Tổ truyền thông cộng đồng xã Đắk Ơ giúp bà con đồng bào sống văn minh, xóa bỏ hủ tục
Các hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, đã có nhiều hiệu quả, giúp cho bà con đồng bào X'tiêng xóa bỏ dần các hủ tục, cuộc sống văn minh hơn.

Hỗ trợ, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em khó khăn
Can thiệp vụ bạo lực gia đình kịp thời
Chị Nguyễn Thị Dần, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước kể chuyện, trong quá trình đồng hành cùng Tổ Truyền thông cộng đồng đi làm, chị nhớ mãi câu chuyện của gia đình nhà chị Thị Én và anh Điệp Cường, dân tộc X'tiêng. Vợ chồng chị Én và anh Cường ngụ tại thôn 3 xã Đắk Ơ thường xuyên gây ồn ào khiến cả thôn rất phiền lòng. Nguyên nhân là do anh Cường thường xuyên uống rượu mỗi buổi chiều tối, dù cả ngày anh là người rất hăng say lao động. Nhà nước đã hỗ trợ anh chị căn nhà đại đoàn kết và 1 số phương tiện sinh kế khác.

Hội LHPN trao nhu yếu phẩm cho bà con dân tộc X'tiêng tại xã Đắk Ơ
"Mỗi lần anh Cường say thì chị Én thường cằn nhằn, việc cứ vậy trở thành thói quen. Nghe vợ cằn nhằn nhiều thì anh Cường bực bội, đánh vợ. Cán bộ phụ nữ thôn đã tới nhiều lần động viên, và giáo dục gia đình do gây ồn ào ầm ĩ làng xóm, nhưng hiệu quả không cao. Tháng 4/2024, anh Cường đã đánh chị Én khá đau khiến chị Én không chịu nổi nữa phải chạy tới Địa chỉ tin cậy cộng đồng đặt tại nhà chị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ là chị Lê Thị Thơm.
Sau khi nghe câu chuyện, chị Thơm đã liên lạc với tôi để cùng hỗ trợ. Tôi đã phối hợp với Tổ truyền thông cộng đồng thôn 3, tối đó vào lúc 7h, chúng tôi đã đưa chị Én về nhà. Chúng tôi cũng giải thích với anh Cường về việc bạo lực gia đình như vậy là vi phạm pháp luật. Nhưng anh Cường vẫn có thái độ khó chịu với vợ.
Tổ Truyền thông cộng đồng đã thấy không ổn, nên phải kể các câu chuyện mang tính chất răn đe, nếu anh tiếp tục như vậy thì sẽ phải đối mặt với pháp luật. Anh Cường cuối cùng đã hiểu ra. Tổ Truyền thông cộng đồng sau đó đã đưa bản cam kết để anh chị ký không được xảy ra việc bạo lực gia đình và không gây mất trật tự hàng xóm láng giềng nữa. Sau đó cán bộ phụ nữ xã và Tổ truyền thông cộng đồng đã theo dõi sát sao, nhận thấy rằng anh Cường đã rất hạn chế uống rượu, hoặc mỗi khi uống rượu xong thì không cãi vã, bạo lực với vợ nữa", chị Nguyễn Thị Dần kể chuyện với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam.
Đăk Ơ là một xã vùng biên giới, khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích tự nhiên 24.649,07 ha với tổng số hộ cư trú trên địa bàn là 4.044 hộ 16.255 khẩu/ 12 thôn ấp (trong đó có 6 thôn đặc biệt khó khăn), dân tộc thiểu số là 1.424 hộ, 6.505 khẩu, chiếm 40% dân số toàn xã.

