Lộ 'khe cửa' làm giàu cho Elon Musk từ Bộ Hiệu quả Chính phủ
Tỷ phú Elon Musk có thể làm suy yếu nguồn tài trợ cho dịch vụ Internet băng thông rộng ở vùng nông thôn để đem lại lợi ích cho Starlink.
Từ lâu, tỷ phú Elon Musk - người được ông Trump bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã chỉ trích “Chương trình Bình đẳng, Truy cập và Triển khai Internet Băng thông rộng” (Bead) của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Thông qua Đạo luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng, chương trình này cung cấp khoản tài trợ 42,45 tỷ USD để mở rộng truy cập Internet tốc độ cao ở các vùng nông thôn. Starlink - công ty con của SpaceX cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh - hầu như không nhận được tài trợ từ chương trình này do các cơ quan chính phủ cho rằng tốc độ của Starlink không đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump và sự ưu tiên mà tổng thống đắc cử sẵn sàng dành cho tỷ phú Musk - người đàn ông giàu nhất thế giới - có thể thay đổi cách chính phủ liên bang cung cấp Internet tốc độ cao cho vùng nông thôn Mỹ, tạo ra xung đột lợi ích lớn. Nếu ông Musk đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ cho hệ thống cáp quang Internet nông thôn - điều ông từng nhiều lần đề nghị - giá trị dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink sẽ tăng.
“Chúng ta chưa từng đối mặt tình huống này, khi cổ đông lớn nhất của một công ty truyền thông lại vừa có vị trí ảnh hưởng tới tổng thống, vừa có nhiệm vụ cải thiện hiệu quả chính phủ”, ông Blair Levin, nhà phân tích ngành viễn thông tại New Street Research và Viện Brookings, nhận định.
“Đây là một tình huống đặc biệt và chưa từng có tiền lệ”, ông nói với Guardian.
Xung đột lợi ích
Vị chuyên gia cho rằng ông Trump có thể ra lệnh tạm ngừng tài trợ từ chương trình Bead ngay khi nhậm chức, dù Quốc hội Mỹ đã phê duyệt ngân sách này.
Hành động này sẽ vi phạm Đạo luật kiểm soát ngân sách và giam giữ của Quốc hội năm 1974. Ông Trump từng vi phạm đạo luật này trong nhiệm kỳ đầu, dẫn đến một cuộc luận tội. Tỷ phú Musk và người đồng lãnh đạo DOGE - tỷ phú Vivek Ramaswamy - tuần trước cùng từng nói với Wall Street Journal rằng ông Trump nên sử dụng quyền này khi cần thiết.
“Ông Trump từng cho rằng đạo luật này vi hiến và chúng tôi tin rằng Tòa án Tối cao hiện có khả năng đứng về phía ông ấy trong vấn đề này”, họ cho biết.
Theo ông Levin, động thái này sẽ khiến chương trình Bead rơi vào bế tắc với hàng loạt vụ kiện tụng. Sự trì hoãn này chính là mục tiêu.
“Dù các bang và những bên khác có thể kiện để ngăn chặn lệnh tạm dừng, hầu hết tòa án sẽ ngần ngại ngăn cản chính quyền cân nhắc lại một số yếu tố của chương trình. Sự trì hoãn hoặc kiện tụng có thể mang lại lợi ích cho Starlink”, ông phân tích.
Tỷ phú Musk đã nhắm vào Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) và Cơ quan Quản lý Viễn thông và Thông tin Quốc gia (NTIA) từ lâu trước khi ông Trump chiến thắng. NTIA là cơ quan quản lý tài trợ cho chương trình Bead.
Không có trợ cấp chính phủ, việc triển khai cáp quang ở vùng nông thôn để phục vụ số ít hộ gia đình thường quá tốn kém đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Song đối với các công ty lớn như AT&T hoặc Verizon, trợ cấp chính phủ cho các nhà cung cấp dịch vụ địa phương cũng bị coi là tài trợ cho đối thủ cạnh tranh.
Các công ty viễn thông lớn và FCC đã tranh luận gay gắt về việc khu vực nào có truy cập Internet tốc độ cao và không cần trợ cấp chính phủ. Nhưng định nghĩa “tốc độ cao” mà ngành công nghiệp và chính phủ sử dụng thường được cho là chậm theo tiêu chuẩn của nhiều người.
Sau nhiều năm đàm phán, kiện tụng và chính trị hóa, FCC và NTIA đã thống nhất một định nghĩa về dịch vụ băng thông rộng: Tốc độ tải xuống 100 megabit mỗi giây (Mbps), tải lên 20Mbps, với độ trễ dưới 100 mili giây.
