Tôi leo núi

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ấy: mệt bở hơi tai, miệng thở dốc, chân mỏi nhừ, và lòng tự nhủ lòng: Sao lại phải khổ thế? Ấy là lúc tôi đang ở lưng chừng một con dốc rất dài.

Tác giả giữa rừng trên đường leo

Tác giả giữa rừng trên đường leo

Ngọn núi đầu tiên tôi leo là Fansipan, cao 3.143m. Có lẽ không cần nói thì ai cũng biết đây là ngọn núi cao nhất Việt Nam. Hồi tôi leo Fansipan, người dân bản địa mới đang gùi vật liệu lên núi, bắt đầu làm cáp treo. Nay thì nhờ có cáp treo mà già trẻ, lớn bé, gái trai ai cũng lên được đỉnh Fansipan rồi, để một lần được hãnh diện đứng tại điểm cao nhất của Việt Nam, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía ngắm nhìn tổ quốc hùng vĩ và tươi đẹp.

Hồi đó tôi đang trong thời gian đợi đi làm chỗ mới sau khi nghỉ việc ở chỗ làm cũ. Có hẳn một tuần thảnh thơi để vi vu, tôi rủ hai người bạn cùng leo núi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đến với Sapa. Giữa tháng Bảy hè nắng oi ả ở đồng bằng, Sa Pa đón chúng tôi với cái lạnh tê tái vào buổi sáng sớm, dù cho chúng tôi đã cẩn thận chuẩn bị áo gió để khoác ngoài.

Đoàn leo núi chụp ở Trạm Tôn.

Đoàn leo núi chụp ở Trạm Tôn.

Đã “book tour” sẵn nên chúng tôi di chuyển tới quán phở Hoa Đỗ Quyên gần ven hồ ăn sáng, đợi tập hợp đủ đội hình là lên đường, chẳng kịp ngắm nghía xem Sa Pa có những gì. Đoàn hôm đó có hai chị em người Canada gốc Việt, một bạn nữ người Anh, tôi cùng hai anh em chiến hữu, thêm hai bạn người Mông giúp mang đồ và dẫn đường, chúng tôi di chuyển tới Trạm Tôn rồi bắt đầu leo núi. Tâm thế lúc ấy là hào hứng sẵn sàng chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam, ấy vậy nhưng đoạn đường đầu tiên lại là… xuống dốc. Xuống dốc để vào rừng, rồi những đoạn đường bằng như dạo bước chân.

Hôm chúng tôi leo còn gặp thêm hai đoàn nữa, mọi người nhập vào với nhau, đi xen kẽ, nói chuyện rất rôm rả. Có một bạn từ Huế ra còn đặt mục tiêu chinh phục Fansipan làm quà cho ngày sinh nhật của mình. Bạn rất yếu, chân bị tật, nhưng nghị lực thực sự “phi thường”. Khoảnh khắc bạn đặt chân lên được tới đỉnh và bật nắp chai rượu vang để chào mừng tuổi mới thật ý nghĩa. Khoảnh khắc đó, kỷ niệm đó hẳn sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời bạn.

Bắt gặp biển mây khi trời về chiều.

Bắt gặp biển mây khi trời về chiều.

Ấy là chuyện của sáng hôm sau, còn chiều tối hôm đó đoàn chúng tôi hạ trại ở độ cao 2.400m. Dòng suối mát lạnh ở mức 4 độ C xua tan đi mọi mệt nhọc và bụi đường bám bẩn. Trong lúc mọi người dọn đồ, đi dạo quanh thì hai bạn phụ đường người Mông thổi lửa nấu cơm, nướng gà. Bữa ăn ấy còn có cả chả nem cuốn. Ai cũng ăn ngon lành rồi đi nghỉ sớm, lấy sức sáng hôm sau chinh phục đoạn cuối trước khi lên đỉnh.

