: Toàn cảnh các khối diễu binh Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chương trình diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được bắt đầu bằng màn biểu diễn của phi đội máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng phi đội máy bay tiêm kích.
Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam cùng các đại biểu trong và ngoài nước. Tổng Bí thư Tô Lâm có bài diễn văn quan trọng; đại diện cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các vị khách quốc tế và đại biểu dự buổi lễ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc Diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: TTXVN
Trong diễn văn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam; của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, với chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", là dấu mốc khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được mong ước và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà...".

Chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ non sông Việt Nam”.

Lễ kỷ niệm bắt đầu bằng nghi lễ chào cờ trong tiếng rền vang của 21 loạt đại bác do đội pháo lễ thực hiện tại bến Bạch Đằng, Quận 1, TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau phần nghi lễ, Chương trình diễu binh, diễu hành được bắt đầu bằng màn biểu diễn của phi đội máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trên bầu trời trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia chương trình diễu binh, diễu hành có 38 khối của lực lượng vũ trang (Quân đội, lực lượng dân quân 25 khối; lực lượng Công an 13 khối) và 12 khối diễu hành đại diện cho các tổ chức quần chúng… Ngoài ra, khối diễu binh của Quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng tham gia chương trình.
Dưới đây là hình ảnh Chương trình diễu binh, diễu hành do phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi lại:

Đội hình máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay trên bầu trời TP Hồ Chí Minh, sáng 30/4.
Đội hình máy bay chiến đấu tham gia buổi diễu binh gồm: 7 tiêm kích Su-30MK2, 6 máy bay huấn luyện - chiến đấu đa năng Yak-130, 10 trực thăng quân sự (Mi-171, Mi-17, Mi-8).
10 trực thăng quân sự mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc; bay theo đội hình 3-4-3. Phi đội Su-30MK2 thực hiện thả bẫy nhiệt trên bầu trời TPHCM.

Đi đầu đội hình diễu binh, diễu hành là xe mô hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua lễ đài

Xe mô hình 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xe Quân kỳ Quyết thắng.

Khối sỹ quan đại diện 5 cánh quân.
Cách đây 50 năm, trong những ngày tháng Tư lịch sử, năm cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn: Hướng Bắc là Quân đoàn 1, hướng Đông Nam là Quân đoàn 2; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3, hướng Đông là Quân đoàn 4; hướng Tây Nam là Đoàn 232.
Thực hiện mệnh lệnh: “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam, Quyết chiến và toàn thắng”, năm cánh quân đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng, làm sụp đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khối chiến sỹ giải phóng quân. Chiến sỹ Giải phóng quân là tên gọi trìu mến, thân thương của Nhân dân dành cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích.

Khối sỹ quan Lục quân, lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lực lượng lục quân đã chiến đấu anh dũng, mưu lược, sáng tạo với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, “đã ra quân là đánh thắng”, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Khối sỹ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu, nơi khó khăn, gian khổ, ngoài hải đảo xa xôi; luôn chắc tay súng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khối sỹ quan Phòng không Không quân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Phòng không- Không quân đã đánh bại các “siêu pháo đài bay”, “con ma”, “thần sấm”, “giặc nhà trời” của kẻ thù; bắn rơi 2.635 máy bay; trong đó có 64 chiếc B.52; làm nên Chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”- biểu tượng của khí phách anh hùng và tầm cao trí tuệ Việt Nam; xây đắp nên truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, cả 4 lực lượng: Không quân, Tên lửa, Pháo cao xạ, Ra đa đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Khối sỹ quan biên phòng.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, 66 năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xứng đáng là lực lượng 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Khối sỹ quan Cảnh sát biển.

Khối sỹ quan Hậu cần Kỹ thuật.

Khối nữ sỹ quan Thông tin.

Khối nữ sỹ quan Quân y đi qua lễ đài.

Khối sỹ quan tác chiến điện tử đi qua lễ đài.

Khối lực lượng tác chiến không gian mạng.


Khối nữ sỹ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Khối chiến sỹ tăng thiết giáp.

Khối chiến sỹ đặc công đi qua lễ đài.

Khối chiến sĩ đặc nhiệm dù đi qua lễ đài.

Khối nam dân quân biển.

Khối nữ du kích miền Nam.

Khối nữ du kích miền Bắc.

Xe chỉ huy và Tổ Công an kỳ toàn lực lượng đi qua lễ đài.

Khối nam sỹ quan an ninh nhân dân đi qua lễ đài.

Khối nam Cảnh sát Nhân dân đi qua lễ đài.

Khối nữ sỹ quan Cảnh sát giao thông.

Khối nam sỹ quan Cảnh sát PCCC đi qua lễ đài.

Khối nam sỹ quan gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc đi qua lễ đài.

Khối nam sỹ quan Cảnh sát cơ động.

Khối nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm.

Khối nam chiến sĩ cảnh sát cơ động dự bị.

Khối nam lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Khối cảnh sát cơ động kỵ binh.

Khối Tôn vinh các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và nhân chứng lịch sử đại diện cho 63 tỉnh, thành.

Khối cựu chiến binh.
Ngoài ra còn các khối quần chúng như: Khối Mặt trận Tổ quốc; cựu thanh niên xung phong, trí thức, công nhân, phụ nữ, doanh nhân, kiều bào, thiếu nhi và thanh niên, văn hóa nghệ thuật và truyền thông... cũng tham gia đoàn diễu hành, góp phần làm tăng không khí hào hùng của đại lễ.

Vào lúc 11h30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để đất nước Việt Nam hôm nay tự hào sánh vai với bạn bè khắp năm châu.