơn mức trung bình 3 năm qua, cho thấy mức định giá hiện tại vẫn còn khá hấp dẫn.
Riêng chỉ số VN30 đang có P/E chỉ cao hơn một chút so với mức -2 lần độ lệch chuẩn trung bình 3 năm ở mức 10,51x.
ABS dự báo diễn biến VN-Index trong tháng 5 với 2 kịch bản
Trong kịch bản xác suất cao, ABS phân tích giai đoạn này khi thuế đối ứng đang được tạm hoãn áp dụng, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ duy trì yếu tố tích cực tăng lên 1250-1266-1280 điểm. Nếu VN-Index giữ được mốc hỗ trợ 1 tại 1200-1225 điểm, vị thế của giá nằm trên MA10 ngày, nhà đầu tư có tiếp tục giao dịch mua lên cho tới khi xuất hiện yếu tố đảo chiều ở phía trên của kháng cự.
Ngược lại, khi dòng tiền chung vẫn đang còn yếu, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng nếu thị trường không giữ được mốc Hỗ trợ 1. Như vậy, kịch bản giao dịch của ngắn hạn là trong khung 1220 -1280 điểm.
“Các nhóm cổ phiếu chúng tôi đã đề xuất trong BCCL tháng 4 và các báo cáo tuần như hàng xuất khẩu (Dệt may, Thủy sản…), Ngân hàng, Chứng khoán, Phân phối khí LNG, Đầu tư công, Thực phẩm, Phân bón… đang giữ được trạng thái vận động tốt của quá trình hồi phục”, chuyên gia công ty chứng khoán này phân tích.
Trong kịch bản xác suất thấp, các yếu tố kinh tế - tài chính thế giới tiêu cực diễn ra mạnh hơn, không có nhiều cải thiện đáng kể về triển vọng các thỏa thuận thương mại có thể khiến thị trường mất đi điểm tựa tâm lý, gây ra áp lực giảm tiếp diễn về các vùng hỗ trợ sâu hơn.
Áp lực với nhà đầu tư đang giữ hàng sẽ lớn hơn nhiều khi dòng tiền và hàng không còn cân đối. Đây là kịch bản không tốt với thị trường chung, nhưng được đánh giá là cơ hội mua đối với nhà đầu tư trung hạn và dài hạn tiếp tục phân bổ vốn mua khi thị trường điều chỉnh.