Toan tính của ông Trump
Những tuyên bố về việc mở rộng phạm vi nước Mỹ của ông Donald Trump khiến viễn cảnh về một kỷ nguyên chính trị toàn cầu với sự tranh chấp lãnh thổ trở nên khả dĩ hơn bao giờ hết.
Tại cuộc họp báo hôm 7/1 (giờ địa phương) ở Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử Donald Trump không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng vũ trang để giành quyền kiểm soát đảo Greenland và Kênh đào Panama.
Chính trị gia 78 tuổi cũng tuyên bố sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ". Ông đồng thời nói rằng bản thân có thể dùng "sức ép kinh tế" để biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.
Trước những tuyên bố nói trên, giới quan sát lo ngại về khả năng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể sẽ còn hỗn loạn hơn khi Mỹ cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và thậm chí là lãnh thổ, theo New York Times.
Tiếng vọng từ quá khứ?
Ông Trump từng đánh giá cao chủ nghĩa bảo hộ trong thế kỷ XIX và ca ngợi rằng nước Mỹ vào những năm 1890 "có lẽ là quốc gia giàu nhất từ trước đến nay nhờ vào hệ thống thuế quan".
Giờ đây, tổng thống đắc cử được cho là đang tìm cách áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với vấn đề kiểm soát lãnh thổ, New York Times nhận định.
Nếu viễn cảnh đó trở thành hiện thực, nền địa chính trị và an ninh tại một số khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng và xáo trộn.
"Chúng ta đang chứng kiến sự trở lại của một thế giới tham vọng hơn", nhà sử học Daniel Immerwahr tại Đại học Northwestern nhận xét.
Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia cũng cố gắng chạy đua sức ảnh hưởng mà không nước nào thực sự áp đảo hoàn toàn. Khi một số quốc gia trở nên phát triển, họ bắt đầu tìm cách vẽ lại bản đồ từ châu Á cho tới tận Caribe.
Thời điểm đó, Mỹ đã nối gót châu Âu trong trường hợp của Guam và Puerto Rico vào năm 1898. Tuy nhiên, ở các quốc gia lớn hơn, đơn cử như Philippines, Mỹ chọn kiểm soát gián tiếp bằng cách đàm phán các thỏa thuận thúc đẩy chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp Mỹ và gia tăng lợi ích quân sự nước này.
Một số luồng ý kiến cho rằng việc ông Trump liên tục đưa ra tuyên bố về việc kiểm soát đảo Greenland, Kênh đào Panama và thậm chí là cả Canada phản ánh sự hồi sinh của chủ nghĩa mở rộng, theo New York Times.
"Đây là một phần trong mô hình kiểm soát của Mỹ đối với các khu vực được cho là đem lại lợi ích cho Mỹ mà không cần viện đến các từ ngữ đáng sợ như 'đế chế’, ‘thuộc địa’ hay ‘chủ nghĩa đế quốc' mà vẫn thu được lợi ích", nhà sử học Ian Tyrrell thuộc Đại học New South Wales ở Sydney (Australia) nhận định.
Mở rộng ảnh hưởng
Đề xuất Mỹ hóa một số khu vực mà ông Trump đưa ra được một số chuyên gia xem là nỗ lực leo thang chứ không đơn thuần là một tiếng vọng từ quá khứ. Trong nhiều năm, Mỹ đã tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của các đối trọng nước ngoài bằng chiến lược tương tự, theo New York Times.
Philippines một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi xuất hiện những thỏa thuận mới về các căn cứ mà quân đội Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở châu Á.
Tương tự, các tuyến đường biển huyết mạch quanh châu Á và Bắc Cực trong bối cảnh băng tan nhanh cũng được cho là lọt vào tầm ngắm của Mỹ.
"Điều mà Mỹ khát khao là khả năng tiếp cận các thị trường, tuyến liên lạc và nguồn tài nguyên tiềm năng trong tương lai", giáo sư Tyrell nói.
Tuy nhiên, đối với một số khu vực, viễn cảnh "màn hai cảnh một" mà chính quyền tương lai của ông Trump hướng đến khiến nhiều người lo ngại, theo New York Times.
Cây viết giàu kinh nghiệm Carlos Puig nhận định rằng vùng Mỹ Latin là khu vực lo ngại về sự trở lại của ông Trump nhất.
"Đó là ông Trump với sự hậu thuẫn từ cả lưỡng viện và luôn khát khao chiến thắng bằng mọi giá", ông Puig nói. "Không dễ để một người như vậy không thể hiện rằng bản thân đang muốn hiện thực hóa những tuyên bố mà ông ấy đã đưa ra".
Dẫu vậy, tổng thống đắc cử Mỹ được dự đoán sẽ vấp phải phản ứng rộng khắp từ các nhà lãnh đạo thế giới trong trường hợp ông cố gắng giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama, đảo Greenland và thậm chí là Canada.
Ngày 8/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot đã lên tiếng về việc đe dọa "biên giới có chủ quyền" của Liên minh châu Âu, được cho là ám chỉ lãnh thổ Greenland của Đan Mạch. Ông Barrot nói thêm rằng "chúng ta đã bước vào kỷ nguyên chứng kiến sự trở lại của hiện tượng 'kẻ mạnh thì có quyền'".
Trên thực tế, mặc dù Mỹ vẫn là một cường quốc có sức ảnh hưởng lớn, Washington giờ đây được nhận xét là có ít lợi thế hơn so với những thế kỷ trước, theo New York Times.
Bước lùi này không chỉ xuất phát từ sự trỗi dậy của nhiều quốc gia khác mà còn vì chính sự thụt lùi của Mỹ trong vấn đề quản lý và khối nợ công khổng lồ mà nước này phải giải quyết.