Toàn cảnh vụ tổng thống Philippines bị cấp phó đe dọa

Bà Sara Duterte ngày 27/11 nói rằng mối quan hệ giữa bà và Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã rạn nứt đến mức 'không thể vãn hồi'.

"Tôi tin rằng mối quan hệ giữa chúng tôi đã đi xa đến mức không thể vãn hồi", Phó tổng thống Sara Duterte nói trong buổi phát trực tiếp trên Facebook hôm 27/11. "Rõ ràng là họ đang truy đuổi tôi".

Bà Duterte đưa ra phát ngôn nói trên sau khi nhận trát đòi hầu tòa từ Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) vì cáo buộc đe dọa ám sát tổng thống, đệ nhất phu nhân và và Chủ tịch Hạ viện Ferdinand Martin G. Romualdez.

Bà Duterte cho rằng đội ngũ của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. muốn tước toàn bộ quyền lực của bà. Phó tổng thống Philippines cũng nói rằng những lo ngại về sự an toàn của bà là "có cơ sở".

Bê bối nối tiếp bê bối

Mối bất hòa giữa bà Duterte và ông Marcos, từng vốn sát cánh cùng nhau trong cuộc bầu cử 2022, đại diện cho sự rạn nứt giữa hai gia tộc chính trị quyền lực bậc nhất Philippines.

Tờ Straits Times thậm chí sử dụng cụm từ "trò chơi vương quyền trong nền chính trị Philippines" để mô tả sự xung đột này.

Sự rạn nứt lên đến đỉnh điểm vào ngày 23/11 khi Phó tổng thống Duterte tuyên bố rằng bà đã yêu cầu sát thủ tiêu diệt ông Marcos, đệ nhất phu nhân và chủ tịch Quốc hội trong trường hợp bà qua đời, theo Reuters.

Đáp lại, trong đoạn video gửi đến công chúng vào ngày 25/11, ông Marcos nói: "Những kế hoạch phạm pháp như vậy không thể bị xem nhẹ". Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm Philippines không chỉ đích danh cấp phó của mình.

Thái độ cứng rắn của Tổng thống Marcos, người vốn thường được nhận xét là có cách tiếp cận mềm mỏng và sử dụng từ ngữ hòa nhã, phản ánh sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa bà Duterte và ông Marcos.

"Những tuyên bố mà chúng ta nghe được trong những ngày qua thật đáng ngại", ông Marcos nói. "Đã xuất hiện những lời lẽ sỗ sàng và đe dọa tính mạng đối với một vài người trong số chúng ta".

"Tôi sẽ chiến đấu chống lại âm mưu ấy", Tổng thống Marcos nói thêm. "Nếu kế hoạch ám sát tổng thống có thể diễn ra dễ dàng đến vậy, thì tính mạng của người dân thường sẽ ra sao?".

 Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. Ảnh: Reuters.

Cũng trong ngày 25/11, bà Duterte nói rằng lời phát biểu của bà "đã bị cắt xén khỏi ngữ cảnh một cách cực đoan". Phó tổng thống cũng khẳng định rằng chỉ thị của bà cho sát thủ không được quy vào hành vi vi phạm pháp luật vì đây chỉ là trường hợp giả định.

"Tôi là luật sư, tôi biết thứ gì hợp pháp và thứ gì thì không, cái gì có thể xảy ra và cái gì thì không", bà Duterte nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Philippines Jesse H. Andres cho rằng thứ gọi là "lời đe dọa có điều kiện" không tồn tại.

"Một lời đe dọa thì là một lời đe dọa", ông Andres nói.

Phó tổng thống Duterte xác nhận văn phòng của bà đã nhận trát đòi hầu tòa của NBI về lời đe dọa ám sát. Tuy nhiên, bà đã xin hoãn diện kiến tòa do thời gian biểu bị chồng chéo.

Bà Duterte nói rằng bản thân ưu tiên phiên điều trần được tổ chức bởi Hội đồng Đạo đức và Trách nhiệm của Hạ viện hơn.

Trong trát đòi hầu tòa của NBI, cơ quan này viện dẫn Đạo luật phòng chống tội phạm năm 2012 và Đạo luật chống khủng bố năm 2020 để yêu cầu bà Duterte có mặt tại phiên tòa.

Phó Tổng tống Duterte cho rằng việc viện dẫn các đạo luật trên là "nực cười" và cáo buộc chính phủ đang muốn nhắm vào các tài sản mà bà sở hữu.

