Phú Thọ chuyển mình từ cội nguồn đến tương lai

Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn thiêng liêng của dân tộc, nơi các vua Hùng đã lập nên Nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Với non sông hùng vĩ, Đền Hùng uy nghi trên núi Nghĩa Lĩnh và những truyền thuyết linh thiêng thấm đẫm trong từng tấc đất, Phú Thọ không chỉ là chốn hành hương của hàng triệu người con đất Việt mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, mà còn là vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập.

Đến với Phú Thọ hôm nay là đến với sự giao hòa giữa quá khứ hào hùng và hiện tại phát triển, giữa bản sắc văn hóa ngàn đời và sức sống mới đang bừng lên từ miền đất trung du Bắc Bộ.

Phú Thọ từ lâu được biết đến là nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Đền Hùng, quần thể di tích lịch sử thiêng liêng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, điểm hội tụ tâm linh của cả dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch,) hàng triệu con Lạc cháu Hồng từ khắp mọi miền Tổ quốc lại hành hương về nơi cội nguồn, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm thu hút hàng triệu đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc và đồng bào ta ở nước ngoài.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm thu hút hàng triệu đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc và đồng bào ta ở nước ngoài.

Trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, Phú Thọ không đứng ngoài cuộc mà khéo léo dung hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, tạo nên một diện mạo mới vừa đậm bản sắc vừa hiện đại, năng động.

Người dân đất Việt không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, lứa tuổi thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên.

Người dân đất Việt không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, lứa tuổi thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên.

Trong những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ có sự đổi thay toàn diện, mở ra diện mạo mới đầy khởi sắc cho mảnh đất cội nguồn dân tộc. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đến nay Phú Thọ đã và đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhờ vào những quyết sách đúng đắn, linh hoạt và mang tầm chiến lược của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Một trong những yếu tố then chốt làm nên diện mạo mới của Phú Thọ chính là sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các khu vực trong tỉnh cũng như liên vùng với các địa phương khác. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn đã trở thành động lực lớn, tạo cú hích phát triển kinh tế cho thành phố Việt Trì và các huyện như Lâm Thao, Phù Ninh, Hạ Hòa... Cùng với đó, nhiều tuyến đường trục chính, đường tỉnh, đường liên xã, liên thôn cũng được nâng cấp, mở rộng, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Song song với hạ tầng giao thông, các lĩnh vực hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đầu tư. Các đô thị trung tâm như TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Thanh Ba... ngày càng mở rộng về quy mô, khang trang về kiến trúc và hiện đại trong quy hoạch.

Thành phố Việt Trì - đô thị loại I trực thuộc tỉnh không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính mà còn được xác định là “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Không khó để nhận thấy sự chuyển mình tích cực ở từng tuyến phố, khu dân cư, khu đô thị mới với hệ thống điện, nước, viễn thông, cây xanh, cảnh quan được đầu tư đồng bộ.

Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THANH

Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THANH

Pháo hoa rực rỡ trên hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2025. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Pháo hoa rực rỡ trên hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2025. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Công viên Văn Lang, một trong những điểm nhấn của thành phố ngã ba sông những năm gần đây trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng sôi động. Các sự kiện lễ hội lớn như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Văn hóa dân gian đường phố, Festival Hát xoan… được tổ chức thường niên đã biến Việt Trì trở thành “thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” đúng như kỳ vọng của đồng bào cả nước. Không chỉ dừng lại ở biểu tượng, Việt Trì đang đi theo mô hình thành phố thông minh, với hệ thống quản lý đô thị số, camera an ninh, điều hành giao thông, y tế, giáo dục ứng dụng công nghệ cao...

Ở khu vực nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại những kết quả rõ rệt. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, diện mạo nông thôn Phú Thọ đã có bước thay đổi vượt bậc: Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, thảm nhựa sạch đẹp; trường học, trạm y tế khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông; hơn 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của sự vào cuộc đồng bộ giữa chính quyền và người dân, từ đó tạo ra sức bật lớn cho sự phát triển bền vững.

Hội thi bơi chải trên Công viên Văn Lang (Việt Trì, Phú Thọ) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 hằng năm.

Hội thi bơi chải trên Công viên Văn Lang (Việt Trì, Phú Thọ) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 hằng năm.

Tỉnh Phú Thọ hiện có trên 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh, Mường, Dao chiếm số đông. Những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc được triển khai đồng bộ, từ chương trình 135 đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 4,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/năm.

Quảng trường trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị trọng đại.

Quảng trường trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị trọng đại.

Điệu múa truyền thống của người dân tộc Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ vào dịp lễ hội.

Điệu múa truyền thống của người dân tộc Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ vào dịp lễ hội.

Điều đáng ghi nhận là những kết quả này không phải ngẫu nhiên có được, mà xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và sự điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Phú Thọ đã chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời nhằm thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn lực xã hội. Cùng với việc cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tỉnh còn đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh - những trụ cột quan trọng để hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Không chỉ phát triển kinh tế, Phú Thọ còn là điểm sáng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Các giá trị di sản văn hóa đặc sắc như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan Phú Thọ... được bảo tồn, phát huy đúng hướng, trở thành lợi thế đặc biệt trong phát triển du lịch văn hóa, tâm linh. Đây cũng là một hướng đi khôn ngoan, khi tỉnh vừa bảo vệ cội nguồn, vừa thúc đẩy kinh tế dịch vụ phát triển.

Hát xoan, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Phú Thọ đặc biệt quan tâm, tích cực trao truyền cho thế hệ trẻ.

Hát xoan, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Phú Thọ đặc biệt quan tâm, tích cực trao truyền cho thế hệ trẻ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định rằng, sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương Phú Thọ chính là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, nhạy bén của tỉnh cùng sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những công trình hạ tầng hiện đại, những vùng quê trù phú, đô thị ngày càng phát triển... chính là minh chứng rõ ràng cho một Phú Thọ đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là vùng đất Tổ giàu truyền thống và đầy tiềm năng trong thời kỳ mới.

Thành phố Việt Trì, nơi dự kiến sẽ là thủ phủ của tỉnh Phú Thọ mới trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.

Thành phố Việt Trì, nơi dự kiến sẽ là thủ phủ của tỉnh Phú Thọ mới trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.

Năm 2024, Phú Thọ đạt mức tăng trưởng GRDP 9,53%, cao nhất trong 15 năm qua, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước, thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế đạt trên 109,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 8.492,6 tỷ đồng, tăng 23,6% so với dự toán. GRDP bình quân đầu người đạt 70,7 triệu đồng, tăng 5,52% so với kế hoạch.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phu-tho-chuyen-minh-tu-coi-nguon-den-tuong-lai-826397
Zalo