'Phương Đông xa xôi' của họa sĩ Ngô Văn Sắc
Triển lãm 'Phương Đông xa xôi' của họa sĩ đốt gỗ đa chất liệu Ngô Văn Sắc sẽ diễn ra từ ngày 10 - 20.1, tại Thăng Long Art Gallery, 41 Hàng Gai, Hà Nội.
Ngô Văn Sắc là nghệ sĩ được biết đến cả ở Việt Nam và quốc tế bởi hoạt động sáng tác nghệ thuật độc đáo. Đó là vẽ trên gỗ bằng cách khò lửa, ngoài ra còn kết hợp cùng lúc đa phương tiện, đa chất liệu với một cách nhìn rất rộng mở, đương đại...
Anh đã giành được một số giải thưởng đáng chú ý như giải Nhất Giải thưởng nghệ thuật Dogma 2012, Giải Bạc UOB (Painting of The Year) lần thứ 43 năm 2024 tại Việt Nam với tác phẩm Xâm thực...
Theo lời họa sĩ Ngô Văn Sắc, phương Đông e ấp, trừu tượng và bí ẩn đã luôn là niềm cảm hứng sáng tác của anh. Ở đó, từ xa xưa, thiên nhiên luôn được lồng ghép trong các công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật, và một trong những vật liệu tự nhiên họa sĩ thường dùng trong thực hành nghệ thuật chính là gỗ.
Khi kết hợp lửa trên các vân gỗ, hiệu ứng thị giác thay đổi tạo cho anh những liên tưởng như khi ngồi trước mặt hồ yên tĩnh để lắng nghe, quan sát làn sóng dịch chuyển, cảm nhận âm thanh và hình ảnh lan tỏa.
"Tôi tin rằng phần ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác nghệ thuật luôn tạo niềm thích thú vô bờ cho chính tác giả. Có thể đó là những lần gạt bay, đổ màu, mài sơn... Với tôi, mỗi vân gỗ, mỗi thớ gỗ là một câu chuyện riêng của tự nhiên luôn thay đổi, phong phú và bất ngờ trong quá trình hoàn thiện tác phẩm.
Thật thú vị để kết hợp những mảnh ghép và vật liệu thiên nhiên nhằm khắc họa và kể các câu chuyện của con người. Có lẽ giá trị lớn nhất chúng ta để lại là văn hóa, với những dấu tích về kiến trúc, phong tục, tập quán... Nhưng chính sự mài mòn, lẩn khuất, nhạt phai của những hình ảnh đó đôi khi lại tạo ra hứng thú kỳ lạ cho những người làm nghệ thuật", họa sĩ Ngô Văn Sắc chia sẻ.
Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận xét ở nhiều tác phẩm của Ngô Văn Sắc, các đám mây vân gỗ đã làm mờ đi những yếu tố hiện thực, huyền bí hóa hiện thực. Đồng thời, chúng có thể xâm lấn gây méo hình, vặn xoắn, tạo nên những ảo ảnh bồng bềnh, ngân nga của giấc mơ “siêu thực”…
Đôi khi, nghệ sĩ thích để cho các đám mây vân gỗ, như mây mù thời gian, tình cờ xâm lấn chân dung, làm tan chảy khuôn mặt, tan chảy hiện thực, đẩy xa dấu vết con người vào thiên nhiên, vào màn sương bí ẩn của dĩ vãng. Một sự xói mòn của thời gian, của môi trường, của lịch sử, để lại trong ta nỗi bâng khuâng, luyến tiếc với muôn vàn câu hỏi còn lấp lửng, bỏ ngỏ, như ta là ai, ta từ đâu đến, ta đi về đâu?…
Một số bức chân dung được nghệ sĩ đẩy cao thành những chân dung mang tính văn hóa, lịch sử. Ở đó, có thể thấy rõ dấu vết của văn hóa và thời gian thông qua các yếu tố như: hoa văn cổ, họa tiết cổ, ký tự cổ, trang phục cổ... rồi làng mạc, phố cổ, những hình ảnh chân thực lịch sử được họa sĩ chủ động đưa thêm vào bố cục tranh...