Học sinh tiểu học Australia đánh đổi tuổi thơ lấy… điểm số
Cuộc thi tuyển sinh hàng năm tại bang New South Wales, vốn dành cho học sinh cuối cấp tiểu học, luôn được dư luận quan tâm và săn đón.

Áp lực học hành khiến học sinh Australia khó tận hưởng tuổi thơ.
Tại New South Wales, Australia, hàng nghìn học sinh tiểu học phải chịu áp lực học tập nặng nề để giành suất vào các trường trung học công lập tốp đầu, nơi được xem như tấm vé đảm bảo cho thành công trong tương lai. Tuy nhiên, đằng sau kỳ vọng đó là một thực tế đầy căng thẳng, học sinh đánh đổi tuổi thơ để theo đuổi điểm số.
Cuộc thi tuyển sinh hàng năm tại bang New South Wales, vốn dành cho học sinh cuối cấp tiểu học, luôn được dư luận quan tâm và săn đón. Nhưng gần đây, mức độ cạnh tranh đã vượt xa và tạo áp lực lớn.
Một số học sinh phải học thêm trong 18 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều em học gia sư riêng tới 3 buổi mỗi tuần. Cảnh sát thậm chí đã phải can thiệp để kiểm soát đám đông tại các trung tâm thi khi tình trạng hỗn loạn xảy ra vào đầu tháng này. Đây cũng là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức trực tuyến, gây ra không ít khó khăn về mặt kỹ thuật.
Một giám thị kỳ thi chia sẻ: “Chúng tôi đã chứng kiến những đứa trẻ hoảng loạn, thậm chí chấn thương tâm lý. Thật khó tin những gì diễn ra hôm đó lại là kỳ thi cho học sinh tiểu học”.
Áp lực không chỉ đến từ nhà trường mà còn từ chính các gia đình. Trong một nghiên cứu đang tiến hành tại Sydney với 38 gia đình có con đang học tiểu học, nhiều học sinh gốc Á phải học kèm hàng ngày tại nhiều trung tâm, đồng thời hoàn thành hàng giờ bài tập về nhà. Một phụ huynh thậm chí chia sẻ: “Chúng tôi tin vào phương pháp ‘không gian khổ, không có kết quả’. Nếu muốn vào trường tuyển chọn, con chúng tôi phải chịu đựng”.
Việc học thêm dày đặc khiến nhiều học sinh phải từ bỏ các hoạt động vui chơi, thể thao hay thậm chí là những kỳ nghỉ gia đình. Một số em không còn thời gian gặp gỡ bạn bè, thậm chí nghỉ học để tập trung cho kỳ thi. Một giáo viên cho biết, lớp học của cô vắng hẳn trong tuần trước kỳ thi, khi nhiều học sinh nghỉ để “tăng tốc ôn luyện”.
Hậu quả là không ít học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức. Các giáo viên bày tỏ lo ngại khi học sinh của họ ngủ không đủ giấc, thường xuyên lo âu, thậm chí bật khóc nếu kết quả không như mong muốn. Họ cũng phải tránh nói về kỳ thi trong lớp để giảm áp lực cho học sinh.
Nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, các kỳ thi có tính cạnh tranh cao ở bậc tiểu học có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, làm giảm sự tự tin trong học tập, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích môn Toán và Ngôn ngữ.
Dù vậy, nhiều phụ huynh, đặc biệt là những người nhập cư, vẫn xem giáo dục là con đường duy nhất để con họ khẳng định vị thế và vượt qua rào cản phân biệt chủng tộc.
Trong bối cảnh áp lực học tập leo thang, Chính phủ Australia cần sớm đưa ra những biện pháp giải quyết tình hình, phối hợp với gia đình và nhà trường nhằm hỗ trợ các em học sinh, tránh những tác động cực đoan của thi cử.
Không chỉ ở New South Wales, học sinh cả nước cũng phải đối mặt với áp lực tương tự. Các kỳ thi học bổng vào trường tư, bài kiểm tra NAPLAN, hay “lớp cơ hội” đều góp phần hình thành một văn hóa học tập cạnh tranh khắc nghiệt ngay từ những năm đầu đời.
Theo The Conversation