Cung đường sáng hôm sau đúng thật gian nan, thử thách bởi sương mù và đường trơn trượt. Đoạn gần đỉnh núi thậm chí chỉ còn vài khóm trúc nhỏ xíu để bám víu vào. Mới hôm qua còn được ngắm đỗ quyên giữa bạt ngàn xanh mát trong vạt nắng chiều vàng dịu khi nhìn về phía Lai Châu, sáng nay chỉ còn sương giăng mịt mù. Lầm lụi leo từng bước một, mãi tới gần mười giờ sáng, chúng tôi như vỡ òa sung sướng khi nghe những người đi trước nhất bất ngờ reo lên: “Tới rồi, tới rồi!”. Bao mệt nhọc dường như tan biến hết, lại là khí thế háo hức khi lần đầu tiên được đặt chân lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Anh em xúc động thay nhau ôm “chóp inox”, tranh thủ “check-in”, rồi chuyền tay nhau chai rượu vang chúc mừng sinh nhật người bạn đầy nghị lực cùng hành trình, cũng như chúc mừng cho chuyến đi.

Bước đi trong khu rừng huyền ảo.

Bước đi trong khu rừng huyền ảo.

Điều đáng tiếc duy nhất của chuyến đi là người bạn gái leo cùng không đủ sức để đi tiếp tới đỉnh núi, phải quay xuống trước. Chúng tôi đều là dân công trường nên leo không thấy mệt. Đường xuống núi nhẹ nhàng hơn rất nhiều, đi mà như chạy, như bay. Giữa rừng hết nước, chúng tôi phải uống nước suối. Xuống đến chân núi là hơn bốn giờ chiều, chúng tôi vẫn kịp làm nồi lẩu cá hồi và vài chai bia trên gác hai tại một nhà hàng, tranh thủ nhìn ngắm Sa Pa. Quà về đã có mấy chai tương ớt Mường Khương cay khét tiếng cùng một vài chiếc khăn thêu dân tộc. Sau này tôi có nhiều dịp trở lại Sa Pa, nhưng lần đầu tiên đó phải nói là đáng nhớ nhất.

Không gian bao la giữa nắng gió.

Không gian bao la giữa nắng gió.

Ngọn núi thứ hai tôi chinh phục là Tả Liên Sơn, cao 2.996m ở Tam Đường, Lai Châu, độ cao vào hàng thứ 6 ở Việt Nam. Đoàn tôi tham gia lần đó chỉ có bốn người cùng một người bản địa dẫn đường. Tả Liên Sơn được dân phượt biết đến nhiều sau khi Haichi đăng tải lên những bức ảnh đầy ma mị với cây cổ thụ và rêu phong. Bốn người chúng tôi đều nhanh nhẹn và khỏe mạnh, không còn lạ với những ngọn núi nên leo rất nhanh. Cô gái duy nhất trong đoàn sức leo thực sự rất bền, đã chinh phục đủ cả mười ngọn núi cao nhất ở Việt Nam. Tôi tình cờ quen bạn trong một lần chúng tôi cùng chinh phục một ngọn núi khác ở Mộc Châu. Ấn tượng không quên lần gặp gỡ đó chính là hình ảnh một cô gái nhỏ, một mình một xe máy, gặp đường trơn bị trượt ngã, mà vẫn kiên cường tự đứng dậy và đi tiếp.

Núi Tả Liên thấp hơn Fansipan nhưng leo khó khăn hơn. Cảnh vật ở đây nguyên sơ hơn rất nhiều. Điểm hạ trại chỉ là một khoảng đất bằng đủ dựng ba chiếc lều. Chúng tôi đốt một đống củi lớn ở giữa để xua đi cái lạnh. Trong đêm tối mịt mù giữa rừng già chỉ lấp loáng ánh đèn pin của anh dẫn đường tháo vát người bản địa đang chuẩn bị đồ ăn tối. Cả ngày đi đường mệt mỏi cộng thêm trời lạnh giá, mọi người chỉ tranh thủ ăn uống qua loa rồi chui vào trong lều ủ chăn cho ấm. Đêm đó rất lạnh, gió thổi thốc từng cơn. Căn lều rung lên bần bật. Thế mới thấy tầm quan trọng của người dẫn đường, chẳng may lạc trong rừng sẽ vô cùng nguy hiểm, chỉ riêng cái lạnh thôi cũng đủ “giết người” rồi.

