Tổ hợp Đoài: Kết nối di sản với thế hệ mới

Sau gần 2 năm hoạt động, Tổ hợp Đoài đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của làng cổ Đường Lâm. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự hiện diện của Đoài như một luồng gió mới, đưa nét đẹp văn hóa xứ Đoài đến gần hơn với giới trẻ, giúp họ gắn kết sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc.

Nơi tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống của xứ Đoài

Những năm gần đây, di sản xứ Đoài không ngừng được đánh thức, trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách thập phương. Tọa lạc tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), được sáng lập vào năm 2023 bởi kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, tổ hợp mang tên “Đoài” là nơi tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống của xứ Đoài.

Tháng 4 năm 2023, Đoài Creative được thành lập trước tiên, mang theo niềm khát vọng và tình yêu văn hóa thổi vào ngôi làng Đường Lâm cổ kính. Sau đó, Đoài Community và Đoài Studio dần được thành lập, tạo nên Tổ hợp Đoài đầy nét thơ, thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan mỗi năm. Tổ hợp Đoài không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật, các buổi workshop mà còn là trung tâm phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Đường Lâm.

 Đoài Creative - nơi bắt đầu của Tổ hợp Đoài

Đoài Creative - nơi bắt đầu của Tổ hợp Đoài

Tính đến cuối năm 2024, Đoài đã ghi nhận những thành tựu đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh của làng cổ Đường Lâm. Không gian văn hóa này đã phát triển và đa dạng hóa các hoạt động workshop nghệ thuật, từ lớp học làm gốm truyền thống, học vẽ tranh dân gian đến các khóa học về nghệ thuật đương đại. Đáng chú ý, các hoạt động này không chỉ đơn thuần là những trải nghiệm giải trí, mà còn là cầu nối giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.

Lượng khách tham quan Tổ hợp Đoài tăng đều qua từng tháng với sự đa dạng về độ tuổi và quốc tịch. Đặc biệt, không chỉ du khách trong nước mà còn có rất nhiều khách quốc tế tìm đến để trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa xứ Đoài. Phản hồi từ các du khách luôn ở mức tích cực, nhiều du khách đánh giá cao cách tiếp cận độc đáo của Đoài trong việc giới thiệu văn hóa truyền thống, cũng như không gian thanh bình, gần gũi với thiên nhiên của nơi đây.

Ông Charles và bà Viviane - du khách người Pháp chia sẻ, họ cảm thấy rất thích thú khi Tổ hợp Đoài vẫn giữ được những nét cổ kính và các giá trị văn hóa từ xưa đến nay. Với ông Charles và bà Viviane, không gian làng cổ nơi đây khiến tâm hồn họ được thả lỏng và cảm thấy yên bình hơn bao giờ hết.

 Rất nhiều khách quốc tế tìm đến để trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa xứ Đoài

Rất nhiều khách quốc tế tìm đến để trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa xứ Đoài

Để di sản thực sự “sống”

Sứ mệnh của Tổ hợp Đoài là hiện thực hóa khát vọng của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng trong việc gìn giữ di sản sống và khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống xứ Đoài. Anh Thắng tin rằng, văn hóa không chỉ là nền tảng của bản sắc mà còn là bước đệm để đưa du lịch phát triển bền vững - nơi văn hóa và du lịch không cạnh tranh mà hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Với quan điểm "lấy văn hóa làm du lịch và lấy chính du lịch để bảo tồn văn hóa", Tổ hợp Đoài được xây dựng như một mô hình tương tác hai chiều. Ở đó, văn hóa trở thành tài nguyên để du khách khám phá và trải nghiệm, trong khi chính sự hiện diện của du khách lại là động lực để bảo tồn và tái sinh các giá trị truyền thống. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng mong muốn, Đoài không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ mà còn là "cầu nối" để các giá trị ấy trường tồn và lan tỏa đến thế hệ trẻ.

Anh Thắng cho biết, khi làm kinh doanh, anh luôn đặt sứ mệnh của Tổ hợp Đoài lên trên hết. “Mọi người có thể dễ dàng biết đến Đường Lâm nhưng để hiểu về Đường Lâm lại là câu chuyện khác. Nếu từ những vị du khách đến người dân, chính quyền, các hộ kinh doanh ở đây đều hiểu về các giá trị văn hóa và những điều cốt lõi của Đường Lâm, chắc chắn chúng ta sẽ phát triển tốt”, anh Thắng chia sẻ.

 Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng

Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng

Theo kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, "hiểu" ở đây không chỉ là cảm nhận qua lời nói hay hình ảnh, mà là sự rung động từ trái tim. Đó là khi du khách đặt chân đến Đoài, họ không chỉ thấy mà còn phải hiểu được linh hồn của xứ Đoài trong từng mảng tường, mái ngói, hay những thanh âm của những biểu trình diễn nghệ thuật. Khi đã hiểu, từ chính quyền địa phương đến người dân sẽ biết cách làm tốt hơn, sẽ trân trọng và cùng nhau bảo tồn di sản, để từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa đến khách du lịch.