Chị Nguyễn Thị Dần, Chỉ tịch Hội LHPN xã Đắk Ơ làm công tác vận động tuyên truyền hỗ trợ phụ nữ và trẻ em các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn
Chị Nguyễn Thị Dần cho biết, hiện nay, tổng số có 20 chi hội phụ nữ trên địa bàn xã (trong đó có 8 chi hội khối cơ quan, trường học, 12 chi hội thôn, ấp) có 1.773 hội viên. Tại nhiều thôn ấp, tư tưởng bảo thủ, phân biệt giới tính, đề cao vai trò truyền thống của nam giới vẫn còn vô cùng mạnh mẽ. Nam giới thường được coi là người trụ cột trong gia đình và cộng đồng. Những quan niệm như "đàn ông là trụ cột, phụ nữ phải làm việc nhà" vẫn còn phổ biến và khó thay đổi. Một bộ phận nam giới có thể chưa hiểu đúng về khái niệm bình đẳng giới, dẫn đến việc họ không nhận thức được lợi ích của bình đẳng giới hoặc thấy rằng không liên quan đến họ. Họ có thể cho rằng bình đẳng giới chỉ liên quan đến phụ nữ, không phải là trách nhiệm của nam giới.
Những khó khăn
Thực tế tại địa phương này cho thấy, các Tổ truyền thông cộng đồng còn gặp khó khăn trong việc thay đổi hành vi thực tế. Dù có nhận thức tốt về lý thuyết bình đẳng giới, nhưng việc áp dụng vào thực tế cuộc sống hàng ngày, ví dụ như chia sẻ công việc gia đình, hỗ trợ vợ con trong các quyết định quan trọng, lại gặp phải sự kháng cự và không dễ dàng thay đổi. "Trong các hoạt động tuyên truyền bị thiếu sự tham gia của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ. Mặc dù có sự quan tâm từ nhà nước và các tổ chức, nhưng lại thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan có liên quan nên có thể làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền. Ngoài ra thì số chị em tham gia các hoạt động không nhiều. Chỉ có một số chị ở trong thôn tiêu biểu thì tích cực tham gia, số còn lại ngại va chạm vì các lý do khác nhau", chị Nguyễn Thị Dần đưa ý kiến.
Xã Đắk Ơ là đơn vị điểm triển khai mô hình dự án 8 của Hội LHPN tỉnh Bình Phước. Sau khi triển khai, các mô hình được thành lập như Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập 6/12 thôn của xã. Đây là 6 thôn đặc biệt khó khăn, Trên thực tế 1 số thôn vẫn chưa phát huy hết được ý nghĩa và vai trò của các thành viên trong tổ cộng đồng.
Dù có nhiều khó khăn ở Đắk Ơ nhưng thôn 3 của xã thực hiện nổi trội, triển khai hiệu quả nhất. Tổ truyền thông cộng đồng đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của một số người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống. Vấn đề hôn nhân cận huyết đang được đẩy lùi và các hủ tục lạc hậu cũng được thay đổi dần dần. Trong đó phải nhắc tới đám cưới và đám ma của vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất tốn kém. Ví dụ như đám cưới thì ăn uống linh đình mấy ngày, giết trâu bò heo gà nhiều để đãi dân làng, rồi mỗi người đi ăn cưới đều được chia mang về một miếng thịt. Mà cuộc sống vật chất của người đồng bào còn khá khó khăn.
Sau khi Dự án 8 được triển khai, các Tổ truyền thông cộng đồng đã giải thích cho bà con hiểu được việc các hủ tục đó cần phải bãi bỏ, chính vì thế các hủ tục này đang bị đẩy lùi dần, các đám ma đám cưới không có ăn uống linh đình như trước kia nữa. Ngoài ra các tổ viên thuộc Tổ truyền thông cộng đồng khi đi tuyên truyền, vận động tại các thôn đã thể hiện sự thuyết phục bà con đồng bào thông các tiểu phẩm, câu chuyện, sân khấu hóa. Đây là hình thức tuyên truyền hiệu quả cao và các hình thức tuyên truyền này không chỉ cần thiết áp dụng đối với các dự án 8 mà còn với các chương trình khác cũng rất hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Thị Xa Rới, ngụ tại xã Đắk Ơ cho biết: "Tổ truyền thông cộng đồng đã duy trì sinh hoạt theo nội dung đã được chuẩn bị kỹ càng và phân tích về các trường hợp diễn ra trên thực tế. Các cuộc họp tại thôn cũng lồng ghép các câu chuyện này. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự tư vấn, giải thích của các tổ viên thông qua các tin nhắn zalo. Từ khi có dự án 8 được triển khai tại địa phương, tôi thấy các chị em đã mạnh dạn lên tiếng khi gặp bạo lực gia đình. Các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt cũng được hỗ trợ kịp thời. Bà con đồng bào X'tiêng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà nước thông qua các chính sách đặc biệt".