Phật giáo thoái trào tại Ấn Độ: Bài học lịch sử về sự sinh tồn và suy tàn của giáo pháp
Sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ là bài học cảnh tỉnh về tầm quan trọng của cộng đồng trong việc duy trì và phát triển tôn giáo.
Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ cách đây trên 2.500 năm và phát triển rực rỡ trong thiên niên kỷ đầu tiên. Sự tăng trưởng của Phật giáo chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nội đến ngoại quan. Tính cách nổi bật của đức Phật, sự nhiệt thành truyền giáo của các đệ tử, tổ chức sáng tạo của tăng đoàn, cùng những giáo lý tiến bộ (đặc biệt là các tư tưởng thách thức truyền thống Bà-la-môn) đã giúp Phật giáo trở thành một phong trào tôn giáo độc lập và phát triển mạnh mẽ.
Phật giáo còn nổi bật trong xã hội Ấn Độ vì chủ trương xã hội không giai cấp, gắn bó với tầng lớp thương nhân giàu có và sự nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ (dù chỉ kéo dài đến thời kỳ trung cổ).
Về mặt tổ chức, sự hình thành các tu viện Phật giáo, lưu truyền kinh sách và sự hỗ trợ tài chính từ các tín đồ quyền lực là những yếu tố quan trọng. Đặc biệt, Phật giáo nhận được sự bảo trợ từ các vương triều Ấn-Hy Lạp, các thương nhân giàu có tại Bắc Ấn, Trung Á và dọc theo “Con đường Tơ lụa.” Thời kỳ hoàng kim của Phật giáo diễn ra dưới triều đại vua A Dục vào thế kỷ III TCN, khi ông đưa Phật giáo lan tỏa khắp châu Á, từ Sri Lanka, Đông Nam Á đến Trung Quốc.
Nguyên nhân suy sàn
Tuy nhiên, sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ bắt đầu sớm hơn nhiều so với thời kỳ gần như tuyệt chủng vào thế kỷ XIII. Theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo đã đối mặt với những áp lực lớn từ thế kỷ IV-V TCN, ngay cả khi thành công ở Trung Á và trên Con đường Tơ lụa.
Ở Ấn Độ, Phật giáo gặp phải sự kháng cự ý thức hệ, đặc biệt đối với hệ thống tu viện. Sự bảo trợ của các triều đại cũng không ổn định và Phật giáo phải cạnh tranh với các lực lượng phi Phật giáo.
Triều đại Sunga (187-75 TCN), thành lập bởi Pushyamitra Sunga, đã có chính sách hạn chế các cơ sở Phật giáo. Điều này gây ra xung đột với vương quốc Hy Lạp-Bactria, vốn là đồng minh của triều đại Maurya (là một thế lực hùng mạnh trên một diện tích rộng lớn vào thời Ấn Độ cổ đại, do vương triều Maurya cai trị từ năm 321 đến 185 TCN).
Phật giáo tạm thời phục hưng dưới triều đại Gupta (240-579 SCN). Tuy nhiên, đến thế kỷ VII, nhà sư Huyền Trang đã ghi nhận nhiều tu viện hoang phế và sự suy giảm của cộng đồng tăng lữ. Sự chia rẽ nội bộ và xung đột giáo phái cũng góp phần làm suy yếu Phật giáo.
Từ thế kỷ VII đến XII, Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa phát triển mạnh ở Bengal dưới thời đế chế Pala (750-1161). Nhưng Phật giáo lại suy yếu khi phong trào Phục hưng Hindu nổi lên với sức mạnh triết học và văn hóa. Đến thế kỷ XIII, Phật giáo chịu cú đòn chí mạng bởi cuộc xâm lược của Muhammad Khilji, người đã phá hủy các tu viện lớn như Nalanda, chấm dứt hoàn toàn sức mạnh chính trị của Phật giáo tại Ấn Độ.
So sánh với Ấn Độ giáo
Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao Ấn Độ giáo không bị suy tàn như Phật giáo, dù cũng phải đối mặt với các cuộc xâm lược Hồi giáo? Khác với Phật giáo, Ấn Độ giáo giữ vững hệ thống giai cấp và gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Các nghi lễ, phong tục gắn liền với cuộc sống gia đình giúp củng cố tôn giáo này. Trong khi đó, Phật giáo chú trọng vào sự giải thoát cá nhân, mà không xây dựng được nền tảng cộng đồng vững chắc.
Hơn nữa, Phật giáo dần hòa nhập vào triết lý Bà-la-môn, khiến các nhà logic và tu sĩ Phật giáo đánh mất vị thế độc lập. Điều này dẫn đến sự thống trị của Ấn Độ giáo với các hình thức Vaishnavism (là một giáo phái Hindu lớn tôn thờ Vishnu như đấng tối cao và là người lãnh đạo của tất cả các vị thần Hindu khác) và Saivism (còn được gọi là Shaivism, là một truyền thống lớn của Ấn Độ giáo tôn thờ thần Shiva như là Đấng tối cao).
Sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ là bài học cảnh tỉnh về tầm quan trọng của cộng đồng trong việc duy trì và phát triển tôn giáo. Phong trào Phật giáo nhập thế và Phật giáo nhân văn hiện đại đã nhận ra điều này và cố gắng xây dựng cộng đồng vững mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn đối mặt với những thách thức lớn, như sự suy giảm tín ngưỡng ở thế hệ trẻ, khủng hoảng dân số tại Đông Á và ảnh hưởng của công nghệ hiện đại.
Để tồn tại và phát triển, Phật giáo Ấn Độ cần những chiến lược toàn diện và mạnh mẽ, đối mặt trực tiếp với các vấn đề của thời đại. Chỉ khi đó, Phật giáo mới có thể tiếp tục vai trò của mình như một ngọn đèn soi sáng cho nhân loại.
Chuyển ngữ: Thường Nguyên
Nguồn:buddhistdoor.net
(https://www.buddhistdoor.net/features/buddhisms-retreat-from-india-a-history-lesson-in-the-survival-and-decline-of-the-dharma/)