Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Ngày 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Chính sách cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc giảm 2% thuế suất GTGT là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025. Chính sách này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện tại khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, song vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí sản xuất cao, sức mua trong nước cải thiện nhưng chưa mạnh.

Theo đánh giá từ năm 2022 đến đầu năm 2025, việc giảm thuế GTGT đã góp phần tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Mức thuế GTGT hiện hành là 10%; việc giảm 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tiếp cận thị trường thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết

Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết

Chính phủ khẳng định, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế phù hợp với chủ trương của Đảng, định hướng của Quốc hội, đồng thời gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2025 và chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất giảm 2% thuế suất GTGT từ mức 10% xuống còn 8% cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Chính sách không áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 0%, 5% hoặc không thuộc diện chịu thuế. Đồng thời, các mặt hàng như tài nguyên khoáng sản, sản phẩm kim loại, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, các dịch vụ viễn thông, tài chính – ngân hàng – chứng khoán, bất động sản… cũng nằm ngoài phạm vi giảm thuế.

Thời gian thực hiện đề xuất từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Bộ Tài chính được giao hướng dẫn triển khai, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo tính toán của Chính phủ, chính sách này dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 131 nghìn tỷ đồng trong 18 tháng áp dụng. Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng và năm 2026 giảm khoảng 42,2 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ lớn hơn: giảm giá thành sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao sức mua nội địa và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Băn khoăn về hiệu quả và tính bền vững

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Kinh tế đồng tình với sự cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT. Việc ban hành một nghị quyết riêng được cho là phù hợp với tính chất quan trọng và phạm vi ảnh hưởng rộng của chính sách.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc liên tục gia hạn chính sách có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách thuế, làm giảm dư địa điều hành tài khóa trong tương lai. Một số đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ tác động đối với thu ngân sách nhà nước, đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu an toàn tài chính và nợ công.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ tiêu chí loại trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế, đồng thời xem xét mở rộng phạm vi áp dụng trong một số trường hợp để đảm bảo công bằng, phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế và tác động của tình hình thương mại toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra

Về thời gian thực hiện, phần lớn ý kiến thống nhất với đề xuất kéo dài đến hết năm 2026. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên kéo dài đến cuối năm 2025, sau đó căn cứ tình hình thực tế để tiếp tục xem xét điều chỉnh.

Kết luận nội dung thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất GTGT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban nhấn mạnh, cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách khi thực hiện nghị quyết, tổng hợp tác động từ các chính sách giảm thu khác và các nhiệm vụ chi ngân sách phát sinh từ nay đến cuối năm. Những nội dung này cần được thể hiện rõ trong báo cáo đánh giá tình hình tài chính – ngân sách năm 2025, làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2026.

Chính phủ cần chịu trách nhiệm điều hành, đảm bảo cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi đã được Quốc hội quyết định.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính trân trọng đề nghị Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về các nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết: sự cần thiết ban hành, hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh, thời hạn áp dụng và các nội dung có liên quan khác. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quoc-hoi-xem-xet-du-thao-nghi-quyet-giam-2-thue-gtgt-de-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-post1199077.vov
Zalo