Tôi nghỉ việc, đi xuyên Việt một năm
Một mình, một xe tôi rời Hà Nội, hướng về phương Nam, băng qua những cung đường ven biển, đèo dốc trập trùng, rừng già xanh thẳm và những con suối len lỏi giữa núi đồi.

Tôi dành một năm đi xuyên Việt và sống du mục.
Từ một chuyến đi xuyên Việt, tôi bước vào hành trình thay đổi cả cuộc đời. Ban đầu, tôi khởi hành để thực hiện giấc mơ rong ruổi bằng xe máy. Nhưng rồi câu hỏi "Tại sao không thử sống khác đi một lần?" cứ lặp đi lặp lại trong đầu.
Tôi quyết định sống như một kẻ du mục, gần gũi thiên nhiên, sống chậm lại, tự do và kiếm sống từ chính đam mê của mình.
Tôi là Minh Hằng, 30 tuổi, một người yêu nhiếp ảnh tự do tại Hà Nội. Tháng 5/2024, tôi nghỉ việc, dùng tiền tiết kiệm để thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu: đi xe máy xuyên Việt.
4 tháng hè ở Vĩnh Hy
Một tháng trước ngày khởi hành, tôi báo với mẹ. Bà sốc và phản đối quyết liệt. Nhưng tôi hiểu đó là nỗi lo lắng thường tình của một người mẹ. Tôi nhẹ nhàng thuyết phục, để mẹ yên tâm. Cuối cùng, tôi trở về an toàn, như một lời khẳng định: "Con có thể làm được".
Hành trình được chia thành 5 chặng. Chặng đầu tiên, tôi chạy dọc ven biển từ Hà Nội đến Bình Thuận. Có nơi chỉ định dừng lại vài hôm, nhưng rồi lưu lại lâu hơn dự tính, như khi làm tình nguyện viên tại một nông trại ở Đà Nẵng, hay khi nằm nghỉ ốm sốt mấy ngày ở Phú Yên.
Theo kế hoạch, tôi sẽ trở lại Hà Nội với nhịp sống cũ. Nhưng khi dừng chân ở Phú Yên, ý tưởng về một cuộc sống trải nghiệm tại thành phố biển bắt đầu nhen nhóm. Khi đó tôi chưa sẵn sàng đưa ra quyết định, nhưng biết rằng hạt mầm đã được gieo vào lòng mình.

Trên hành trình tôi lái xe từ Vũng Rô sang Đèo Cả, con đường ven biển Phú Yên khiến tôi "choáng ngợp".
Ninh Thuận – nơi tôi từng ghé qua vào năm 2022 – đã để lại cảm xúc đặc biệt trong tôi. Hai năm sau, tôi quay lại và có cơ hội sống lâu hơn, hiểu hơn về vùng đất này. Một người chị đã âm thầm kết nối tôi với Vĩnh Hy, nơi mở ra chương 2 của hành trình, nơi tôi sống 4 tháng hè như kẻ du mục.
Vĩnh Hy là một làng chài nhỏ, nhưng nơi tôi ở lại bao quanh núi rừng, là nơi người đồng bào Raglai sinh sống. Dân làng thân thiện, có cô hàng xóm hay sang tưới cây, nhóm lửa giúp tôi. Ở góc đầu đường, có bà bán bánh mì chả cá, bánh canh, bún thịt nướng. Lần nào tôi gọi cốc mủ trôm (loại cây có vị ngọt thanh mát), bà cũng dặn: "Vắt thêm cho nhỏ này quả cam nữa".
Những khoảnh khắc giản dị ấy, tiếng suối róc rách ngày đêm, trẻ con cầm ổi đổi kẹo, thác nước đổ trắng trời sau cơn mưa lớn, đã khiến tôi yêu vùng đất này lúc nào không hay. Tôi chỉ định ở lại 5 ngày, thành 7 ngày, 15 ngày. Rồi anh chủ nơi tôi thuê trọ đã đề nghị: "Hay ở lại làm việc cho anh luôn, anh đang cần người".
Trước khi rời đi, tôi nán lại để dự lễ hội Katé – lễ lớn nhất của người Chăm tại Phan Rang – Tháp Chàm. Có dịp ở lại nhà người bản địa, tôi theo chân họ từ lúc chuẩn bị đến ngày đại lễ, lắng nghe những câu chuyện văn hóa đầy màu sắc mà trước giờ chỉ biết qua sách vở.
Những ngày cuối, tôi dậy sớm hơn, tranh thủ đi chơi, chụp ảnh, lưu giữ thật nhiều hình ảnh về miền đất nhiều đá, nhiều nắng, nhiều gió ấy.