Hiện tại, Starlink không đạt tiêu chuẩn này. Theo dịch vụ đo hiệu suất Internet Ookla, tốc độ của Starlink ngày càng chậm khi có thêm người sử dụng. Năm 2022, FCC đã thu hồi khoản trợ cấp 900 triệu USD từ Quỹ Cơ hội Kỹ thuật số Nông thôn của Starlink do không đáp ứng tiêu chuẩn về tốc độ và độ trễ cũng như hiệu suất mạng giảm.
Điều đó khiến tỷ phú Musk phẫn nộ.
"Starlink là công ty duy nhất thực sự giải quyết vấn đề băng thông rộng ở vùng nông thôn trên quy mô lớn! Họ nên giải tán chương trình này và trả lại tiền cho người nộp thuế, trừ những người không làm được việc", ông Musk viết trên trên X/Twitter. "Điều thực sự xảy ra là các công ty vận động hành lang cho khoản tài trợ lớn này (không phải chúng tôi) nghĩ rằng họ sẽ thắng, nhưng lại bị Starlink vượt mặt, nên giờ họ đang thay đổi luật lệ để ngăn SpaceX cạnh tranh".
Mục tiêu lớn
Vào tháng 6, tỷ phú Musk đã gọi chương trình Bead là "một sự lãng phí tiền thuế trắng trợn và hoàn toàn không phục vụ những người cần”.
Một tháng sau, ông công khai ủng hộ ông Trump và bắt đầu chiến dịch chi tiêu 100 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử.
Khi tỷ phú Musk thành công tiếp cận ông Trump - đặc biệt sau lời ủng hộ công khai và việc triển khai thiết bị vệ tinh tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão Helene, điều mà ông Trump thường xuyên ca ngợi trong chiến dịch tranh cử - quan điểm của ông Trump về Internet băng thông rộng ở vùng nông thôn cũng bắt đầu dịch chuyển theo hướng có lợi cho Starlink.
Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast của Joe Rogan, ông Trump mô tả Starlink "tốt hơn cả dây cáp".
"Chúng ta đang chi hàng nghìn tỷ USD để kéo cáp khắp cả nước. Họ chưa kết nối được một ai”, ông nói.
Trong năm qua, Ủy viên FCC Brendan Carr, người vừa được ông Trump bổ nhiệm làm tân Chủ tịch FCC, cũng lặp lại quan điểm của tỷ phú Musk, cho rằng công chúng có thể được lợi hơn nếu chính phủ trợ cấp cho các thiết bị của Starlink thay vì đầu tư vào cáp quang.
Sau cuộc bầu cử, ông Carr cho biết FCC khó có khả năng xem xét lại quyết định thu hồi khoản tài trợ của Starlink, do các rào cản thủ tục. Tuy nhiên, chính ông Carr cũng là người gợi ý rằng 1/3 khoản tài trợ từ Bead có thể được phân bổ cho các nhà cung cấp Internet vệ tinh, trong “Dự án 2025”.
Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đang tích cực thúc đẩy thay đổi chương trình Bead. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người có khả năng tiếp quản Ủy ban giám sát viễn thông tại Thượng viện Mỹ, tuần trước đã gửi thư chỉ trích người đứng đầu NTIA Alan Davidson, về cách quản lý lãng phí và cồng kềnh đối với chương trình Bead.
"May mắn thay, như Tổng thống đắc cử Trump đã báo hiệu, những thay đổi lớn sẽ sớm đến với chương trình này", ông Cruz viết. "Quốc hội sẽ xem xét chương trình Bead vào đầu năm tới, tập trung vào sự thiên vị cực đoan của NTIA trong việc định nghĩa 'dự án băng thông rộng ưu tiên' và 'dịch vụ băng thông rộng đáng tin cậy'".
Đầu năm nay, NTIA thông báo Starlink có thể đủ điều kiện nhận một phần tài trợ từ Bead để cung cấp dịch vụ ở những khu vực rất xa xôi. Tại các khu vực không có dịch vụ băng thông rộng từ các nhà cung cấp sử dụng dây cáp, Starlink thường là lựa chọn duy nhất. Dự án Kuiper của Amazon, một dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp khác, cũng dự kiến cung cấp dịch vụ cho người dùng vào năm tới.
Starlink, công ty con của SpaceX, không thường xuyên công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cho đến gần đây, Starlink vẫn lỗ dù SpaceX thành công. Tình hình đã thay đổi trong năm qua khi mạng lưới hơn 6.000 vệ tinh của Starlink đi vào hoạt động và thu hút các nước đang phát triển.
"Mỗi ngày Starlink đang ký hợp đồng với khách hàng ở các khu vực ít dân cư. Hiện tại, những người ở khu vực chưa được phục vụ hoặc phục vụ không đầy đủ có thể tin rằng nếu muốn có một dịch vụ băng thông rộng cơ bản, họ không có lựa chọn nào khác ngoài Starlink. Sự chậm trễ trong việc cung cấp giải pháp thay thế càng kéo dài, Starlink càng có lợi”, ông Levin nhận định.