Tiếng chuông bên dòng sông hoa đào
Chúng tôi đi dọc sông Thương tới chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) trong một sớm xuân về. Xưa, các cụ gọi sông Thương là dòng sông hoa đào bởi lẽ dọc hai bên bờ sông có nhiều vườn đào nở hoa khoe sắc. Nay vẫn vậy, tuy hoa đào không nhiều như trước kia nhưng các làng hoa luôn bám sông Thương để sinh sống.
Xuân mới, những làng hoa ở phường Dĩnh Kế hay xã Dĩnh Trí thuộc thành phố bắt đầu đón khách tới chọn gốc đào từ rất sớm.
Tiếng mõ ngàn năm mộng
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm ngay trên ngã ba sông Thương và sông Lục Nam. Cả hai con sông này đều bắt nguồn từ dãy núi xứ Lạng và chảy qua thành phố Bắc Giang. Những nguồn nước sông mang đậm dòng phù sa thơm thảo cho hạt lúa cây hoa của Bắc Giang có hương vị đặc biệt. Xuân tới, những đường thôn quê nhộn nhịp bên sông Thương đúng với cảnh xưa: "Sông Thương bên lở bên bồi/ Thuyền hoa neo đậu hỏi trôi bến nào?/ Miệng em chúm chím nụ đào/ Làm anh chống ngược cây sào - đứng tim".
Đó là hình ảnh diễn tả độc đáo mà kẻ sĩ Kinh Bắc còn giữ được tới ngày nay với nét duyên dáng của những anh Hai, chị Hai quan họ. Tiếng chuông và tiếng mõ chùa Vĩnh Nghiêm rõ dần. Những phật tử trầm lắng trong cõi thiền tự Trúc Lâm với tâm cảm về nơi chốn Tổ của Phật giáo Việt Nam. Chùa ngự nơi ngã ba sông và nhìn về phía bến Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, nơi đây còn là cửa ngõ ra vào phía đông núi Yên Tử.
Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa đặc biệt khi được vua Trần Nhân Tông chọn để trụ trì trước khi lên núi Yên Tử (phía Tây) thực hiện con đường tu nghiệp (vào năm 1299). Đã hơn 700 năm qua, lời kinh của Ngài vẫn còn được khắc ghi trong mộc bản tại chùa với lời thiền Phật tại tâm rằng: "Cõi trần vui Đạo cứ tùy duyên/ Đói bụng thì ăn, mệt ngủ liền/ Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền". Đây chính là sự bao hàm cốt lõi của dòng thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông đề xướng. Ngài là Tổ đầu tiên sáng lập ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử ngay tại đây.
Chùa Vĩnh Nghiêm hình thành từ đời Lý và đã được những Phật tổ thời nhà Trần chấn hưng và phát triển thành trung tâm Phật giáo nước nhà. Nơi đây đã có hàng vạn Phật tử về học và tu luyện nhập thế phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế, chùa có tới 3.000 bản khắc gỗ kinh Phật (mộc bản gỗ thị) để in sách cho các Phật tử tới tu học, luyện tập. Chùa là thiền viện đầu tiên ở nước ta qua nhiều triều đại cho tới nay.
Đặc biệt, chùa còn có cây hoa "Nhập nhân" luôn nở vào ngày lễ hội tháng Hai hàng năm mà không nơi nào có được. Một giống hoa chỉ tỏa hương khi có hơi ấm của con người chạm vào. Cây hoa "Nhập nhân" chỉ sống được trên đất đồi chùa nơi ngã ba sông Thương và Lục Nam. Những bông hoa trắng e ấp bên vườn chùa đã hơn 700 năm qua. Mỗi khi Phật tử động tay tới cành hoặc cánh mỏng là hoa tỏa hương thơm. Tên hoa được gọi là "Nhập nhân" là vì thế. Hương thơm thoang thoảng tựa hoa đào rừng được trồng bên sông Thương, với gốc cây đào rừng lớn ghép cành hoa Nhật Tân.
"Nhập nhân" như một điểm nhấn huyền ảo trên đồi chùa Vĩnh Nghiêm quanh năm xanh tươi với chiều cao chừng 2 mét và tán rộng xum xuê. Nằm trong chốn thâm nghiêm hoa "Nhập nhân" hòa chung trong cảnh núi non bao quanh tạo nên cảnh quan kỳ thú bến sông quê. Những vần thơ xuân thiền cảm của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khắc ghi trong mộc bản luôn sống động: "Chim nhẩn nha kêu liễu trổ đầy/ Thềm hoa chiếu rợp bóng mây bay/ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế/ Cùng tựa lan can nhìn núi mây" . ("Cảnh xuân" - Nguyễn Huệ Chi dịch).
Hoài vọng dòng sông thi ca
Sông Thương chảy quanh núi non tiên cảnh và chùa Vĩnh Nghiêm cùng những áng thơ thiền của Trần Nhân Tông. Từ đó, sông Thương luôn là nguồn mạch thi ca bao đời nay. Ai tới đây cũng bồi hồi với hình ảnh ca dao: "Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục em trông bên nào". Một thời, nhạc sĩ Phạm Duy trao gửi cảm xúc khi về miền Kinh Bắc qua trường ca "Con đường cái quan". Ông đã viết: "Sông Thương ơi! Nước chảy đôi dòng/ Anh về Hà Nội một lòng yêu em/ Sông Thương ơi! Nước đục người quen/ Anh về thành phố không quên có mình".