Tôi đã có những tháng ngày sống như kẻ du mục ở Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận).
"Đổi gió" ở Măng Đen
Hết mùa biển, tôi vòng lên Tây Nguyên cho chặng thứ 3 của hành trình, sống 4 tháng ở Măng Đen (Kon Tum). Người ta gọi đây là "Đà Lạt của 15 năm trước", nhưng tôi không thấy vậy. Đà Lạt là Đà Lạt, Măng Đen là Măng Đen – hai nhịp sống, hai sắc thái hoàn toàn khác nhau.
Tôi nhanh chóng hòa mình vào nhịp sống chậm rãi nơi đây. Có người nói đùa rằng: "Ở Măng Đen, đến con ruồi bay còn chậm nữa là con người".
Tôi nấu ăn, đọc sách dưới tán thông, để ánh nắng tràn vào phòng khách, hay đôi khi chỉ ngồi yên lặng nghe thông reo. Hôm nào trời lạnh quá thì… trùm chăn ngủ, cho phép mình nghỉ ngơi sau chặng đường dài đã qua.
Nếu mùa hè ở Vĩnh Hy tôi đi bơi để giữ thể lực, thì đông về ở Măng Đen, tôi chuyển sang chạy bộ. Những cung đường thẳng tắp giữa rừng nguyên sinh tạo cảm giác như thiên nhiên đang chạy cùng mình.
Trước khi chia tay Măng Đen, tôi may mắn được chứng kiến mùa hoa anh đào nở rộ đẹp nhất trong nhiều năm trở lại đây, theo lời người dân địa phương.




Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại Măng Đen và Pleiku.
Ngày 20 tháng Chạp (tức 19/1 dương lịch), tôi lên đường trở về miền Bắc qua cung đường Trường Sơn. Chặng hành trình thứ 4 với những cung đường uốn lượn, ngoằn ngoèo, hoang sơ và hùng vĩ. Có lúc chạy cả trăm cây số tôi không gặp lấy một ngôi nhà, chỉ có trạm kiểm lâm cô đơn giữa rừng.
Tôi phải tính toán kỹ để mỗi ngày đều đến được nơi có nhà nghỉ trước khi trời tối. Những cung đường đi qua Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình – dấu tích của một Việt Nam kiên cường trong chiến tranh – khiến tim tôi rung lên từng hồi.
Sau 5 ngày lái xe liên tục, tôi về đến Hà Nội an toàn, đón Tết bên gia đình sau gần một năm xa nhà.

Con thác nhỏ trên cung đường Trường Sơn.
Sau Tết, tôi tiếp tục hành trình. Miền Bắc chào đón tôi bằng một mùa hoa rực rỡ chưa từng thấy. Tôi chạy xe giữa mùa hoa mận ở Mộc Châu, trở lại Hà Giang, lần đầu đến Cao nguyên trắng Bắc Hà và ghé thăm mùa hoa sơn tra ở Nậm Nghiệp (tỉnh Sơn La).
Đó là mùa xuân mà tôi cảm thấy "được sống" trọn vẹn nhất, kết thúc chặng hành trình cuối cùng của một năm xuyên Việt và sống du mục.




Tôi săn mây ở Hà Giang, đi giữa rừng hoa mận Mộc Châu, ghé thăm mùa hoa sơn tra ở Nậm Nghiệp.
Đánh đổi
Ngay từ đầu hành trình, tôi hiểu tự do luôn đi kèm đánh đổi. Người ta nhìn những bức ảnh lung linh tôi đăng lên mạng và bảo "giàu có", "sung sướng", nhưng mấy ai biết tôi đã từ bỏ công việc 3 năm, đối mặt với sự xa cách trong các mối quan hệ và có những lúc ví tiền chỉ còn vài đồng hay những sự cố bất ngờ trên đường.
Tự do cũng đi kèm với cô đơn. Mọi quyết định đều do mình đưa ra, từ nơi đến, món ăn, thời gian dừng chân. Nhưng khi có chuyện xảy ra, cũng chỉ một mình đối diện. Những lúc tưởng như sụp đổ, "người" duy nhất luôn ở bên tôi là thiên nhiên.
Trên cơ thể tôi giờ có thêm vài vết sẹo minh chứng cho những lần vấp ngã nhưng tôi không muốn xóa đi. Chúng là một phần của hành trình, là niềm tự hào của tôi.
Một năm xuyên Việt và sống du mục đã giúp tôi học cách lắng nghe trái tim, tập sống cho hiện tại, đối diện với tổn thương, buông bỏ những điều không còn quan trọng và dần nhận ra nội lực trong mình lớn hơn tôi nghĩ.

Tôi trưởng thành hơn sau một năm xuyên Việt và sống du mục.
Mỗi nơi tôi đi qua là một lát cắt ký ức, mỗi người tôi gặp là một mảnh ghép cảm xúc. Có niềm vui khiến tôi cười quên cả đất trời, cũng có nỗi buồn khiến nước mắt rơi trong lặng lẽ.
Nhưng sau tất cả, đó là một năm tôi thật sự sống: không lịch trình, không khuôn mẫu, chỉ có tôi và cuộc đời đang đồng hành cùng nhau.
Giờ nhìn lại, tôi vẫn rưng rưng cảm xúc. Một năm thôi, mà như đã đi qua cả một kiếp người. Một năm mở ra một chương mới và một năm đủ để nhận ra: chỉ cần can đảm bước khác đi, cả thế giới bên trong mình sẽ mãi mãi đổi thay.