Thầy hiệu trưởng người Nhật tặng tiền tỷ cho sinh viên Việt Nam
Sau khi nhận giải thưởng Bảo Sơn, GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, đã trích 1 tỷ đồng tiền thưởng để đóng góp vào quỹ học bổng cho sinh viên trường.

GS.TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật. Ảnh: VJU.
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, mới đây, khi được nhận giải thưởng Bảo Sơn, GS Furuta Motoo, 76 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trích 1 tỷ đồng để đóng góp vào quỹ học bổng cho sinh viên nhà trường.
GS Furuta Motoo là nhà khoa học nước ngoài đầu tiên được nhận giải thưởng Bảo Sơn. Đây là giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, nhà sáng chế xuất sắc, có công trình giàu giá trị thực tiễn, nhân văn.
Ông đạt giải ở lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn với công trình “Lịch sử chính sách dân tộc của những người Cộng sản Việt Nam”.
Trước đó, GS Furuta đã nhiều lần đóng góp, dành phần lớn các giải thưởng, nhuận bút viết sách để trao tặng học bổng cho sinh viên (tổng giá trị tích lũy gần 700 triệu đồng).
Học bổng "Thầy Furuta" ở Đại học Việt Nhật dành cho những sinh viên ưu tú, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc các hoạt động kết nối đào tạo, nghiên cứu của sinh viên, học viên với Nhật Bản.
Như năm 2020, ông dành 2 triệu yên (khoảng 364 triệu đồng) từ giải thưởng Daido Seimei của Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ các sinh viên khóa đầu tiên ngành Nhật Bản học.
Bên cạnh đó, GS Furuta cũng kết nối và kêu gọi tài trợ thông qua các câu lạc bộ khoa học, các doanh nhân, trí thức Nhật Bản tài trợ cho sinh viên Đại học Việt Nhật, như quỹ Azabu (1,3 triệu yên và 155 triệu đồng), quỹ Mr. Takehara (200 triệu đồng) và nhiều tổ chức khác.
"Việt Nam là mối tình đầu và cũng là mối tình thủy chung của tôi suốt nửa thế kỷ nay. Có thể nói, tôi là một nhà khoa học nước ngoài Made in Vietnam", GS Furuta Motoo chia sẻ.
GS Furuta tốt nghiệp cử nhân Đại học Tokyo năm 1974. Ông bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1972, lần đầu đặt chân đến Hà Nội vào năm 1974, và từ đó dành trọn tâm huyết để tìm hiểu lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh và các vấn đề chính trị – xã hội của Việt Nam.
Năm 1996, ông cho xuất bản tại Nhật Bản cuốn sách Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và đổi mới, được đánh giá là công trình có ảnh hưởng sâu rộng trong giới học thuật Nhật Bản.
Quá trình công tác, ông từng là Hiệu trưởng trường Đại cương, Đại học Tokyo (2001-2002); nguyên Phó giám đốc Đại học Tokyo (2004-2006); nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Tokyo (2009-2015).
Ông được biết đến là nhà nghiên cứu Việt Nam học hàng đầu tại Nhật Bản, chuyên gia uy tín về lịch sử và chính trị Việt Nam.
Năm 2016, ông làm Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, là người nước ngoài đầu tiên đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng của một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Những đóng góp của ông đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng, như nhận bằng Tiến sĩ danh dự từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Huy chương Hữu nghị (năm 1980); giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (năm 2012); Huân chương Hữu nghị (năm 2013).