Nghề làm gốm của người M'Nông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm gốm của người M'Nông ở Đắk Lắk vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nét độc đáo của gốm Yang Tao

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm gốm của người M’Nông xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục tại quyết định nói trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nghề làm gốm của người M’Nông xã Yang Tao.

Nghề làm gốm của người M’Nông xã Yang Tao.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay đồng bào dân tộc M’Nông ở xã Yang Tao vẫn còn giữ được nghề làm gốm thủ công hàng trăm năm tuổi. Đây cũng là làng gốm cổ duy nhất còn lại trên địa bàn Tây Nguyên và là niềm tự hào về nét đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc M’Nông.

Nét độc đáo của gốm Yang Tao thể hiện ở chỗ được chế tác hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin có màu sắc nâu vàng, không giống với đất sét ở vùng khác. Sau khi mang về nhà, người M’Nông ở Yang Tao cùng nhau loại bỏ các tạp chất rồi "ủ" đất bằng cách đắp các loại vật dụng như lá chuối, nong nia, dần sàng... Hàng ngày, đất sét được tưới một lượng nước nhỏ để đất không khô đi, giữ vẹn tính "nguyên thủy" của đất.

Sau khi ủ cẩn thận, đất sét được đem ra để giã. Trong quá trình giã, nhồi, các nghệ nhân đều lượm ra các mảnh sỏi nhỏ, rác, làm sạch chúng trước khi "trích" đất chế tác sản phẩm. Việc "trích" đất có thể xem như là một nghi lễ, bởi khi "trích" đất rồi người ta sẽ không thêm, bớt, sản phẩm có thể to hoặc nhỏ hơn tùy vào khối đất đã "trích".

Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin.

Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin.

Trong quá trình chế tác, người M’Nông ở Yang Tao không dùng bàn xoay như các làng gốm khác mà để đất nhuyễn trên đế gỗ có chiều cao khoảng 70cm. Sau đó, người làm gốm di chuyển quanh đế, sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo hình sản phẩm. Chờ cho sản phẩm khô đến độ nhất định, nghệ nhân sử dụng que tre, que củi, lông nhím để vẽ hoa văn, họa tiết, lấy hòn đá chà xát bề mặt cho đến khi đạt độ láng bóng.

Không chỉ vậy, quy trình nung gốm của người dân nơi đây cũng rất độc đáo. Các sản phẩm gốm được đặt trên nền đất trống, theo quy tắc vật nhỏ xếp phía trong, vật lớn xếp xung quanh phía ngoài, bên dưới là lớp củi khô. Gốm được nung lộ thiên bằng củi đến khi thấy tất cả đã đỏ rực là đạt độ chín. Tiếp đó, người làm gốm sử dụng vỏ trấu hoặc mùn cưa để hun, tạo màu đen bóng tự nhiên và mang đặc trưng riêng cho gốm Yang Tao.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Dù chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định để cuộc sống đầy đủ nhưng nghề làm gốm là món ăn tinh thần vô giá của người dân M’Nông trên mảnh đất Yang Tao.

Để giữ nghề truyền thống của nhà ông, các nghệ nhân làm gốm biến tấu sản phẩm cho hợp xu thế. Theo đó, sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ là thau, chậu, nồi niêu, chén bát như xưa nữa mà có thêm ấm trà, khay, đĩa, ly, tách, ché, con voi, con rùa… chế tác tinh xảo.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Lắk tổ chức lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của người M’Nông tại buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao).

Các nghệ nhân tỉ mỉ trong từng thao tác khi làm gốm thủ công.

Các nghệ nhân tỉ mỉ trong từng thao tác khi làm gốm thủ công.

Nghề làm gốm thủ công của người M’Nông đã thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Nghề làm gốm thủ công của người M’Nông đã thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao thông tin, nghề làm gốm thủ công của người M’Nông đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ người sử dụng các sản phẩm gốm thủ công ngày càng ít đi. Trước tình hình này, thời gian qua, chính quyền địa phương xã Yang Tao luôn khuyến khích người dân, bà con nên duy trì và truyền dạy, lan tỏa nghề làm gốm thủ công cho các thế hệ trẻ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình và nhu cầu khám phá của khách du lịch.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch diện tích đất khoảng 3.000m2 để phục vụ xây dựng làng nghề làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm. Qua đó, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao thu nhập cho bà con và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lắk nói chung và xã Yang Tao nói riêng.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-lam-gom-cua-nguoi-mnong-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-204241211183854821.htm
Zalo