Tác giả chụp tại chóp inox.

Tác giả chụp tại chóp inox.

Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi để nguyên trại đó đi chuyển lên đỉnh núi luôn. Đoạn cuối dốc như dựng đứng. Nhưng bù lại là cả một đỉnh núi toàn hoa đỗ quyên, khắp các sườn núi chỉ có hoa và hoa. Với lá cờ đỏ sao vàng và một chóp inox, chúng tôi đánh dấu sự có mặt của mình tại Tả Liên, có nghĩa là Cổ Trâu theo tiếng của người Mông bản địa.

Sau này, cũng gần Tả Liên, tôi cùng em trai ghép vào một đoàn các bạn trẻ khác leo Putaleng, cao 3.049m, cao thứ 3 ở Việt Nam sau Pusilung và Fansipan. Putaleng leo không khó, cảnh lại vô cùng đẹp với nhiều dòng suối. Điểm hạ trại của chúng tôi hồi đó cũng gần một dòng suối lớn. Tối đó chúng tôi còn rủ nhau câu nòng nọc. Chỉ bằng một sợt dây thả xuống rồi giật mạnh khi nòng nọc đớp, hứng vội cái bát là bắt được. Không cần lưỡi câu và mồi gì cả. Câu được bao nhiêu là đem về cho bạn dẫn đường làm sạch rồi kẹp thành từng kẹp nướng ăn.

Cây cổ thụ ở khu rừng ma mị.

Cây cổ thụ ở khu rừng ma mị.

Pu Ta Leng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về tình bạn của những người vừa quen biết giữa núi rừng nhưng chung niềm đam mê. Là lần uống rượu say "chém gió" tưng bừng với một bạn người Đức. Say nên bốc đồng ghê lắm. Sáng hôm sau gặp lại nhau, người bạn đó còn vui vẻ tay bắt mặt mừng khi nhận ra mình đang xuống núi còn bạn thì mới đang leo lên. Đường xuống, gặp bất kỳ ai cũng vẫy tay chào, rồi động viên bạn: “Sắp tới rồi, cố lên!”.

Đỉnh núi khác tôi thấy vừa đẹp, vừa có thể chinh phục trong ngày là Pha Luông. Đỉnh Pha Luông leo không khó, nhưng đường vào tới điểm leo thì siêu khó. Đường dốc trơn trượt và khúc khủy toàn toàn đá tảng. Xe máy trượt lên trượt xuống. Nhưng cái “view” của nó với chỏm núi “check-in” chìa ra ngoài giữa vực núi sâu thẳm bên đất Lào thì vô cùng đáng giá, tuyệt vời nữa là khi hôm ấy có nắng đẹp. Sau một ngày leo trèo, tối đến chúng tôi tự thưởng bằng một bữa cá hồi ngon tuyệt ở tiểu khu Vườn Đào. Rượu Mộc Sa với cá hồi hun khói quả là một combo lý tưởng cho một đêm sương lạnh sau chuyến đi vất vả, để chúng tôi có cơ hội hàn thuyên, trút bầu tâm sự, và để mãi về sau này còn được nhớ lại, nhắc nhau về một thời tuổi trẻ dọc ngang.

Đất nước Việt Nam tươi đẹp có rất nhiều ngọn núi hùng vĩ bao la. Hầu hết các ngọn núi cao tập trung ở vùng Tây Bắc. Khung cảnh thiên nhiên còn hoang sơ nên nếu bạn là người yêu thiên nhiên và có sức khỏe tốt, tại sao không đặt cho mình mục tiêu chinh phục một trong số các đỉnh núi ấy. Tôi dám đánh cược với bạn rằng: bạn sẽ không phải hối tiếc bất cứ điều gì khi một lần vượt qua được thử thách và giới hạn của chính bản thân mình mà đứng trên ngọn núi cao, được hít thở bầu trời bao la bát ngát đó!

Bút ký của Lê Ngọc Sơn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/toi-leo-nui-721466.html
Zalo