Điểm nóng xung đột ngày 26-1: Mỹ nhận ra 'điều không tránh khỏi' ở Ukraine
Các quan chức châu Âu đang thuyết phục chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Các đồng minh châu Âu nhìn chung đồng ý với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng Mỹ sẽ phải cử quân đội tham gia vào bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào trong tương lai tại Ukraine, theo những nguồn tin giấu tên của hãng tin Bloomberg.
Trong trường hợp các nước châu Âu gửi quân mà không có sự tham gia của Mỹ, cam kết đảm bảo an ninh sẽ thiếu sức nặng, ngoài ra còn tạo sự chia rẽ trong NATO, ảnh hưởng đến việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong liên minh - theo một quan chức cấp cao của chính phủ châu Âu.
Các nguồn tin châu Âu tiết lộ Mỹ có thể đồng ý với ý tưởng này dù ban đầu Tổng thống Trump còn do dự. Theo một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây đã tiếp xúc với đội ngũ của Tổng thống Trump, Washington hiện tập trung bàn việc bảo đảm an ninh cho Ukraine, điều mà họ thừa nhận là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, với việc ông Trump thường xuyên đổi ý, hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận chi tiết.
Ngoài ra, để đổi lấy những cam kết đó, ông Trump nhiều khả năng muốn châu Âu gánh vác phần lớn gánh nặng thực thi bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào - ở đây là cung cấp phần lớn quân đội, bởi với ông chủ Nhà Trắng, xung đột ở Ukraine là vấn đề của châu Âu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Brian Hughes cho biết Tổng thống Trump "đã làm rõ rằng các đồng minh NATO phải tăng cường nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng trong cuộc xung đột trên bộ lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai ngay cửa ngõ của họ".
Phía ông Trump cũng chỉ ra rằng chính quyền Mỹ không có ý định tham gia trực tiếp vào công cuộc tái thiết Ukraine, thay vào đó nên để khu vực tư nhân đảm nhận.
Bloomberg bình luận châu Âu đang cố gắng định hình quan điểm của chính quyền mới tại Mỹ về vấn đề Ukraine giữa lúc Tổng thống Trump chuẩn bị đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ gần đây đã đe dọa gia tăng trừng phạt và áp thuế quan đối với Nga nếu ông Putin không đồng ý chấm dứt cuộc xung đột sắp bước vào năm thứ tư. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào.
Tổng thống Ukraine đang cố gắng củng cố sự ủng hộ của ông Trump. Ông Zelensky nói với Bloomberg hôm 22-1 rằng bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình hiệu quả nào cũng phải bao gồm quân đội Mỹ, vì sự hỗ trợ quân sự từ riêng châu Âu không đủ để ngăn chặn Nga.
"Để tránh xung đột tái diễn, cần có những bảo đảm an ninh đủ mạnh. Gia nhập NATO là một trong số đó" - ông Patrick Turner, quan chức cấp cao của NATO tại Ukraine, nhận định.
Đồng quan điểm, bà Claudia Major, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức, nói rõ: "Chỉ có hai bảo đảm thực sự đối với một quốc gia: NATO hoặc vũ khí hạt nhân. Mọi thứ thấp hơn đó chỉ là sự hỗ trợ an ninh".
Theo bà Major, bất kỳ cam kết an ninh nào với Ukraine cũng cần tới 150.000 quân nhân và điều này sẽ không khả thi nếu không có sự đóng góp từ Mỹ, đặc biệt là khi châu Âu thiếu các yếu tố chiến lược khác như hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đầy đủ.