Những bài toán đón chờ lãnh đạo EU mới: Từ 'cú sốc ngoại sinh' đến thách thức nội tại
Cơ quan điều hành EU đã có lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Chủ tịch EC mặc dù là gương mặt quen thuộc nhưng cũng không dễ dàng có thể ứng phó với nhiều thách thức đặt ra phía trước.
Nhiệm kỳ mới lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) của bà Ursula von der Leyen sẽ chính thức bắt đầu ngày 1/12. Đối mặt với các vấn đề như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông, năng lực cạnh tranh kém và môi trường chính trị căng thẳng, EC sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Sau đây là một số vấn đề chính mà cơ quan quyền lực do chính trị gia 66 tuổi người Đức này lãnh đạo sẽ phải "vật lộn" trong 100 ngày đầu tiên:
Đoán ý Tổng thống đắc cử Donald Trump
Theo ông Simone Tagliapietra, thành viên tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, bà von der Leyen một lần nữa bắt đầu nhiệm kỳ của mình với "một cú sốc ngoại sinh cần giải quyết".
Covid-19 đã tấn công ngay sau khi bà bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2019. Lần này, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã khiến Brussels phải hành động.
Cơ quan hành pháp của EU sẽ phải nhanh chóng đưa ra các kế hoạch thống nhất về thương mại và quốc phòng để giúp bảo vệ khối này khỏi một Tổng thống Mỹ quyết tâm tái cân bằng thâm hụt thương mại bằng thuế quan và có thể ít cam kết hơn đối với an ninh của châu Âu. Một trong những kế hoạch này có thể là mua thêm thiết bị quân sự và khí đốt từ Mỹ để tăng cường quốc phòng và tránh chiến tranh thương mại.
"La bàn cạnh tranh"
Bà von der Leyen cho biết, trọng tâm trong nhiệm kỳ mới của bà có thể là cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế của EU.
Trong một bài phát biểu ngày 27/11, bà von der Leyen nêu: Một "la bàn cạnh tranh" định hình chiến lược của EC sẽ là sáng kiến lớn đầu tiên của cơ quan này.
Bà cho biết, EU đang không theo kịp Mỹ và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc trong bối cảnh một loạt các thách thức bao gồm năng suất thấp, tăng trưởng chậm, chi phí năng lượng cao và đầu tư yếu.
Để đạt được mục tiêu đó, EU sẽ tìm cách thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ quá trình phi carbon hóa nền kinh tế bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch để hạ giá năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô. Ngoài ra, việc cắt giảm tệ quan liêu và tạo ra một liên minh tiết kiệm và đầu tư để giúp các công ty tiếp cận vốn để đầu tư vào nghiên cứu đổi mới cũng là ưu tiên hàng đầu.
Nỗi lo của nông dân
Một trong những vấn đề nóng đầu tiên mà EC phải giải quyết là thỏa thuận thương mại gây tranh cãi với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và thành viên mới là Bolivia.
Nông dân, đặc biệt là ở Pháp, đang phản đối dữ dội vì họ lo sợ bị cạnh tranh bởi các sản phẩm giá rẻ hơn từ các đối tác Nam Mỹ ít phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn.
EU đang cố gắng hoàn tất hiệp định thương mại tự do với các nước MERCOSUR trong hội nghị thượng đỉnh tại Montevideo (Uruguay) vào đầu tháng tới.
Tuy nhiên, Pháp và các quốc gia có cùng quan điểm đang hoài nghi về kế hoạch tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Bà von der Leyen đã hứa sẽ đưa ra "tầm nhìn cho nông nghiệp và thực phẩm" nhằm bảo đảm "khả năng cạnh tranh và tính bền vững" cho ngành nông nghiệp.
Bài toán ngân sách quốc phòng
Việc tăng cường quốc phòng của châu Âu đã trở thành ưu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, nhưng việc ông Trump tái đắc cử đã khiến tình hình càng trở nên cấp bách hơn.
Theo EC, chi tiêu quốc phòng của châu Âu quá ít và quá rời rạc trong những thập kỷ gần đây để theo kịp Nga và Trung Quốc.
Bà Von der Leyen cho rằng EU không có thời gian để lãng phí, khi Moscow đang chi tới 9% GDP cho quốc phòng so với 1,9% của EU. Bà ước tính EU sẽ cần đầu tư 500 tỷ Euro (525 tỷ USD) trong thập kỷ tới.
Lần đầu tiên, EU sẽ có một ủy viên quốc phòng là Andrius Kubilius người Lithuania, cùng với người đứng đầu chính sách đối ngoại mới Kaja Kallas, được giao nhiệm vụ vạch ra lộ trình cho quốc phòng châu Âu trong 100 ngày đầu tiên.
Vấn đề nhập cư
Số người vượt biên trái phép vào EU đã giảm 43% trong năm nay, sau khi đạt đỉnh trong vòng gần 10 năm vào năm 2023. Tuy nhiên, di cư vẫn là vấn đề chính trị được quan tâm hàng đầu sau khi phe cực hữu giành được thắng lợi ở một số quốc gia châu Âu.
Vào tháng 10, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi khẩn cấp ban hành luật mới để tăng cường và đẩy nhanh việc hồi hương và tìm những biện pháp chống tình trạng di cư trái phép mới.
Bà von der Leyen đã hứa sẽ nhanh chóng đưa ra một đề xuất, chỉ vài tháng sau khi EU thông qua một cuộc cải cách chính sách tị nạn vốn đã được đàm phán từ lâu.