Theo luật pháp Philippines, các nhà chức trách có quyền tịch biên, đóng băng và niêm phong tài sản của những cá nhân bị nghi ngờ có hành vi khủng bố hoặc là đồng phạm với phần tử khủng bố.

 Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte. Ảnh: Reuters.

Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte. Ảnh: Reuters.

Giữa những lùm xùm xoay quanh lời đe dọa ám sát nhắm vào tổng thống, bà Duterte còn vướng phải rắc rối khi cảnh sát thành phố Quezon ngày 27/11 đệ trình cáo buộc rằng Phó tổng thống Sara Duterte và đội ngũ an ninh của bà đã có hành vi tấn công, bất hợp tác và cưỡng chế lực lượng cảnh sát, theo AP.

Nếu bị điều tra và phán định có tội, những tội danh được nêu trong đơn khiếu nại có thể khiến các bị cáo chịu mức án phạt tù.

Đơn khiếu nại được đệ trình sau một vụ tranh chấp hỗn loạn gần đây tại Hạ viện Philippines. Zuleika Lopez, Chánh văn phòng của Phó tổng thống Sara Duterte, đã bị tạm giam.

Bà Lopez bị các hạ nghị sĩ cáo buộc cản trở và bất hợp tác trong cuộc điều tra của quốc hội về cáo buộc lạm dụng các quỹ bí mật và nguồn lực tình báo của văn phòng phó tổng thống.

Tại một thời điểm, lực lượng chức năng được lệnh chuyển bà Lopez đến một nhà tù phụ nữ bên ngoài Quốc hội, khiến bà trở nên kích động. Phó tổng thống Sara Duterte và nhân viên của bà đã can thiệp để kháng lệnh và bà Lopez cuối cùng đã được chuyển đến một bệnh viện chính phủ, nơi bà vẫn bị tạm giam.

Nguồn cơn rạn nứt

Cựu Thượng nghị sĩ Philippines Antonio F. Trillanes IV ngày 27/11 nói rằng khiếu nại luận tội chống lại bà Duterte đã được chuẩn bị từ lâu và sẽ sớm được đệ trình, với lập luận rằng bà "không phù hợp" để tiếp tục giữ chức phó tổng thống sau những phát ngôn nhắm vào ông Marcos cũng như cuộc tranh luận xoay quanh việc sử dụng quỹ bí mật của bà Duterte.

Căn cứ cho việc luận tội bao gồm "hành vi vi hiến, hối lộ, tham nhũng và phản bội niềm tin của công chúng", theo Điều lệ 1987 của Philippines.

Một khiếu nại luận tội sẽ được đệ trình lên Hạ viện và cần ít nhất 1/3 hạ nghị sĩ chấp thuận để có thể tiếp tục tiến trình luận tội. Lãnh đạo Hạ viện hiện tại là ông Ferdinand Martin Gomez Romualdez, một người anh em họ của Tổng thống Marcos.

Khiếu nại sau đó sẽ được trình lên Thượng viện để xét xử. Các thượng nghị sĩ sẽ xác định xem liệu các cáo buộc chống lại người bị đề nghị luận tội có cơ sở vững chắc hay không. Gia tộc Duterte có một số đồng minh tại cả hai Viện.

 Liên minh Duterte-Marcos từng có khoảng thời gian rất khăng khít. Ảnh: Reuters.

Liên minh Duterte-Marcos từng có khoảng thời gian rất khăng khít. Ảnh: Reuters.

Liên minh giữa hai gia tộc chính trị quyền lực Duterte và Marcos bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt vào năm 2023 khi bà Duterte từ chức bộ trưởng Giáo dục.

Chiến dịch áp nghĩa vụ quân sự vào trường học của bà đã thất bại. Điều này khiến bà Duterte mất đi phần lớn sức ảnh hưởng trên chính trường.

Sau đó, bà Duterte vướng vào bê bối với cáo buộc tham nhũng. Thời điểm đó, ông Romualdez đã yêu cầu bà Duterte giải thích về khoản chi 30 triệu USD trong các "quỹ bí mật" được phân phối cho bà trong khoảng thời gian giữ chức bộ trưởng Giáo dục.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/toan-canh-vu-tong-thong-philippines-bi-cap-pho-doa-am-sat-post1514403.html
Zalo