Dạy con học 'đúng cách' trong thời đại công nghệ
Trong thời công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, tuy nhiên, việc học sinh lạm dụng AI trong làm bài tập đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Chị Nguyễn Thị Lý (thị trấn Nghèn, Can Lộc), mẹ của một học sinh (HS) lớp 8 chia sẻ: “Gần cuối năm học, tôi phát hiện con mình thường xuyên sử dụng AI để giải bài tập. Qua theo dõi kết quả học tập, tôi thấy điểm số của con vẫn duy trì ổn định, thậm chí có môn còn cao hơn. Tôi bèn hỏi con về phương pháp giải thì con không trả lời được. Tôi rất buồn và lo rằng con sẽ mất đi khả năng tư duy độc lập”.

Trẻ lạm dụng AI sẽ bị hạn chế về khả năng tư duy. (Ảnh Internet)
Cùng nỗi lo khi con lạm dụng AI trong học tập, chị Trần Thị Hồng Nhung (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi vào lớp 10, với tâm lý xả hơi, con tôi hầu như rất lười làm bài tập. Đặc biệt, môn Ngữ văn luôn là thử thách đối với nam sinh lựa chọn khối A. Qua theo dõi, tôi thấy con có sử dụng AI để soạn văn, tôi rất lo lắng về việc này bởi sợ con sẽ bị hạn chế về tư duy ngôn ngữ, khả năng đọc, hiểu văn bản”.
Trong thời đại công nghệ số, nỗi lo của chị Lý và chị Nhung cũng là nỗi lo chung của những người làm cha, mẹ. Không ít bậc phụ huynh đã phát hiện con mình hoàn thành bài tập rất nhanh. Một số em gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các công cụ như ChatGPT, Google Lens, hay các app giải bài tự động… Từ chỗ là công cụ hỗ trợ học tập, AI đang bị biến thành người làm thay, khiến quá trình học của con em dần mất đi ý nghĩa thực sự.

Việc đổi mới phương pháp, tạo sự hứng thú giúp học sinh phát triển kỹ năng.
Một số giáo viên cũng đã từng phản ánh, có HS viết bài văn cực kỳ trôi chảy, dùng từ chuẩn xác, nhưng lại không hiểu nội dung mình viết. Có em thực hiện một bài toán khó rất hoàn chỉnh nhưng khi hỏi về cách giải lại không trả lời được… Những dấu hiệu đó không chỉ đáng buồn, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, một số trường học đã triển khai các biện pháp nhằm hướng dẫn HS sử dụng AI một cách hợp lý, hoặc tổ chức tập huấn về ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Các buổi tập huấn không chỉ giúp giáo viên tiếp cận những xu hướng công nghệ mới mà còn tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về việc áp dụng AI một cách hiệu quả trong môi trường giáo dục. Cùng với nhà trường, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng cho con về động cơ học tập, cách thức sử dụng AI đúng cách.
Sau khi phát hiện con mình có dấu hiệu phụ thuộc vào AI, chị Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Từ khi biết việc ấy, tôi đã thường xuyên trò chuyện với con, giải thích về tầm quan trọng của việc học, khuyến khích con tự giải quyết bài tập và chỉ xem công nghệ là kênh tham khảo khi thật sự cần. Ngoài ra, tôi cũng đã cùng con đặt ra quy tắc sử dụng AI trong học tập như việc viết văn thì không thể dùng AI, mà phải dựa trên bố cục, học cách viết đúng câu, có diễn cảm. Tôi yêu cầu con chỉ sử dụng AI khi cần sáng tạo, nhất là tìm hiểu về các thiết bị khoa học - kỹ thuật… Tôi nghĩ, điều này không chỉ dạy con nâng cao ý thức học tập mà còn giúp con sáng tạo, vận dụng tốt khoa học - công nghệ vào đời sống. Từ cách làm của tôi, con đã hiểu vấn đề và từng bước khắc phục, trước hết là con đã giảm thời gian sử dụng máy tính, điện thoại”.

Cha mẹ có thể dạy con sử dụng AI một cách thông minh và có giới hạn. (Ảnh minh họa)
Là cha mẹ trong thời đại số, chúng ta không thể cấm con sử dụng AI, nhưng có thể dạy con sử dụng AI một cách thông minh và có giới hạn, tạo ra sáng tạo. Nếu AI làm thay bài tập để gian lận, HS không chỉ bị ảnh hưởng khả năng tư duy, ghi nhớ và giải quyết vấn đề của chính mình mà niềm vui học tập cũng sẽ dần mất.
Điều quan trọng là HS phải có thái độ học tập đúng đắn và hiểu rõ giới hạn giữa việc “hỗ trợ học tập” và “làm hộ bài tập”. Nếu khai thác đúng cách, AI sẽ là người bạn đồng hành hữu ích cho HS trong hành trình học tập, giúp mở ra các chân trời sáng tạo, là hành trang vô cùng quan trọng sau này.