Tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Khi nào mới triển khai?

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024 nhưng đến nay, sau 9 tháng, các địa phương trên cả nước vẫn 'án binh bất động', chưa ban hành hướng dẫn triển khai và kế hoạch tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề bất động sản.

Thực tế này khiến hàng ngàn người hành nghề môi giới bất động sản "gặp khó", chưa kể những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Các nhà môi giới bất động sản tìm hiểu thông tin tại dự án nhà ở xã hội của huyện Đông Anh. Ảnh: Triệu Hoa

Các nhà môi giới bất động sản tìm hiểu thông tin tại dự án nhà ở xã hội của huyện Đông Anh. Ảnh: Triệu Hoa

Hệ quả từ độ trễ pháp lý

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 mang đến kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề môi giới bất động sản. Theo đó, thay vì hoạt động tự do, độc lập như thời gian trước, Điều 61 quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Để tổ chức thực hiện, tại Điều 19 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực đồng thời từ ngày 1-8-2024, quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ một kỳ thi nào như trên được tổ chức. Hầu hết các địa phương đều chậm triển khai, chưa có kế hoạch tổ chức thi, cũng như chưa ban hành hướng dẫn thống nhất, gây ra tâm lý lo lắng cho cộng đồng môi giới kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phản ánh, gần một năm “bất động” trong việc tổ chức thi cấp chứng chỉ như vậy, hàng vạn môi giới, hàng ngàn sàn giao dịch chịu ách tắc, khó hoạt động bởi nếu cố tình hoạt động sẽ sai với quy định pháp luật. “Bế tắc trong hoạt động của sàn giao dịch, của môi giới bất động sản sẽ dẫn đến giảm hiệu quả trong kết nối cung cầu, có thể gây ách tắc hàng hóa bất động sản từ các công trường, dự án đến với thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính nêu.

Về con số cụ thể, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, với khoảng gần 30.000 nhà môi giới, đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch. Khảo sát cũng cho thấy hiện chỉ có khoảng 11% lực lượng môi giới bất động sản sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực, 89% còn lại chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết hiệu lực. Trong đó có tới 51,8% môi giới chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo; 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ; 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực.

Về phía các doanh nghiệp, thực trạng này dẫn đến việc nhiều đơn vị môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp. Khảo sát chỉ ra, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn.

Thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi

Về điểm nghẽn chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn thực hiện ở cấp địa phương, Tiến sĩ Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, giải pháp tháo gỡ là cơ chế điều phối hiệu quả với trách nhiệm được phân định rõ ràng, cùng sự đồng lòng và quyết tâm hành động từ cả cấp trung ương và địa phương. Vấn đề không nằm ở năng lực tổ chức, mà ở sự thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi. Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, thì kỳ thi sát hạch sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tùng Phương, Phó Trưởng bộ môn Kinh doanh bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc cấp phép đào tạo nghề môi giới bất động sản là yêu cầu bắt buộc bởi đây là bước lọc đầu vào, góp phần kiểm soát chất lượng đào tạo hiệu quả, minh bạch.

Để sớm có thể tổ chức thi sát hạch chứng chỉ môi giới bất động sản, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, cần nhanh chóng giao quyền tổ chức thi sát hạch cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị chuyên môn đủ điều kiện đào tạo chuyên môn theo Luật Giáo dục và giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng hoàn thiện khung kiến thức, kỹ năng chương trình đào tạo, bộ tiêu chuẩn năng lực hành nghề môi giới, đạo đức.

“Các địa phương có thể kết hợp với cơ quan chuyên ngành như Hiệp hội Môi giới bất động sản, các cơ sở đào tạo chuẩn mực về bất động sản thiết kế bộ đề thi. Như vậy sẽ bảo đảm tính bảo mật và việc tổ chức một kỳ thi mang tính quốc gia ở các địa phương sẽ không có khó khăn”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tùng Phương đưa ra gợi ý.

Lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong toàn bộ quy trình từ đào tạo, sát hạch cho đến hỗ trợ tuyển dụng, hướng tới một hệ sinh thái nghề môi giới chuyên nghiệp.

Các chuyên gia cũng như doanh nghiệp, lực lượng môi giới hiện đều mong muốn và đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch, xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống.

Khánh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/to-chuc-sat-hach-va-cap-chung-chi-hanh-nghe-moi-gioi-bat-dong-san-khi-nao-moi-trien-khai-701775.html
Zalo