Giai điệu thương nhớ với sắc màu dân ca quan họ mang lại nét văn hóa đặc sắc trên đất Kinh Bắc ngàn năm. Nhưng trước đó, nhạc sĩ Đặng Thế Phong còn để lại dấu ấn Sông Thương lắng sâu hơn trong ca khúc "Con thuyền không bến" (sáng tác năm 1941). Ai cũng ngỡ như nhạc sĩ viết cho nỗi buồn của một cuộc tình. Bởi khi đó, nhạc sĩ đang ở Bắc Giang với bạn bè trên sông Thương thì được thư báo tin người yêu ở quê ốm nặng.
Nhưng ngược lại, giai điệu và lời ca lại ẩn giấu tâm trạng khắc khoải trong những ẩn ức thế sự: "Lướt theo chiều gió, một con thuyền/ Trôi trên sông Thương/ Nước chảy đôi dòng, biết đâu bờ bến/ Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu…?". Nỗi buồn nhân thế trào lên trong cảm xúc với đêm trăng trên sông Thương. Đó là âm điệu cô liêu và đầy hoang mang cho cuộc đời không biết sẽ đi về đâu trong khi đất nước bị xâm lược. Ông đã mượn hình ảnh sông Thương và con đò vô định để nói lên sự trăn trở trước thời tao loạn.
Sông Thương nằm giữa hai con sông Cầu và sông Lục Nam tạo nên miền sông nước độc đáo cho thành phố Bắc Giang. Cầu sắt Phủ Lạng Thương xưa gắn bó với thời gian đổi thay cùng lịch sử cách mạng Bắc Giang. Bên dòng sông hiện nay vẫn còn Bến Chia ly ngày nào. Nơi đây được coi là chứng nhân cho những cuộc viễn du kinh lý của sĩ phu Bắc Hà. Những người lính bị điều động lên biên cương phía bắc đều dừng chân tại bến để cách biệt ngàn trùng. Phía trước là Chi Lăng, Ải Nam Quan và Cao Bằng non nước thẳm xa đầy bất trắc. Vua Lê Thánh Tông từng viết: "Đứng bên bờ dốc ngăm sóng dài/ Lặn với sao trời ráng đỏ soi/ Sông xa bát ngát buồm trăng xế/ Tiếng giặt đâu đây não ruột ai…". (Xương Giang cảm hoài).
Không ít văn nghệ sĩ gắn bó với sông Thương qua những sáng tác chan chứa tình yêu quê hương. Ai cũng nhớ tới những câu thơ của Lưu Quang Vũ trong bài "Qua sông Thương''; hoặc như "Nhớ sông Thương" (Nhật Minh); hay khúc hát "Chiều sông Thương" của nhạc sĩ An Thuyên phổ thơ Hữu Thỉnh… Nhà thơ Hữu Thỉnh tràn đầy cảm xúc bên dòng sông: "Đi suốt cả ngày thu/ Vẫn chưa về tới ngõ/ Dùng dằng hoa quan họ/ Nở tím bên sông Thương". Hồn thơ được âm nhạc cất lên bay bổng trong âm hưởng dân gian ngọt ngào: "Nước vẫn chảy đôi dòng/ Những gì sông muốn nói/ Cánh buồm đang hát lên".
Trong khi đó, nhà thơ Lưu Quang Vũ mô tả dòng sông Thương một cách sống động. Ông còn là chứng nhân của những cuộc chiến đấu chống Mỹ ném bom phá hoại cầu sông Thương: "Nỗi đau cũ thật không cùng/ Sông cũng thành nước mắt/ Hôm nay anh lại qua sông/ Đò anh đi giữa những đóa sen hồng". Và nhà thơ thao thiết cùng nỗi niềm yêu thương: "Nghe sông gọi người đi đánh giặc/ Đất nước nặng tình phù sa bát ngát/ Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong/ Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng". (Lưu Quang Vũ).
Vang vọng Lục Đầu Giang
Nút thắt sông Thương hội tụ tại nơi mắt sóng của những con sông Kinh Bắc mang tên Lục Đầu Giang. Đây là được coi là dòng xoáy kinh hoàng đối với giặc Nguyên do chính vua Trần Nhân Tông chỉ huy trận đánh cùng Trần Hưng Đạo. Lục Đầu Giang vẫn còn đó một thuở huy hoàng của ông cha ta đánh tan giặc xâm lược. Nước sông mênh mang trôi âm thầm với núi non tiên cảnh thơ mộng đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm. Người xưa đã có câu: "Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành".
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên đất địa linh nhân kiệt nơi hội tụ của 6 con sông (sông Thương, sông Cầu, Lục Nam, Kinh Thầy, sông Đuống và sông Thái Bình). Lục Đầu Giang chính là nơi tắm máu giặc xâm lăng trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Trong đó, trận Vạn Kiếp (năm 1288) quân và dân nhà Trần đã chôn vùi xác giặc Nguyên trên sông Lục Đầu Giang. Bến sông xưa vẫn còn đó luôn ghi dấu cho cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc ta. Hình ảnh kiêu hùng mãi mãi vẫn không phai: "Lục Đầu Giang dậy sóng/ Một trời hoa mưa bay/ Rừng núi chiều ngược gió/ Vạn Kiếp mây phủ dày/ Dòng sông hoa cổ tích/ Kể chuyện chiến công xưa/ Nhớ Phật hoàng Yên Tử/ Ngân vang tiếng chuông chùa".