Nếu không "hiểu", chúng ta dễ bị cuốn theo sự hời hợt và có thể vô tình giẫm đạp lên những giá trị cốt lõi của Đường Lâm. Điều đó không chỉ làm mất đi cái hồn của di sản, mà còn phá vỡ mối liên kết giữa hiện tại và quá khứ - thứ giúp chúng ta định hình bản sắc trong dòng chảy không ngừng của thời gian.

Vì thế, Tổ hợp Đoài không chỉ là một địa điểm mà còn là một thông điệp sống. Di sản phải sống, phải chạm đến trái tim của mỗi người, để từ đó sinh sôi và trường tồn. Đó cũng chính là sứ mệnh lớn lao mà kiến trúc sư Khuất Văn Thắng theo đuổi: biến Đoài thành nhịp cầu, nơi mọi người cùng hiểu, cùng cảm nhận và cùng hành động vì một xứ Đoài không chỉ đẹp trong quá khứ, mà còn sống mãi trong tương lai.

Từng bước xây dựng mô hình du lịch chuyên nghiệp, bài bản

Tại làng cổ Đường Lâm, Đoài đã và đang khẳng định vai trò trong việc đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng quốc tế. Nhờ đó, Đoài Tour được thành lập, từng bước xây dựng một mô hình du lịch chuyên nghiệp và bài bản.

"Không phải ngôi làng nào cũng có thể tạo ra được những trải nghiệm du lịch đặc biệt như Đường Lâm", kiến trúc sư Khuất Văn Thắng nói. Theo anh Thắng, chính sự nhiệt thành của người dân địa phương trong việc tiếp đón các du khách đến thăm đã tạo nên sức hút riêng biệt của điểm đến này.

Đoài Tour phát huy thế mạnh thông qua việc tổ chức các chương trình trải nghiệm đặc sắc dài ngày và ngắn ngày, với các hoạt động thú vị giúp du khách không chỉ tham quan mà còn thấu hiểu được những giá trị văn hóa sâu sắc, con người và di sản của làng cổ Đường Lâm.

Một trong những điểm nhấn độc đáo của Đoài Tour là đội ngũ hướng dẫn viên trẻ tuổi được tuyển chọn từ chính những người con sinh ra tại làng cổ Đường Lâm. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực địa phương này không chỉ tạo cơ hội việc làm cho thanh niên bản địa, mà còn mang đến trải nghiệm du lịch chân thực, sâu sắc cho du khách. Các hướng dẫn viên của Đoài Tour, dù còn trẻ nhưng đã thấm nhuần văn hóa bản địa từ nhỏ, có thể kể về làng quê mình bằng chính những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế mà họ đã đi qua. Đặc biệt, họ còn được đào tạo để có thể truyền tải những giá trị văn hóa đặc sắc này bằng nhiều thứ tiếng, đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế.

Thực tế cho thấy, du khách nước ngoài thường đánh giá cao và ưu tiên lựa chọn những hướng dẫn viên bản địa hơn là những người được đào tạo chuyên nghiệp nhưng không gắn bó với địa phương. Qua những lời giới thiệu giản dị như "đây là làng của em", "văn hóa làng em có những nét đặc trưng này", du khách không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm làng cổ qua góc nhìn gần gũi, chân thực của chính những người con sinh ra và lớn lên tại đây.

Trong thời đại công nghệ hiện đại và nhiều đổi thay, những người trẻ tuổi trở thành động lực chính để phát triển và định hình tương lai du lịch của làng. Họ chính là “thế hệ vàng” mang trong mình những ý tưởng đột phá, sáng tạo trong việc xây dựng các concept và mô hình du lịch hiện đại, đáp ứng xu hướng thị trường.

Đội ngũ nhân viên trẻ của Đoài đang là minh chứng sinh động cho “thế hệ vàng” tại Đường Lâm. Với chính sách ưu tiên tuyển dụng người địa phương, Đoài không chỉ tạo cơ hội việc làm cho thanh niên trong làng mà còn từng bước xây dựng một thế hệ những người làm du lịch vừa am hiểu, vừa gắn bó sâu sắc với văn hóa bản địa.

"Các em không chỉ làm việc cho hiện tại mà còn cho cả thế hệ mai sau" là thông điệp được kiến trúc sư Khuất Văn Thắng nhấn mạnh với đội ngũ nhân viên trẻ. Bởi chính họ - những người con của làng, sẽ là những người giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương một cách tự nhiên và bền vững nhất.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại làng cổ Đường Lâm là một thách thức lớn đối với Đoài. Chiến lược phát triển du lịch bền vững và chậm rãi thông qua Tổ hợp Đoài được đánh giá là phù hợp và cần thiết, tránh việc thương mại hóa ồ ạt có thể làm mất đi những giá trị văn hóa vốn có của ngôi làng cổ. Thay vì đón nhận một lượng lớn khách du lịch và các hoạt động kinh doanh tự phát, Đường Lâm chọn con đường phát triển bền vững, lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng.

Minh Anh - Lan Chi - Kim Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/to-hop-doai-ket-noi-di-san-voi-the-he-moi-post400782.html
Zalo